Tại Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài” diễn ra ngày 22/7, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) – đã đưa ra bức tranh tổng thể về ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Văn Cẩm cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong nửa đầu năm 2025 ước đạt 21,8 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 12,7 tỷ USD, tăng 9,3%.
Nhờ vậy, ngành dệt may có mức xuất siêu hơn 9,1 tỷ USD. VITAS dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt từ 46 - 47 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với thực hiện của năm 2024.
Tuy nhiên, ông Cẩm cũng chỉ ra nhiều thách thức mà ngành dệt may đang đối mặt. Trong đó, áp lực thuế đối ứng của Mỹ là thách thức đầu tiên, trong bối cảnh Mỹ là thị trường chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị và xung đột thương mại giữa các cường quốc tiếp tục gây áp lực cho ngành dệt may.
Để ứng phó hiệu quả và duy trì đà tăng trưởng, đại diện VITAS nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao năng lực nội tại ngành. Một số giải pháp được đề cập như đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ AI và robot trong thiết kế và sản xuất, chuyển đổi kép, kinh doanh tuần hoàn...
Đồng thời, ngành cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khách hàng, chủng loại hàng hóa và nguồn cung nguyên phụ liệu, thay vì chỉ phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Việc thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp xanh, phát triển nguyên phụ liệu trong nước để đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các hiệp định FTA cũng được xem là giải pháp thích ứng.
Song song đó, theo ông Cẩm, phát triển thị trường nội địa, thương hiệu Việt và chuyển đổi phương thức sản xuất từ CMT sang FOB, ODM, OBM sẽ giúp tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm dệt may Việt.
Đặc biệt, ông Trương Văn Cẩm đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ ngành ở ba hướng trọng tâm.
Thứ nhất, tích cực giới thiệu, xúc tiến đầu tư từ các doanh nghiệp có năng lực tài chính, công nghệ vào sản xuất vải và phụ liệu tại Việt Nam để giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và đáp ứng yêu cầu về xuất xứ.
Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp Việt có nhu cầu mở rộng đầu tư ra nước ngoài tại các quốc gia có lợi thế nhân công như Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan… bằng cách cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, chi phí, chính sách và các yếu tố rủi ro.
Thứ ba, hỗ trợ kết nối đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế sinh thái, dệt và nhuộm tại các quốc gia có ngành công nghiệp dệt may phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ…
VITAS cũng kiến nghị Nhà nước xem xét cấp ngân sách cho các chương trình đào tạo này như một khoản đầu tư công.
Năng lượng tái tạo được xác định là động lực then chốt cho tăng trưởng xanh, nhưng vẫn đối mặt nhiều điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng và cơ chế đầu tư, cần sớm tháo gỡ để bứt phá.
Dịch tả lợn châu Phi đang gia tăng trên cả nước, trong đó gần nửa lợn bệnh mắc chủng virus tái tổ hợp genotype I-II - loại chưa có vaccine hiệu quả.
Từ 1/8, TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng sẽ thí điểm bán xăng E10 - loại nhiên liệu sinh học pha 10% ethanol vào xăng khoáng.
Thị trường heo hơi vẫn giữ đà giảm tại cả ba miền. Nhiều chuyên gia dự báo giá heo hơi vẫn tiếp tục đi xuống tại một số khu vực trong ngày mai.