Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa thông báo sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phân phối lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2023, với số dư 21.192 tỷ đồng.
Lãnh đạo dự tính dành hơn 7.130 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển, còn khoảng 14.000 tỷ đồng còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 64,58%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 64,58 cổ phiếu mới (phần cổ phiếu lẻ bị huỷ bỏ).
Trước đó, ACV đã có đề xuất với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC) về việc chia cổ tức gần 65% từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giai đoạn 2019-2023. Chứng khoán Vietcap dự báo lộ trình sẽ được thực hiện vào giữa năm 2025.
Đây là mức cổ tức cao nhất từ khi ACV cổ phần hoá và lên sàn chứng khoán vào năm 2016. Trong 3 năm đầu lên sàn, doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn bằng tiền với tỷ lệ 6-9%, sau đó dừng chi trả cho cổ đông từ 2019 đến nay.
Chủ đầu tư sân bay Long Thành muốn chia cổ tức đặc biệt gần 65%. Ảnh: ACV.
Sau khi phát hành 1,4 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức ngay năm nay, ACV sẽ tăng vốn điều lệ từ 21.771 tỷ đồng lên 35.830 tỷ đồng, lọt vào nhóm ít doanh nghiệp có vốn điều lệ tỷ USD trên sàn chứng khoán.
Tổng công ty cũng có quy mô vốn hóa thuộc nhóm đứng đầu với mức gần 206.600 tỷ đồng (tính theo thị giá 94.950 đồng/cổ phiếu chốt phiên 9/5). Vị thế đứng thứ 6 trên sàn chứng khoán Việt Nam, sau Vietcombank, Vingroup, Vinhomes, BIDV và Viettel Global.
ACV hiện quản lý và vận hành 22 sân bay trên cả nước, bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế. Đây cũng là chủ đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng.
Sân bay một đường băng trong giai đoạn 1 sẽ cung cấp công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa; phục vụ khoảng 90% chuyến bay quốc tế cho TP HCM và các tỉnh lân cận. Việc xây dựng bắt đầu vào cuối năm 2020 và được yêu cầu hoàn thành vào cuối năm nay.
Theo báo cáo đến hết quý I, ACV ghi nhận chi phí xây dựng dở dang dài hạn là hơn 23.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng cảng hàng không Long Thành tiếp tục tăng lên thành 14.325 tỷ đồng.
Quý đầu năm chứng kiến kết quả kinh doanh khởi sắc khi doanh thu thuần tăng trưởng 13% đạt mốc kỷ lục 6.350 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 3.120 tỷ đồng, cao hơn 7% so với cùng kỳ và là con số lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử.
ACV đặt mục tiêu năm nay gồm 21.782 tỷ đồng tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 10.713 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện được 36% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau một quý.
ACV cũng mới thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 29/5 để thực hiện quyền tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Ngày họp dự kiến vào 30/6.
Các nội dung chính gồm báo cáo kết quả 2024 và định hướng 2025, phương án trích lập quỹ và phân phối lợi nhuận, tờ trình về lương và thù lao, phê duyệt đơn vị kiểm toán...
Ông Trần Văn Vẹn, cựu chủ tịch HĐQT Vinafood II, cùng cấp dưới bị xét xử về sai phạm khi chuyển giao gần 8.000 m2 đất "vàng", gây thiệt hại 113 tỷ đồng.
Hai công ty liên quan đến vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn lần đầu bán tổng cộng 1,3 triệu cổ phiếu Sasco sau hơn 10 năm nắm giữ.
Bất chấp lãi suất thấp, nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán vẫn gửi tiền tại ngân hàng như một phương án để đầu tư, tối ưu nguồn vốn.
Trong tuần từ 12/5 đến 16/5, thị trường chứng khoán có hơn 50 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt, cổ phiếu.