Kinh tế Quốc tế 11/05/2025 09:55

Kiểu suy thoái tồi tệ nhất đang chực chờ nhấn chìm nước Mỹ

Nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ suy thoái đúng lúc lạm phát tăng cao. Đây là sự kết hợp đáng sợ với các nhà hoạch định chính sách, làm tổn thương các doanh nghiệp và gây ra nỗi đau tới các hộ gia đình.

(Hình minh họa: Getty Images). 

Lạm phát dai dẳng, rủi ro suy thoái tăng

Trong nửa đầu năm 2025, siêu cường số một thế giới đang đứng trước nguy cơ sa chân vào một vũng lầy kinh tế tồi tệ: suy thoái kết hợp với lạm phát cao.

Kể từ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khởi động chiến dịch tăng lãi suất vào năm 2022, lạm phát đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2024 đến nay, quá trình thiểu phát diễn ra rất chậm chạp.

Theo thước đo ưa thích của các nhà hoạch định chính sách là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), lạm phát trong tháng 3 là 2,3%, cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed.

Áp lực giá cũng không đi xuống một cách suôn sẻ. Trong hơn một năm qua, lạm phát thường xuyên biến động và từng bật lên 2,7% vào tháng 2. Điều này cho thấy rõ mức độ "bám rễ" của lạm phát vào nền kinh tế Mỹ.

Và trong tương lai, nhiều khả năng lạm phát sẽ lên cao hơn, do chi phí nhập khẩu hầu hết các hàng hóa vào Mỹ sẽ gia tăng vì thuế quan của Tổng thống Trump.

 

Cùng với nguy cơ lạm phát bùng lên, rủi ro suy thoái của Mỹ ngày càng trở nên rõ rệt. Mỹ ghi nhận GDP quý I/2025 tăng trưởng âm 0,3% - tốc độ tồi tệ nhất kể từ quý II/2022. Nếu GDP tiếp tục sụt giảm trong quý II, Mỹ sẽ hội đủ điều kiện để ghi nhận một cuộc suy thoái kỹ thuật.

Khảo sát mới nhất của CNBC cho thấy các nhà quản lý quỹ, các chuyên gia và nhà kinh tế đã nâng ước tính về xác suất Mỹ suy thoái từ lên 53%, cao hơn hẳn dự báo đưa ra hồi tháng 1 là 22%. Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase xác định nguy cơ suy thoái vào khoảng 60%.

Không ít chuyên gia đưa ra dự báo tiêu cực hơn. Ông Torsten Sløk, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Apollo Global Management, dự kiến Mỹ sẽ suy thoái ngay trong mùa hè năm nay.  

Ngay cả Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cảnh báo về rủi ro Mỹ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ, tuy ông không đề cập trực tiếp đến kịch bản suy thoái.

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách tháng 5, ông nhận xét: “Nếu Mỹ duy trì các mức thuế quan cao như đã được công bố gần đây, chúng có thể dẫn đến lạm phát tăng, tăng trưởng kinh tế giảm tốc và tỷ lệ thất nghiệp đi lên”.

Kiểu suy thoái nguy hiểm nhất

Lạm phát đình trệ là cơn ác mộng đối với các nhà hoạch định chính sách, bởi các đặc tính của nó làm “vô hiệu hóa” những giải pháp kinh tế thông thường.  

Trong một cuộc suy thoái thông thường, người lao động mất việc hàng loạt và người tiêu dùng cố gắng tiết kiệm nhiều nhất có thể, khiến cho nhu cầu giảm sút. Điều đó buộc doanh nghiệp phải hạ giá hàng hoá, đẩy áp lực giá đi xuống. Bối cảnh trên tạo điều kiện thuận lợi để Fed hạ lãi suất kích thích nền kinh tế.

Nhưng với lạm phát đình trệ, nếu Fed lựa chọn giảm lãi suất thì lạm phát rất dễ bùng lên, gây ra khủng hoảng chi phí sống. Ngược lại, nếu các quan chức tăng lãi suất thì các hoạt động kinh tế có thể giảm sút hơn nữa, làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp.

Dù Fed ưu tiên chiến đấu với suy thoái hay giá cả cao trước, các doanh nghiệp và hộ gia đình cũng không thể tránh khỏi nỗi đau.

Bà Daryl Fairweather, nhà kinh tế trưởng của công ty môi giới bất động sản hàng đầu nước Mỹ Redfin, đánh giá: “Suy thoái kèm lạm phát cao được gọi là lạm phát đình trệ. Đó là kiểu suy thoái tồi tệ nhất, bởi khi đó mọi người mất việc làm hàng loạt còn giá cả và lãi suất đều cao”.

Nguyên nhân "bóng ma" lạm phát đình trệ tái xuất

Lần gần đây nhất Mỹ rơi vào lạm phát đình trệ là vào cuối thập niên 1970, khi lệnh cấm vận dầu mỏ của OPEC khiến chi phí sản xuất và vận tải tại Mỹ tăng vọt.

Doanh nghiệp đứng giữa hai lựa chọn là giảm sản lượng, sa thải nhân viên hoặc tăng giá bán với người tiêu dùng. Nhiều công ty thực hiện cả hai phương án, gây ra sự kết hợp tai hại giữa lạm phát cao và tình trạng thất nghiệp hàng loạt. 

Tương tự như hơn 50 năm trước, người tiêu dùng Mỹ ngày nay cũng đang đối mặt với một cú sốc tới ví tiền, nhưng nguyên nhân lần này là các chính sách của Tổng thống Donald Trump.

Một trong những yếu tố lớn thúc đẩy áp lực giá cả là thuế quan Nhà Trắng đánh vào hầu hết mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

Các mức tăng thuế quan đáng kể - đặc biệt là đối với hàng hóa Trung Quốc - buộc nhiều doanh nghiệp phải nâng giá bán, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ do họ thiếu khả năng đàm phán với nhà cung cấp.

Và cũng giống như những năm 1970, người tiêu dùng không biết tình trạng giá cả cao sẽ kéo dài trong bao lâu.

Hôm 8/5, Mỹ đã đạt được thỏa thương mại đầu tiên với một quốc gia - Vương quốc Anh - sau khi ông Trump công bố thuế quan đối ứng hồi đầu tháng 4. Dù vậy, Mỹ giữ nguyên mức thuế 10% với hàng hóa Anh, báo hiệu đây là khuôn mẫu cho các thoả thuận thương mại trong tương lai.

Đồng thời, chính quyền ông Trump đang quyết liệt triển khai chương trình trấn áp người nhập cư bất hợp pháp. Động thái đó có nguy cơ làm giảm nguồn cung lao động và kéo tiền lương đi lên.

 

Tâm lý người tiêu dùng đang trở nên tiêu cực. Khảo sát mới nhất của Đại học Michigan cho thấy người Mỹ dự kiến trong một năm tới, lạm phát sẽ tăng lên 6,7%. Lần gần nhất kỳ vọng lạm phát một năm của người tiêu dùng Mỹ chạm mức này là vào đầu thập niên 1980.

Fed đang bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Các nhà hoạch định chính sách vẫn đang duy trì lãi suất cao để khống chế lạm phát, nhưng nền kinh tế cũng đang có dấu hiệu chững lại.

Ngày càng nhiều nhà đầu tư kêu gọi Fed hạ lãi suất để “phòng ngừa” nguy cơ nền kinh tế giảm tốc vì chính sách thương mại của Nhà Trắng. Bản thân ông Trump cũng đã nhiều lần công kích Chủ tịch Powell, gây áp lực buộc Fed giảm lãi suất. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất quá sớm có nguy cơ sẽ châm ngòi cho ngọn lửa lạm phát lần nữa.

Trong tình cảnh bế tắc này, Fed buộc phải chờ đợi đến khi các tác động kinh tế từ chính sách của ông Trump trở nên rõ ràng hơn. Nhưng nếu Fed chần chừ quá lâu, nước Mỹ có thể thực sự rơi vào một cuộc suy thoái.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 11/05/2025 10:25
BoC cảnh báo cú sốc thị trường từ chính sách thuế quan Mỹ

Theo Thống đốc BoC Tiff Macklem, tính dễ thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ có thể gây ra thêm biến động trên thị trường và căng thẳng về thanh khoản.

Kinh tế Quốc tế 11/05/2025 08:38
Ông Trump đánh giá đàm phán ‘rất tốt’, hai nước họp tiếp ngày hai

Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bước sang ngày thứ hai vào Chủ nhật.

Kinh tế Quốc tế 10/05/2025 20:56
Ông Trump: Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý ngừng bắn ngay lập tức

Ấn Độ và Pakistan đạt thỏa thuận "ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức" sau khi Mỹ đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán.

Kinh tế Quốc tế 10/05/2025 16:27
Thước đo ưa thích của Warren Buffett báo hiệu giá cổ phiếu đang rẻ, NĐT nên mua ngay?

Thước đo định giá ưa thích của Warren Buffett đã dự đoán chính xác những giai đoạn sụp đổ và bùng nổ của thị trường chứng khoán Mỹ trong quá khứ.