Theo Cục Thống kê, Bộ Tài chính, trong tháng 6, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 76,15 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 17,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 12,15 tỷ USD).
Xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm. (Nguồn: Cục Thống kê)
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 đạt 39,49 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Sáu tăng 16,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 5,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 24,4%.
Trong quý II, kim ngạch xuất khẩu đạt 116,93 tỷ USD, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm trước và tăng 13,6% so với quý I năm 2025.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 72,3%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 194,28 tỷ USD, chiếm 88,4%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 19,12 tỷ USD, chiếm 8,7%; nhóm hàng thủy sản đạt 5,11 tỷ USD, chiếm 2,3%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,32 tỷ USD, chiếm 0,6%.
Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025. (Nguồn: Cục Thống kê)
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6 đạt 36,66 tỷ USD, giảm 6,1% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Sáu tăng 20,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32,7%.
Trong quý II, kim ngạch nhập khẩu đạt 112,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 12,9% so với quý I năm 2025.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 212,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 72,82 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 139,38 tỷ USD, tăng 22,3%.
Có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,0% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 6 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 56,8%).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 198,92 tỷ USD, chiếm 93,7%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 51,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 42,5%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 13,28 tỷ USD, chiếm 6,3%.
Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2025. (Nguồn: Cục Thống kê)
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa, trong 6 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 70,91 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,7 tỷ USD.
Xuất siêu sang Mỹ đạt 62,0 tỷ USD tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU đạt 19,0 tỷ USD, tăng 11,6%; xuất siêu sang Nhật Bản đạt 1,2 tỷ USD, tăng 69,1. Nhập siêu từ Trung Quốc đạt 55,6 tỷ USD, tăng 42,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc đạt 14,6 tỷ USD, tăng 0,1%; nhập siêu từ ASEAN đạt 7,5 tỷ USD, tăng 67,4%.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.416,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,2%,
Trong 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.
6 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 38,5%.
Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị PepsiCo mở rộng hợp tác, là cầu nối để các doanh nghiệp Mỹ và đối tác tăng đầu tư vào Việt Nam.