Quý I/2025, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bắc Giang ước đạt khoảng 13,82%, theo báo cáo của Chi cục Thống kê tỉnh Bắc Giang. Kết quả này đã vượt kịch bản dự tính của tỉnh (kịch bản dự tính tăng 13%), giúp "thủ phủ công nghiệp" này giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước.
Trong đó, các ngành sản xuất đều ghi nhận tăng trưởng dương. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước tăng 1,05%, khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 17,24%, khu vực dịch vụ ước tăng 5,79%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 8,54%.
Tốc độ tăng trưởng GRDP quý I/2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Bắc Giang).
Do một số công ty mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2024 đến hiện tại đã dần ổn định sản xuất nên chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 của Bắc Giang ghi nhận tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đạt 29,29% và tăng 7,54% so với tháng trước.
IIP tháng 3/2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Bắc Giang).
Luỹ kế quý I năm nay, IIP tăng 26,58% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành sản xuất các sản phẩm điện tử máy vi tính và sản phẩm quang học vẫn là nhân tố chính đóng góp vào quy mô giá trị sản xuất cũng như mức tăng trưởng cao trong hai tháng đầu năm với mức tăng 64,43%.
Trong quý, toàn tỉnh Bắc Giang có 424 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 36%; với tổng vốn đăng ký đạt 2.487 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, địa phương ghi nhận 46 doanh nghiệp giải thể, tăng 43% cùng kỳ và 528 doanh nghiệp, chi nhánh tạm ngừng hoạt động tăng 26% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 31/3, Bắc Giang đã thu hút được khoảng 641,2 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 2,7% so cùng kỳ.
Trong đó, tỉnh đã cấp mới 11 dự án trong nước, vốn đăng ký 13.630 tỷ đồng, gấp 1,8 lần cùng kỳ và cấp mới cho 8 dự án FDI, vốn đăng ký 21,6 triệu USD, giảm 79,3% so với cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn cho 6 dự án DDI với số vốn bổ sung đạt 133,3 tỷ đồng, giảm khoảng 91% và 16 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 79,9 triệu USD, giảm 51%.
Tổng vốn FDI thu hút trong quý I các năm từ 2021 - 2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Bắc Giang; Cục Đầu tư nước ngoài).
Chi cục Thống kê Bắc Giang cho hay, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động do quý I có Tết Nguyên Đán và các lễ hội xuân được tổ chức. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá trong quý I ước đạt ước đạt 12.779,9 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá quý I. (Nguồn: Chi cục Thống kê Bắc Giang).
Bên cạnh đó, sau dịp Tết Nguyên đán, các hoạt động dịch vụ tại địa phương cũng duy trì tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.481,6 tỷ đồng, tăng 11,3% so cùng kỳ năm trước; doanh thu các ngành dịch vụ khác ước đạt 3.403,9 tỷ đồng, tăng 11,8%.
Theo số liệu của Cục Hải quan, ba tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Bắc Giang đạt khoảng 19,04 tỷ USD, cán cân thương mại xuất siêu khoảng 220 triệu USD.
Hiện tại, Bắc Giang xếp thứ hai cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đạt 9,63 tỷ USD (sau TP HCM 11,77 tỷ USD) và xếp thứ ba cả nước về kim ngạch nhập khẩu, đạt 9,41 tỷ USD (sau TP HCM 15,24 tỷ USD và Hà Nội 10,39 tỷ USD).
Theo báo cáo, giá xăng dầu giảm là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 trên địa bàn tỉnh giảm 0,08% so với tháng trước và tăng 3,36% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I, CPI tăng 3,59% so với cùng kỳ năm trước, với 9/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng có chỉ số giá tăng. Hai nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm giao thông và nhóm bưu chính viễn thông.
CPI bình quân quý I/2025 so với cùng kỳ năm 2024. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Bắc Giang).
Về công tác thu ngân sách, Chi cục Thống kê Bắc Giang cho biết, tổng thu nội địa toàn tỉnh trong ba tháng ước đạt 6.424,6 tỷ đồng, bằng 41% so với dự toán UBND tỉnh giao và tăng 31% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu tiền sử dụng đất ước đạt 1.478,2 tỷ đồng, tăng 27%.
Chi cục Thống kê Bắc Giang cho biết thêm, trong 16 khoản thu thuế, phí có 4 khoản giảm so với cùng kỳ, 11 khoản tăng so với cùng kỳ và một khoản chưa phát sinh số thu. Luỹ kế các khoản thu tăng cao so với cùng kỳ có thể kể đến như: tiền thuê đất ước đạt 16,8 tỷ, tăng 81,6%; thu khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 962,4 tỷ, tăng 73,1%; thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2.657 tỷ, tăng 31,5%.
Về tình hình hoạt động tín dụng, theo thống kê, tổng nguồn vốn huy động trên toàn tỉnh trong quý I đạt 123.000 tỷ đồng, tăng 0,9% so với thời điểm 31/12/2024. Ở chiều ngược lại, dư nợ toàn tỉnh đạt 116.600 tỷ đồng, tăng 3,1% so với thời điểm 31/12/2024.
Theo GS. TS Hoàng Văn Cường, cơ chế thuế không chỉ phục vụ thu ngân sách mà còn phải thực sự coi trọng chức năng thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thu đúng, thu đủ, dễ thu, dễ kiểm tra, dễ giám sát sẽ góp phần đánh giá đúng tiềm lực kinh tế, vị thế của đất nước, tránh được tiêu cực và thất thu ngân sách.
Đó là chia sẻ của ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tai Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 khi nói về tình cảnh của doanh nghiệp sau khi Mỹ tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày và áp dụng mức 10%.
Đây là một trong những giải pháp được ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đề xuất để tiếp thêm trợ lực cho các doanh nghiệp.
Thái Nguyên sau khi sắp xếp dự kiến giảm từ 172 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 55, trong khi Lào Cai giảm từ 151 còn 48.