Việt Nam nằm trong top 8 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới

Việt Nam đứng thứ 6 trong top 8 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới với 3,5 triệu tấn.

Triển vọng về đất hiếm được nguồn cung cầu mạnh mẽ hỗ trợ khi thế giới hướng đến kỷ nguyên kinh tế mới, tập trung vào năng lượng sạch và tiến bộ công nghệ.

Nhưng với nỗi lo về chuỗi cung ứng ngày càng tăng, rất đáng để xem xét những nước nào trên thế giới có trữ lượng đất hiếm lớn nhất. Nhiều nhà sản xuất chủ chốt đất hiếm trên thế giới có trữ lượng lớn, ngược lại một số nước dù có trữ lượng cao song sản lượng lại thấp.

Ví dụ, năm 2024, các hầm mỏ ở Brazil chỉ sản xuất được 20 tấn nguyên tố đất hiếm, nhưng trữ lượng đất hiếm của nước này lại cao thứ 2 thế giới. Trong tương lai, các nước như thế này có thể trở thành "tay chơi" hơn trong lĩnh vực này.

Sau đây là tổng quan về trữ lượng đất hiếm của các nước, tập trung vào 8 nước có trữ lượng trên 1 triệu tấn. Số liệu được Investing News Network dẫn từ báo cáo mới nhất của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) về các nguyên tố đất hiếm. Trữ lượng được đo bằng tấn oxit đất hiếm (REO) tương đương.

Dữ liệu về các nước có trữ lượng đất hiếm hàng đầu thế giới được Investing News Network lấy từ báo cáo mới nhất của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS).

1. Trung Quốc

Trữ lượng đất hiếm: 44 triệu tấn

Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới với 44 triệu tấn. Năm 2024, quốc gia này cũng là nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới với sản lượng 270.000 tấn.

Mặc dù đã giữ vị trí số 1, nhưng Trung Quốc vẫn tập trung đảm bảo trữ lượng đất hiếm của nước này luôn ở mức cao. Năm 2012, quốc gia châu Á này tuyên bố trữ lượng đất hiếm đang giảm; sau đó năm 2016, họ tuyên bố sẽ tăng trữ lượng trong nước bằng cách thiết lập cả kho dự trữ thương mại và quốc gia.

Nhiều năm qua, Trung Quốc cũng kiểm soát chặt chẽ hoạt đột khai thác đất hiếm bất hợp pháp, đóng cửa các mỏ đất hiếm bất hợp pháp hoặc không tuân thủ quy định về mặt môi trường cũng như hạn chế sản xuất và xuất khẩu.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã phần nào nới lỏng những quy định trên khi đã nhiều lần tăng hạn ngạch khai thác.

Sự thống trị của Trung Quốc cả về sản lượng và dự trữ nguyên tố đất hiếm cũng gây ra nhiều vấn đề. Giá đất hiếm tăng mạnh khi nước này giảm xuất khẩu năm 2010, gây ra làn sóng ồ ạt tìm nguồn cung thay thế.

Trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nước nào cũng muốn nắm giữ vị trí thống trị trong lĩnh vực sản xuất xe điện và công nghệ. Tháng 12/2023, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất nam châm đất hiếm.

Những năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu tăng nhập khẩu đất hiếm từ Myanmar – quốc gia mà Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) không có dữ liệu về trữ lượng đất hiếm.

 2. Brazil

Trữ lượng đất hiếm: 21 triệu tấn

Brazil hiện là nước có lượng dự trữ đất hiếm lớn thứ 2 thế giới với 21 triệu tấn.

Tuy không phải là nước sản xuất hàng đầu đất hiếm trên thế giới trong năm 2024, song điều này có thể sớm thay đổi. Đầu năm 2024, công ty đất hiếm Serra Verde bắt đầu sản xuất thương mại từ mỏ đất hiếm Pela Ema ở bang Goiás giai đoạn 1. Đến năm 2026, công ty dự kiến sản xuất 5.000 tấn ô xít đất hiếm mỗi năm.

