Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới

Sau nhiều năm trợ cấp cho nông dân trồng lúa thông qua việc chi trả chi phí đầu vào và áp dụng giá thu mua tối thiểu, Ấn Độ đang trên đà vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới.

 Theo FarmProgress, dựa trên Dự báo Nâng cao lần thứ 2 của chính phủ Ấn Độ và sản lượng vụ hè sắp tới, Hội đồng Triển vọng Nông nghiệp Thế giới (WAOB) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng gạo của Ấn Độ trong niên vụ 2024–2025 sẽ đạt mức kỷ lục 147 triệu tấn.

“Đây là năm thứ 9 liên tiếp sản lượng gạo của Ấn Độ tăng và cũng là lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia sản xuất gạo hàng đầu thế giới trong niên vụ 2024-2025”, Báo cáo Cung-Cầu tháng 4 của WAOB cho biết.

Cũng theo báo cáo, thương mại gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 dự kiến tăng thêm 2,2 triệu tấn, lên mức kỷ lục 60,6 triệu tấn, chủ yếu nhờ xuất khẩu gạo của Ấn Độ tăng lên mức cao chưa từng có là 24,5 triệu tấn. Điều này diễn ra bất chấp việc Ấn Độ áp đặt các hạn chế xuất khẩu từ năm 2023 đến mùa thu năm 2024 do thời tiết bất lợi.

Các chuyên gia trong ngành gạo cho biết, các khoản trợ cấp của chính phủ Ấn Độ giúp nông dân trang trải chi phí phân bón, đào giếng tưới tiêu và sử dụng điện. Ngoài ra, chương trình giá thu mua tối thiểu (MSP) đảm bảo nông dân nhận được mức giá ổn định khi thu hoạch.

Nếu chính phủ Mỹ trợ cấp phân bón như cách Ấn Độ đang áp dụng, nông dân Mỹ có thể giảm được một trong những chi phí lớn nhất. Ước tính từ Đại học Arkansas cho thấy chi phí phân bón của nông dân Mỹ trong năm 2025 dao động từ 73-131 USD/mẫu Anh (tương đương 0,4 hecta).

Theo báo cáo của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), trong 6 năm qua, Ấn Độ đã mở rộng diện tích trồng lúa thêm 8,4 triệu mẫu Anh (khoảng 3,4 triệu hecta), tương đương gần 3 vụ lúa thường niên của Mỹ.

Cơ quan Nông nghiệp Nước ngoài thuộc USDA cũng ước tính, niên vụ 2024-2025, Ấn Độ sẽ thu hoạch kỷ lục 50 triệu hecta lúa nhờ việc mở rộng chính sách giá thu mua tối thiểu tới nhiều khu vực trước đây không phải là vùng trồng lúa chủ yếu.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện đang đàm phán hiệp định thương mại mới với Ấn Độ. Liên đoàn Lúa Gạo Mỹ (USA Rice) coi đây là cơ hội để Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) gây sức ép, yêu cầu Ấn Độ cắt giảm các chính sách trợ giá.

“Trước thông tin Mỹ xúc tiến đàm phán thương mại, chúng tôi đang tích cực làm việc với USTR để đảm bảo các chính sách can thiệp vào thị trường gạo của Ấn Độ và tác động đến thị trường toàn cầu sẽ không bị bỏ qua,” ông Peter Bachman, Chủ tịch kiêm CEO của USA Rice, cho biết.

Các doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã kêu gọi chính phủ can thiệp, yêu cầu Ấn Độ chấm dứt việc can thiệp vào thị trường gạo. Báo cáo mới nhất của USITC cũng cho thấy Ấn Độ sẽ không tự nguyện dừng các biện pháp hỗ trợ này.

Ông Bachman cũng nhấn mạnh rằng Ấn Độ nhiều năm qua đã phớt lờ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về trợ cấp thương mại không công bằng, và tại Hội nghị Bộ trưởng WTO hồi tháng 2 vừa qua, nước này tiếp tục tuyên bố được miễn trừ khỏi các quy định đó.

