Kinh doanh & Thị trường 10/06/2025 08:54

VinFast chưa thoát lỗ nhưng một chỉ số vừa bất ngờ 'quay đầu', CFO nói đây là thời điểm quan trọng

VinFast lỗ ròng hơn 700 triệu USD trong quý I, tuy nhiên ghi nhận biên lợi nhuận đã cải thiện đáng kể.

Ngày 9/6, VinFast công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán cho quý I/2025. Trong ba tháng đầu năm, hãng đã bàn giao tổng cộng 36.330 ô tô điện. Con số này tăng 296% so với cùng kỳ năm 2024.

Số xe ô tô bàn giao trong quý I/2025 vượt tổng số xe giao trong nửa đầu năm 2024. Trong cùng kỳ, số lượng xe máy điện và xe đạp điện bàn giao đạt 44.904 chiếc, tăng 473% so với quý I/2024.

Tổng doanh thu quý I/2025 đạt 16.306,4 tỷ đồng (656,5 triệu USD), tăng 149,9% so với quý I/2024.

Công ty ghi nhận lỗ gộp 5.736,5 tỷ đồng (231 triệu USD) và lỗ ròng 17.693,8 tỷ đồng (712,4 triệu USD). Biên lợi nhuận gộp đạt mức âm 35,2%. Trong khi đó, tỷ lệ này là âm 58,7% vào quý I/2024 và âm 79,1% vào quý IV/2024. Sự cải thiện trong biên lợi nhuận gộp cho thấy VinFast đang hoạt động hiệu quả hơn nhờ tăng trưởng doanh thu và tối ưu chi phí.

Xe điện VinFast được trưng bày tại trung tâm hội nghị ở Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VinFast, cho biết: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ sử dụng nền tảng xe điện thế hệ mới và kiến trúc điện/điện tử (E/E) để tối ưu hóa chi phí nguyên vật liệu (BOM) hơn nữa. Điều này giúp chúng tôi nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu suất và giảm giá thành cho tất cả sản phẩm xe điện của chúng tôi”.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Tài chính VinFast, cho biết thêm: “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi đang ở điểm chuyển giao quan trọng. Quy mô sản xuất lớn hơn giúp chúng tôi kiểm soát chi phí tốt hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Chúng tôi đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc giảm cả chi phí sản xuất (COGS) lẫn chi phí vận hành. Đồng thời, chúng tôi vẫn tiếp tục tinh gọn quy mô và tìm kiếm thêm các cơ hội tối ưu chi phí trong tương lai”.

Tính đến ngày 31/5/2025, ông Phạm Nhật Vượng đã giải ngân 20.500 tỷ đồng (825,4 triệu USD) cho VinFast dưới dạng tài trợ không hoàn lại. Đây là một phần của cam kết hỗ trợ tài chính lên tới 50.000 tỷ đồng (2,1 tỷ USD), công bố ngày 12/11/2024.

Vingroup cũng đã giải ngân khoản vay trị giá 30.571,3 tỷ đồng (1,2 tỷ USD) cho VinFast tính đến cùng thời điểm. Cuối năm 2024, Vingroup cam kết cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng để hỗ trợ tăng trưởng.

Về sản phẩm mới, VinFast đã ra mắt mẫu xe điện chở hàng cỡ nhỏ EC Van. Công ty cũng công bố mẫu xe bus điện thứ ba là EB 6, dài 6 mét và có sức chứa 30 người.

VinFast dự kiến giới thiệu nền tảng thế hệ mới và kiến trúc E/E bắt đầu từ quý III/2025 với mẫu xe Limo Green, sau đó mở rộng sang các mẫu xe điện hiện có từ năm 2026.

Tại Indonesia, VinFast tiếp tục mở rộng sự hiện diện. Hãng đã mở bán mẫu VF 6, sau các mẫu VF 3, VF 5 và VF e34. Những chiếc VF 6 đầu tiên dự kiến được bàn giao trong quý II/2025. Hãng đang mở rộng mạng lưới đại lý và xưởng dịch vụ thông qua các đối tác như Amarta, Otoklix và BOS.

Tại Philippines, VinFast hợp tác với bốn đối tác xưởng dịch vụ gồm Goodyear Philippines, Tire King and Rubber Products, Power Tread Services và Marcjan Cavite. Các thỏa thuận này dự kiến bổ sung hơn 70 xưởng dịch vụ ủy quyền trong năm 2025.

Tại Ấn Độ, VinFast đã giới thiệu thương hiệu tại triển lãm Bharat Mobility Global Expo 2025, ra mắt hai mẫu SUV điện VF 6 và VF 7. Nhà máy tại bang Tamil Nadu dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 7/2025.

Tại Bắc Mỹ và châu Âu, VinFast điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Tại Canada, công ty dự kiến đóng cửa 5 cửa hàng DTC tại trung tâm thương mại và vùng ngoại ô. VinFast vẫn duy trì hoạt động tại các showroom chính ở British Columbia, Ontario và Quebec. Đồng thời, hãng hợp tác với các đối tác dịch vụ hậu mãi.

Tại Đức và Hà Lan, VinFast chuyển sang mô hình kinh doanh qua đại lý. Hiện có hai đại lý tại Đức là Schachtschneider Automobile và Autohaus Hübsch. Tại Pháp, hãng ký kết với đại lý ASTRADA SIMVA. VinFast cũng phát triển mạng lưới xưởng dịch vụ ủy quyền tại châu Âu với các đối tác như ATU (Đức), Norauto (Pháp) và LKQ (Hà Lan).

Tính đến ngày 30/4/2025, VinFast có tổng cộng 388 cửa hàng bán lẻ toàn cầu, bao gồm cửa hàng DTC và đại lý.

Trong năm 2025, công ty đặt mục tiêu tăng ít nhất gấp đôi số xe bàn giao trên toàn cầu. VinFast tập trung vào các thị trường trọng điểm gồm Việt Nam, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Bắc Mỹ và châu Âu. Hãng tiếp tục đánh giá các thị trường tiềm năng tại châu Âu, châu Á, Trung Đông và châu Phi.

Đức Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 16/06/2025 07:39
[Photostory] Cận cảnh dự án The 9 Stellars của Sonkim Land đang được mở bán tại TP Thủ Đức

Dự án The 9 Stellars hiện đang được thi công xây dựng tại mặt tiền đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, Thủ Đức. Dự án này do CTCP Ngân Thạnh làm chủ đầu tư và được phát triển bởi Sonkim Land.

Kinh doanh & Thị trường 16/06/2025 07:38
Trung Nam Group đầu tư gần 3.900 tỷ đồng xây khu công nghiệp Cà Ná

Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Trung Nam Cà Ná, thành viên Trung Nam Group, làm chủ đầu tư khu công nghiệp gần 3.900 tỷ đồng ở Ninh Thuận.

Kinh doanh & Thị trường 16/06/2025 07:36
Sắp đấu thầu lại dự án khu đô thị 'đắp chiếu' gần chục năm ở TP Quy Nhơn

Dự án Khu đô thị, du lịch, văn hóa thể thao hồ Phú Hòa tại trung tâm TP Quy Nhơn sẽ được địa phương đấu thầu lại để chọn nhà đầu tư, sau một thập kỷ "đắp chiếu".

Kinh doanh & Thị trường 16/06/2025 07:25
Chiến lược mới của doanh nghiệp ngoại: Mang cả chuỗi cung ứng sang Việt Nam

Trước những biến động toàn cầu, ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Việt Nam không chỉ là điểm đến sản xuất, mà còn là nơi tái định hình toàn bộ chuỗi cung ứng của họ.