Pela Ema, một trong những mỏ đất sét ion – một loại khoáng sản nguyên tố đất hiếm – lớn nhất thế giới, sẽ sản xuất 4 nguyên tố nam châm đất hiếm quan trọng – loại nam châm vĩnh cửu được làm từ hợp kim của các nguyên tố đất hiếm - gồm neodymium, praseodymium, terbium và dysprosium. 

Theo công ty Serra Verde, đây là hoạt động khai thác đất hiếm duy nhất bên ngoài Trung Quốc sản xuất được cả 4 loại đất hiếm nam châm trên.

 3. Ấn Độ

Trữ lượng đất hiếm: 6,9 triệu tấn

Trữ lượng đất hiếm của Ấn Độ hiện ở mức 6,9 triệu tấn và năm 2024 nước này sản xuất được 2.900 tấn đất hiếm, tương đương vài năm trước. 

Ấn Độ sở hữu gần 35% trữ lượng khoáng sản bãi biển và cát của thế giới - đây là nguồn cung cấp đất hiếm đáng kể. Hồi tháng 12/2022, Bộ Năng lượng Nguyên tử Ấn Độ đã có báo cáo về sản lượng và năng lực sản xuất đất hiếm của nước này.

Cuối năm 2023, chính phủ Ấn Độ đã ban hành và thực thi các chính sách và luật định về việc thiết lập và hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển đất hiếm nhằm tận dụng nguồn dự trữ của nước này. 

Tháng 10/2024, Trafalgar, công ty kỹ thuật và mua sắm của Ấn Độ, đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy kim loại đất hiếm, hợp kim và nam châm đầu tiên của nước này.

 4. Australia
 Trữ lượng đất hiếm: 5,7 triệu tấn

Trữ lượng đất hiếm của Australia đứng thứ 4 thế giới với 5,7 triệu tấn và cũng là nước khai thác tài nguyên này lớn thứ 4 thế giới với 13.000 tấn.

Đất hiếm chỉ mới được khai thác ở Australia từ năm 2007, dự kiến sản lượng khai thác sẽ tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh việc vận hành mỏ và nhà máy cô đặc Mount Weld ở Australia, Công ty Lynas Rare Earths còn có cơ sở tinh chế và chế biến đất hiếm tại Malaysia. Lynas Rare Earths được coi là nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới không phải của Trung Quốc. 

Theo Cơ sở Dữ liệu Khai mỏ trực tuyến (MDO), việc mở rộng nhà máy Mt Weld của Lynas Rare Earths dự kiến hoàn thành vào năm 2025. MDO cũng báo cáo rằng cơ sở chế biến đất hiếm mới của công ty tại Kalgoorlie, phía Tây Australia, đã bắt đầu hoạt động từ giữa năm 2024, sản xuất hỗn hợp đất hiếm carbonate cho nhà máy của Lynas tại Malaysia.

Mỏ đất hiếm Yangibana của công ty Hastings Technology Metals đã sẵn sàng đưa vào khai thác và công ty cũng đã ký thỏa thuận khai thác với công ty Baotou Sky Rock của Trung Quốc. Hastings kỳ vọng sản lượng đất hiếm sẽ đạt 37.000 tấn/năm và lô tinh quặng đầu tiên sẽ được giao vào quý 4/2026.

 5. Nga

Trữ lượng đất hiếm: 3,8 triệu tấn

Năm 2024, trữ lượng đất hiếm của Nga đạt 3,8 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với 10 triệu tấn năm 2023, theo số liệu từ các báo cáo công ty và của Chính phủ. Năm 2024, Nga sản xuất được 2.500 tấn đất hiếm, tương đương năm 2023.

Năm 2020, Chính phủ Nga dự định đầu tư 1,5 tỷ USD để cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường đất hiếm. 

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây ra lo ngại về gián đoạn nguồn cung đất hiếm vào Mỹ và châu Âu.

