(Ảnh minh họa: Cfoto|Future Publishing|Getty Images).
Nhóm 7 cổ phiếu công nghệ vốn hoá siêu lớn có tên “Magnificent 7” đã chứng kiến vốn hóa thị trường tăng thêm 837,5 tỷ USD trong phiên giao dịch đầu tuần, sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý giảm mạnh thuế quan với hàng hóa của nhau trong 90 ngày. Đây là mức tăng vốn hóa lớn nhất trong một ngày của nhóm này kể từ ngày 9/4.
Magnificent 7 là nhóm cổ phiếu gồm các ông lớn công nghệ Mỹ Apple, Amazon, Alphabet, Meta Platforms, Microsoft, Nvidia và Tesla.
Cổ phiếu công nghệ - ví dụ như các công ty chất bán dẫn và nhà sản xuất smartphone - đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Các nhà đầu tư cuối cùng cũng thở phào sau khi cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn đến việc thuế quan đối ứng được tạm hoãn trong 90 ngày.
Tại Mỹ, giá cổ phiếu Nvidia kết phiên tăng hơn 5%, dù công ty vẫn đối mặt với nhiều hạn chế về việc bán chip sang Trung Quốc. Cổ phiếu các nhà sản xuất chip AMD, Broadcom và Qualcomm lần lượt đi lên 5%, 6% và 5%.
Những công ty khác hoạt động trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn cũng ghi nhận diễn biến khả quan. Cổ phiếu công ty phát triển công nghệ về chất bán dẫn Marvell bật tăng 8%.
Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, chứng kiến cổ phiếu niêm yết tại Mỹ đi lên khoảng 6%. TSMC cũng niêm yết tại Đài Loan, nhưng thị trường chứng khoán của hòn đảo này đóng cửa trước khi Mỹ - Trung ra thông báo về thuế quan.
Tại châu Âu, ASML, công ty cung cấp máy móc quan trọng để sản xuất những dòng chip tiên tiến nhất, chứng kiến giá cổ phiếu đi lên 6%. Cổ phiếu nhà sản xuất chất bán dẫn Đức Infineon cũng bật tăng mạnh mẽ.
Chất bán dẫn và một số sản phẩm điện tử đã được miễn trừ khỏi thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ tháng trước. Nhưng Nhà Trắng cũng cảnh báo việc miễn trừ chỉ là tạm thời và các sản phẩm đó vẫn có thể đối mặt với các mức thuế đặc biệt.
Trong thời gian qua, các nhà đầu tư đã trở nên lo lắng về tác động của thuế quan đối với những cổ phiếu công nghệ lớn, đặc biệt là các công ty có nhiều hoạt động tại Trung Quốc như Apple và Amazon. Hai cổ phiếu này chịu khá nhiều áp lực trong năm nay.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh công bố tháng này, Apple ước tính thuế quan sẽ khiến chi phí của công ty tăng thêm 900 triệu USD trong quý II. Có tới 90% iPhone - sản phẩm chủ lực của hãng - được sản xuất tại Trung Quốc.
Kết phiên đầu tuần, giá Apple tăng khoảng 6%. Amazon đạt mức tăng còn mạnh mẽ hơn là 8%. Nhiều người bán trên Amazon phụ thuộc vào các sản phẩm Trung Quốc, tờ CNBC chỉ ra.
Giá các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cũng đi lên cùng với thị trường, ví dụ như hai gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và JD.com.
Ông Daniel Ives, Giám đốc cấp cao tại Wedbush Securities, viết trong một lưu ý: “Mỹ và Trung Quốc đang tăng tốc để đi đến một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn. Do đó, chúng tôi tin rằng cổ phiếu công nghệ và thị trường chứng khoán nói chung có tiềm năng lập đỉnh mới trong năm 2025…
Thông báo của Mỹ - Trung sáng ngày hôm nay là bàn thắng lớn dành cho các nhà đầu tư duy trì quan điểm tích cực”.
Việc Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm nhận máy bay Boeing là tin vui đối với nhà sản xuất máy bay lớn nhất nước Mỹ.
Các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ hoan nghênh thỏa thuận hai siêu cường thế giới vừa đạt được vào cuối tuần trước, nhưng cảnh báo giá cả vẫn sẽ trở nên đắt đỏ hơn trong thời gian tới.
Các quan chức, truyền thông nhà nước và người có sức ảnh hưởng tại Trung Quốc đang ca ngợi thoả thuận thương mại mới giữa Bắc Kinh và Washington.
Các chỉ số chứng khoán chính đã vọt tăng sau khi Mỹ và Trung Quốc cùng đồng ý tạm thời hạ thuế đối ứng trong thời gian 90 ngày. Các nhà đầu tư kỳ vọng động thái này sẽ cứu nền kinh tế Mỹ khỏi suy thoái.