“Nông dân và nhà xuất khẩu gạo Mỹ cũng như của nhiều quốc gia khác đang chịu thiệt hại bởi mức giá gạo thấp một cách phi lý do chính sách của Ấn Độ tạo ra,” ông Bachman khẳng định.

Giá gạo thế giới đã tăng trong giai đoạn Ấn Độ hạn chế xuất khẩu do thời tiết không thuận lợi trong mùa mưa năm 2023. Tuy nhiên, từ mùa thu năm 2024, khi lượng tồn kho của Ấn Độ tăng lên 29,7 triệu tấn sau một vụ mùa tốt hơn dự kiến và nước này nối lại hoạt động xuất khẩu, giá gạo ở châu Á bắt đầu giảm.

Hiện giá gạo tại Thái Lan vào khoảng 410 USD/tấn, tại Việt Nam là 400 USD/tấn, trong khi tại Ấn Độ chỉ khoảng 385 USD/tấn, theo số liệu từ Bản tin tuần của Hiệp hội Sản xuất Lúa gạo Mỹ (USRPA). Trong khi đó, giá gạo hạt dài của Mỹ đang được chào bán với mức 780 USD/tấn.

USRPA nhận định, giá gạo tại châu Á hiện vẫn dao động quanh mức thấp nhất. Điều này cho thấy giá đã chạm đáy và thị trường đang điều chỉnh bằng cách loại bỏ những yếu tố không rõ ràng. Giá gạo ở mức thấp hiện nay là do tình trạng dư cung, chứ không phải bởi thuế suất.

Trong báo cáo Đánh giá Thương mại Quốc gia công bố hồi tháng 3, USTR cho biết cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang triển khai các chương trình hỗ trợ ngành gạo nội địa. USA Rice đã kêu gọi USTR đưa vấn đề này lên bàn thảo luận tại WTO.

Hồi tháng 10 năm ngoái, USA Rice đã nêu ra các rào cản thương mại không chỉ ở Ấn Độ mà còn ở nhiều thị trường khác.

Theo bà Karah Janevicius, Giám đốc Chính sách Thương mại Quốc tế của USA Rice, nếu các rào cản thương mại tại 14 thị trường được nêu trong báo cáo được tháo gỡ kịp thời, xuất khẩu gạo của Mỹ có thể tăng thêm 500 triệu USD. Riêng tại Ấn Độ, nếu các chính sách hỗ trợ thị trường gạo được dỡ bỏ, Mỹ có thể tăng thêm ít nhất 54 triệu USD xuất khẩu gạo mỗi năm.

HT
CÙNG CHUYÊN MỤC
Doanh nghiệp với các phương án ứng phó việc điều chỉnh tăng giá điện

Việc tăng giá sẽ giúp mọi người dân sử dụng điện có trách nhiệm hơn. Giá điện tăng, các cơ sở sản xuất ít nhiều sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí, tối ưu các dây chuyền hơn để vận hành tiết kiệm

Giá điện tăng ảnh hưởng thế nào đến giá bán phân bón?

Với việc giá điện tăng từ ngày 10/5, giá thành sản xuất phân bón và giá phân bón bán ra trên thị trường sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn các doanh nghiệp phân bón thuộc Vinachem.

'Vì sao kẻ xấu có được hóa đơn tiền điện để lừa đảo người dân?'

Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, nhiều người dân không hiểu tại sao kẻ xấu lại nắm rõ số điện thoại, căn cước công dân và hóa đơn tiền điện của gia đình để thực hiện hành vi lừa đảo.

Giá lúa gạo hôm nay 12/5: Gạo tiếp đà tăng, lúa vẫn trong xu hướng giảm

Giá lúa gạo hôm nay (12/5) biến động trái chiều, với gạo và phụ phẩm tăng nhẹ, trong khi giá lúa có xu hướng giảm. Ngân hàng Thế giới dự báo giá gạo quốc tế sẽ tiếp tục giảm trong năm nay nhờ vào nguồn cung toàn cầu dồi dào.