6. Việt Nam

Trữ lượng đất hiếm: 3,5 triệu tấn

Năm 2024, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đã tính toán lại trữ lượng đất hiếm của Việt Nam dựa trên báo cáo của các công ty và chính phủ. Theo đó, trữ lượng đất hiếm của Việt Nam ở mức 3,5 triệu tấn, giảm so với ước tính trước đó là 22 triệu tấn. 

Sản xuất đất hiếm của Việt Nam năm 2024 chỉ đạt 300 tấn. Năm 2023, Việt Nam công bố mục tiêu sản xuất 2,02 triệu tấn đất hiếm vào năm 2030. 

7. Mỹ
 
Trữ lượng đất hiếm: 1,9 triệu tấn

Năm 2024, mặc dù đứng ở vị trí thứ 2 thế giới về sản xuất đất hiếm với 45.000 tấn, nhưng Mỹ chỉ xếp thứ 7 về trữ lượng đất hiếm với 1,9 triệu tấn.

Hoạt động khai thác đất hiếm tại Mỹ hiện chỉ diễn ra tại mỏ Mountain Pass ở California, do MP Materials sở hữu. Theo Cơ sở Dữ liệu Khai mỏ trực tuyến (MDO), MP Materials "đang thiết lập các cơ sở hạ nguồn (Giai đoạn III) tại Nhà máy Fort Worth để chuyển đổi một phần oxit đất hiếm - được sản xuất tại Mountain Pass - thành nam châm đất hiếm và các sản phẩm tiền thân".

Vài năm qua, chính phủ Mỹ đã có nhiều động thái củng cố ngành công nghiệp đất hiếm. Tháng 4/2024, dưới thời Chính quyền Tổng thống Biden, Bộ Năng lượng Mỹ đã dành 17,5 triệu USD cho 4 công nghệ chế biến đất hiếm và khoáng sản.

8. Greenland

Trữ lượng đất hiếm: 1,5 triệu tấn

Tổng trữ lượng đất hiếm của Greenland là 1,5 triệu tấn, nhưng khu vực này hiện không sản xuất kim loại này. Tuy nhiên, Greenland hiện có hai dự án đất hiếm quan trọng với trữ lượng lớn là Tanbreez và Kvanefjeld.

Tháng 7/2024, công ty Critical Metals đã hoàn thành Giai đoạn 1 việc mua lại cổ phần kiểm soát trong dự án Tanbreez từ công ty tư nhân Tanbreez Mining.

Greenland khu vực tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch - và trữ lượng đất hiếm của đảo này luôn nằm trong tầm ngắm của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi trở lại Nhà Trắng. Tuy nhiên, Thủ tướng Greenland và Quốc vương Đan Mạch đã tuyên bố rõ ràng Greenland không phải để bán.

 

HT
CÙNG CHUYÊN MỤC
Dự báo giá heo hơi ngày 18/4: Một số địa phương đang tạm chững giá

Qua khảo sát thị trường heo hơi những ngày gần đây, nhiều chuyên gia dự báo giá heo hơi ngày mai có thể kéo dài xu hướng đi ngang tại một số địa phương.

Người tiêu dùng Nhật Bản dần chuyển sang dùng gạo nhập khẩu

Giữa lúc giá gạo nội địa Nhật Bản liên tục leo thang do sản lượng sụt giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, ngày càng nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng nước này đang chuyển sang sử dụng gạo nhập khẩu thay thế.

Giá vàng châu Á rời đỉnh do hoạt động chốt lời

Giá vàng châu Á giảm trong phiên 17/4 khi các nhà đầu tư thực hiện chốt lời sau khi kim loại quý này chạm mức cao kỷ lục. Thị trường cũng đang đánh giá diễn biến các cuộc đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Nhật Bản.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Giá vàng sẽ biến động dữ dội trong 70 ngày tới

Nhiều tổ chức quốc tế mới đây đã nâng dự báo giá vàng lên mức cao mới trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước tăng cường mua vào, giới đầu tư vẫn ưa chuộng vàng như tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro địa chính trị ngày càng hiện hữu.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO