10/07/2025 18:03

Bí quyết tìm việc cho ứng viên 2025: Nắm bắt AI, làm chủ sự nghiệp

Như thường lệ, mùa hè 2025 đánh dấu thời điểm hàng trăm trường đại học trên cả nước bước vào mùa tốt nghiệp và sinh viên bắt đầu hành trình tìm việc. Tuy nhiên, bối cảnh năm nay có nhiều khác biệt so với các năm trước, khi nền kinh tế đang đối diện với nhiều thách thức kéo dài và sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình đáng kể quy trình làm việc.

AI trở thành tiêu chuẩn mới trong tuyển dụng

Trong vòng 2 năm gần đây, AI đã vượt ra khỏi phạm vi các hội thảo chuyên ngành, len lỏi vào hầu hết các ngóc ngách của thị trường. Nhiều vị trí được “săn đón” trong các lĩnh vực như tuyển dụng Digital Marketing, dịch vụ khách hàng hay sáng tạo nội dung đang chịu tác động trực tiếp từ trí tuệ nhân tạo. Điều này không chỉ làm thay đổi cách doanh nghiệp vận hành mà còn ảnh hưởng đến kỳ vọng dành cho ứng viên.

Theo ghi nhận từ Báo cáo thị trường lao động năm 2024 - 2025 của JobsGO, phần lớn doanh nghiệp đang có xu hướng tuyển chọn thận trọng hơn. Thay vì mở rộng quy mô nhân sự, nhiều doanh nghiệp lựa chọn tích hợp các công cụ AI để tăng hiệu suất làm việc. Bởi vậy, không quá khó hiểu khi chiến lược tuyển dụng một số ngành nghề hiện nay có thêm tiêu chí về AI.

Dựa trên phân tích của JobsGO về nội dung bản mô tả công việc (JD) của hơn 20.000 việc làm thuộc gần 50 ngành nghề khác nhau, Top 3 lĩnh vực yêu cầu đầu vào ở ứng viên có kỹ năng sử dụng AI đó là IT Phần mềm (18,4%), Sáng tạo/Nghệ thuật (15,9%) và Marketing (14,6%). Việc thành thạo AI đang dần trở thành một kỹ năng thiết yếu trong bối cảnh thị trường lao động hiện tại.

Top 3 lĩnh vực yêu cầu đầu vào ứng viên có kỹ năng sử dụng AI. (Nguồn: JobsGO).

Chia sẻ về xu hướng tuyển dụng năm nay, ông Phạm Thanh Hải - CEO của JobsGO nhận định: “Năm 2025 sẽ là một năm tìm việc không mấy dễ dàng đối với lực lượng lao động trẻ khi AI đang tiến hóa từ các công cụ hỗ trợ thành các tác nhân AI (AI Agent) có thể tự động xử lý một số nghiệp vụ trong doanh nghiệp, đặc biệt với các vị trí việc làm tại Hà Nội, TP HCM. Nói cách khác, nhu cầu tuyển Fresher (sinh viên mới tốt nghiệp không cần kinh nghiệm) ở một số lĩnh vực sẽ ít đi. Trong bối cảnh đó, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao các bạn trẻ có tư duy tích cực, biết cách khai thác AI để tăng hiệu suất hiệu suất công việc.”

Trên thực tế, khi AI dần chiếm lĩnh các công đoạn lặp lại hoặc thiên về xử lý dữ liệu, vai trò của con người trở nên nổi bật ở những kỹ năng liên quan đến tư duy phản biện, sáng tạo, giao tiếp và làm việc nhóm. Đây cũng chính là lý do vì sao nhiều nhà tuyển dụng hiện nay có xu hướng đánh giá cao kỹ năng mềm và thái độ làm việc của ứng viên hơn cả.

Ứng viên trẻ thích nghi linh hoạt trước làn sóng công nghệ

Dù vẫn lo ngại trước tốc độ phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo, nhiều sinh viên trong giai đoạn thực tập hay sắp tốt nghiệp vẫn khá chủ động và linh hoạt thích nghi. Dưới góc nhìn ứng viên, AI có thể giúp giảm tải một phần khối lượng công việc nhưng không thể thay thế con người hoàn toàn.

 

Nguyễn Thị Hường, sinh viên năm 3 Trường Đại học Hà Nội, nhìn nhận AI như một công cụ hỗ trợ hiệu quả trong công việc, đặc biệt ở các khâu tổng hợp nội dung, xây dựng chiến lược và phân tích dữ liệu.

Tuy vậy, Hường cũng băn khoăn: “AI đang ngày càng thông minh nên đôi khi em cũng phải tự hỏi liệu sau này mình có vai trò gì nếu không nâng cấp bản thân liên tục. Em nghĩ điều quan trọng là người dùng phải biết đặt đúng câu hỏi và kiểm soát công cụ, chứ không thể dựa dẫm hoàn toàn.” Hiện tại, ngoài các môn học trên lớp, Hường thường tự học thêm qua các khóa học online về AI, đặc biệt trên nền tảng Coursera và YouTube để theo kịp xu hướng.

Ở góc độ khác, Đoàn Văn Tuấn, sinh viên năm cuối Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội lại tỏ ra khá hào hứng khi nhắc đến AI: Tuấn chia sẻ: “Trong quá trình thực tập ở vị trí lập trình phần mềm, em dùng AI để hỗ trợ viết code, đặc biệt là với các đoạn lặp hoặc xử lý logic đơn giản. Nó giúp tiết kiệm nhiều thời gian”.

Tuy vậy, Tuấn cũng cho rằng AI không thể thay thế toàn bộ vai trò của lập trình viên: “AI đôi khi đưa ra kết quả chưa chính xác, nên vẫn cần con người kiểm tra, kiểm thử, phân tích và điều chỉnh. Em nghĩ một lập trình giỏi hiện nay phải biết kết hợp cả kỹ năng chuyên môn lẫn khả năng khai thác công cụ hỗ trợ.”

Có thể thấy, việc thích nghi với môi trường chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu riêng đối với khối ngành công nghệ thông tin. Ngay cả công việc trong các lĩnh vực như Marketing, nhân sự hay truyền thông vốn đòi hỏi thiên về cảm xúc cũng đang dần được số hóa mạnh mẽ, buộc ứng viên ngày nay phải hiểu và vận dụng hiệu quả để duy trì lợi thế.

Bích Thu
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO