26/09/2024 19:25

'Xu hướng tăng lãi suất huy động khó duy trì, lãi suất cho vay tiếp tục giảm'

VCBS dự báo nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ duy trì lãi suất đi ngang, còn nhóm ngân hàng cổ phần có thể tăng nhẹ lãi suất để huy động thêm vốn. Trong khi đó, lãi suất cho vay được dự báo vẫn ở mức thấp cho cả năm 2024 nhằm thúc đẩy tín dụng.

Trong báo cáo ngành ngân hàng quý III/2024, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã dự báo xu hướng tăng của lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2024 sẽ khó tiếp diễn và có độ phân hóa giữa các ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục đi xuống. 

Trong báo cáo trước đó, VCBS từng dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ nhích nhẹ trong quý II và quý III từ 30 đến 50 bps, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý IV. Kỳ vọng cả năm có thể tăng từ 50-100 bps.

Từ mức thấp trong năm 2024, lãi suất nhóm ngân hàng quốc doanh đã đi ngang; lãi suất nhóm cổ phần lớn tăng 50 điểm cơ bản (bps) và lãi suất nhóm ngân hàng khác tăng 68 bps.

Các chuyên viên phân tích cho hay, đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng sẽ đi ngang, hoặc có thể giảm nhẹ vào thời điểm cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động do ảnh hưởng từ các diễn biến thiên tai thời gian gần đây. 

Trong khi đó, đối với nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, áp lực tăng nhẹ đối với lãi suất huy động vẫn còn để tăng cường huy động vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Nhóm những ngân hàng có mức độ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng lớn và cơ cấu huy động vốn kém linh hoạt sẽ chịu áp lực lớn hơn, VCBS nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích cũng chỉ ra một loạt yếu tố có thể tác động tới mặt bằng lãi suất huy động trong những tháng cuối năm, bao gồm chênh lệch huy động - tiền gửi, nhu cầu vốn cuối năm và cầu tín dụng bất động sản. 

Chênh lệch tín dụng - huy động đang khoảng 600.000 tỷ đồng.

Theo đó, chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng toàn hệ thống vẫn duy trì ở mức cao. Tình trạng này có thể tiếp tục gây áp lực lên mặt bằng LSHĐ trong thời gian tới. Một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ có thể phải nâng lãi suất nhằm gia tăng mức độ cạnh tranh của kênh tiền gửi tiết kiệm so với lợi suất đầu tư của các kênh đầu tư khác trên thị trường.

Đồng thời, nhu cầu chuẩn bị nguồn vốn nhằm đáp ứng cầu tín dụng từ hoạt động sản xuất - kinh doanh thường có xu hướng tăng cao vào những tháng cuối năm cũng có thể là yếu tố thúc đẩy lãi suất huy động.

Cuối cùng, cầu tín dụng từ hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng được kỳ vọng sẽ giữ đà tăng trưởng tốt trong nửa sau 2024. Do đó, nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay nhóm ngành này ở mức cao cần có chính sách huy động phù hợp nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng.

Đà tăng lãi suất huy động đã chậm lại đáng kể trong khoảng hai tháng gần đây. (Ảnh: WiChart).

Về lãi suất cho vay, VCBS dự báo xu hướng duy trì ở mức thấp nhằm ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2024, lãi suất cho vay bình quân với giao dịch phát sinh mới là 6,47%/năm, giảm 62 bps so với cuối năm 2023. Dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới có thể giảm từ 50 đến 150bps cho cả năm 2024. 

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân với các khoản vay mới và cũ là 8,3%/năm, giảm 96 bps so với cuối năm ngoái. VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay bình quân giảm 150 bps cho cả năm 2024. Ngoài ra, các chuyên viên phân tích cũng dự báo rằng lãi suất cho vay có thể được điều chỉnh tăng nhẹ từ giai đoạn cuối quý I/2025.

Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thực hiện giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng thiệt hại do bão Yagi đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới đến hết năm nay. 

Ở nhóm cổ phần, một số ngân hàng đã tham gia giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của bão Yagi. Đồng thời, một số ngân hàng, đặc biệt nhóm quy mô nhỏ sẽ chịu áp lực cạnh tranh lãi suất cho vay để thúc đẩy tín dụng và thu hút khách hàng có chất lượng tốt.

Cuối cùng, lãi suất đầu ra sẽ chịu ảnh hưởng từ xu hướng gia tăng tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp tại một số ngân hàng trong bối cảnh cho vay nhóm khách hàng cá nhân phục hồi chậm hơn kỳ vọng. Khách hàng doanh nghiệp thường có lãi suất cho vay thấp hơn so với khách hàng cá nhân.

Minh Quang