Trong bài viết tuyển dụng trên mạng xã hội, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc toàn cầu của GSM – đơn vị vận hành hãng taxi điện Xanh SM cho biết “công ty đang nghiên cứu về mảng Food (giao đồ ăn - pv) rất tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam”.
Ông cho biết Xanh SM đang tìm kiếm các ứng viên tiềm năng có kinh nghiệm xây dựng, vận hành và kinh doanh mảng Food Delivery về cùng trao đổi để xem liệu Xanh SM có nên gia nhập thị trường giao đồ ăn hay không.
Yêu cầu được ra cho các ứng viên là người giàu kinh nghiệm, hiểu biết sâu về lĩnh vực này.
Taxi Xanh SM di chuyển trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: Lâm Anh).
Sau hai năm xuất hiện trên thị trường, Xanh SM đã vươn lên dẫn đầu thị trường taxi công nghệ. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, trong quý IV/2024, Xanh SM chiếm 37,41% thị phần, vượt qua Grab (36,62%) và bỏ xa các đối thủ khác như Be (5,55%), Mai Linh (4,81%), Vinasun (2,44%).
Trước đó, nghiên cứu được thực hiện cuối năm 2024 từ Q&Me cho thấy sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ ô tô điện Xanh SM đạt 83%, vượt Grab (80%) và Be (68%). Xanh SM cũng là ứng dụng được người dùng chi tiêu nhiều nhất.
Quý I/2024, Decision Lab - đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam, công bố báo cáo "The Connected Consumer” chỉ ra rằng Xanh SM chiếm đến 32% tỷ lệ thâm nhập thị trường tại thời điểm đó.
Không chỉ hoạt động tại Việt Nam, Xanh SM còn “mang chuông đi đánh xứ người”. Hãng vào Lào vào tháng 11/2023 và Indonesia vào tháng 12/2024. Trong năm nay, công ty dự định đưa thêm ít nhất 10.000 taxi Xanh SM vào Indonesia và tiếp tục mở rộng sang Philippines cũng như các khu vực khác ở châu Á.
Xanh SM đang thắng thế ở đường đua gọi xe nhưng thị trường giao đồ ăn ở Việt Nam lại là câu chuyện khác.
Báo cáo "Nền tảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á" do tổ chức đầu tư mạo hiểm Momentum Works (Singapore) ước tính quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam mở rộng từ 1,4 tỷ USD vào 2023 lên 1,8 tỷ USD năm ngoái.
Trong đó, GrabFood và ShopeeFood tạo thành thế song cực, chiếm lần lượt 48% và 47% thị phần. Còn lại beFood giữ 4% và GoFood của Gojek chiếm 1% trước khi rút khỏi Việt Nam vào tháng 9/2024.
GrabFood đang là đơn vị dẫn đầu thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam. (Ảnh: Lâm Anh).
Một tín hiệu tốt cho Xanh SM là sự phát triển của thị trường giao đồ ăn có động lực từ cả ba phía gồm người dùng, quán ăn - nhà hàng và nền tảng. Người Việt ngày càng ưu chuộng đặt đồ ăn nấu sẵn qua ứng dụng vì tính tiện lợi, nhiều ưu đãi.
Khảo sát năm ngoái của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho biết 30% người được hỏi gọi đồ ăn giao tận nơi cho bữa trưa, chỉ ít hơn lựa chọn mang cơm nhà (46%) nhưng cao hơn thói quen đi ăn ngoài (12%).
Ngoài ra, thị trường giao đồ ăn Việt Nam vẫn nhỏ khi xét về quy mô trong 6 nước Đông Nam Á được thống kê, cùng với Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Malaysia. Quốc gia vạn đảo dẫn đầu với thị trường 5,4 tỷ USD, tăng trưởng về nhì ở mức 18%.
Theo Momentum Works, Việt Nam và Indonesia là hai động lực giúp thị trường giao đồ ăn tại Đông Nam Á phục hồi năm qua, với mức tăng trưởng 13% đạt tổng giá trị giao dịch (GMV) 19,3 tỷ USD.
Tăng trưởng chung của ngành F&B khu vực vào 2024 chậm lại còn 4,6%, nhưng tỷ lệ thâm nhập của dịch vụ giao đồ ăn tiếp tục tăng nhờ vào các phân khúc khách hàng mới và chiến lược đổi mới từ các nền tảng.
Cơ quan chống độc quyền Italy thông báo ngày 20/2 đã tiến hành kiểm tra văn phòng của các hãng xe BYD, Stellantis, Tesla và Volkswagen với sự hỗ trợ của cơ quan cảnh sát tội phạm tài chính của Italy.
Merzy là thương hiệu mỹ phẩm đến từ Hàn Quốc. Khách hàng của hãng chủ yếu là nữ giới ở độ tuổi từ 15-35, có mức chi tiêu bình dân cho các sản phẩm làm đẹp.
Hà Nội vừa điều chỉnh quy hoạch lô đất B2-CC2 tại Khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây nhằm tổ chức lại mặt bằng công trình không gian kiến trúc cảnh quan và khu vực xây dựng công trình ngầm.
Tỉnh Bắc Ninh đang kêu gọi đầu tư loạt khu đô thị tại TP Bắc Ninh, Từ Sơn, huyện Tiên Du với tổng vốn dự kiến hơn 105.000 tỷ đồng.