Kết thúc phiên giao dịch 11/7, giá thép thanh kỳ hạn tháng 8 trên Sàn Thượng Hải tăng 0,42% (13 nhân dân tệ) lên mức 3.076 nhân dân tệ/tấn. Trên Sàn Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 8 tăng 1,86% (14 nhân dân tệ) lên mức 768,5 nhân dân tệ/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 8 trên Sàn Singapore-SGX tăng 0,27 USD lên mức 99,28 USD/tấn.
So với cuối tuần trước, giá thép thanh Sàn Thượng Hải, giá quặng sắt trên Sàn Đại Liên và Singapore thay đổi tương ứng (+1,1%), (+3,8%), (+3,6%).
Diễn biến giá thép kỳ hạn tháng 8 trên Sàn Thượng Hải. Nguồn: Barchart
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc đã tăng vượt mốc 767 nhân dân tệ/tấn, đạt mức cao nhất trong hơn ba tháng. Động lực chính thúc đẩy đà tăng này đến từ kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ tung ra các gói kích thích mới nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.
Tâm lý thị trường được củng cố bởi các thông tin cho rằng, Chính phủ Trung Quốc có thể tổ chức một Hội nghị chính sách cấp cao, tương tự như Hội nghị Công tác Thành thị Trung ương năm 2015. Hội nghị này từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển đô thị và đầu tư hạ tầng – những yếu tố trực tiếp làm gia tăng nhu cầu thép, từ đó đẩy giá quặng sắt đi lên, theo Reuters.
Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục nỗ lực kiểm soát tình trạng dư thừa công suất trong ngành công nghiệp nặng, đặc biệt là ngành thép. Đây là một phần trong chiến lược đối phó với áp lực giảm phát và nhu cầu nội địa yếu – những rủi ro càng gia tăng trong bối cảnh Mỹ gia tăng áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Về nguồn cung, lượng quặng sắt xuất khẩu từ hai nhà cung cấp hàng đầu thế giới là Australia và Brazil sang Trung Quốc tiếp tục sụt giảm, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung toàn cầu đang thắt chặt.
Trong khi đó, tại thị trường thép nội địa, Tập đoàn Baoshan Iron & Steel (Baosteel) – công ty con của nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới China Baowu Steel Group đã công bố mức tăng giá thép cuộn cán nóng (HRC) thêm 100 nhân dân tệ/tấn (tương đương 14 USD/tấn) cho các đơn hàng giao tháng 8. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên sau 4 tháng giữ giá không đổi, ngoại trừ tháng 2 khi giá HRC cũng từng tăng 100 nhân dân tệ/tấn để chuẩn bị cho mùa cao điểm.
Theo chuyên gia giao dịch thép Michael Zhao, quyết định tăng giá lần này phản ánh áp lực chi phí và những tín hiệu cải thiện nhu cầu một cách thận trọng từ thị trường.
Dữ liệu từ Mysteel cho thấy, sản lượng HRC của 37 nhà máy thép Trung Quốc trong tuần từ 26/6 - 2/7 đạt 3,28 triệu tấn, tăng 0,3% so với tuần trước và ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp.
Tuy nhiên, thị trường HRC toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn. Tại Mỹ, các nhà sản xuất nội địa đã thành công trong việc nâng giá nhờ chính sách thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump. Trái lại, thị trường tại Trung Quốc và Liên minh châu Âu vẫn yếu do nhu cầu tiêu dùng thấp, hàng tồn kho cao và cạnh tranh gay gắt, buộc các nhà bán lẻ phải giảm giá.
Giá HRC tại Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm 1,6% xuống còn 475,5 USD/tấn (FOB), bất chấp một vài tín hiệu ổn định vào cuối tháng. Tâm lý thị trường vẫn thận trọng trong bối cảnh phục hồi kinh tế còn nhiều ẩn số.
Trong nước, các doanh nghiệp bình ổn giá thép xây dựng. Cụ thể, giá thép CB240 của Hòa Phát ghi nhận 13.230đ/kg; thép CB300 ở mức 12.830đ/kg. Ở doanh nghiệp thép Việt Ý, giá thép CB240 ở mức 13.130đ/kg; thép D10 CB300 ở mức 12.520đ/kg. Thép Việt Sing lần lượt ghi nhận 13.130đ và 12.930đ/kg.
Giá thép ghi nhận tới ngày 12/7/2025. Nguồn: SteelOnline
Mỗi lượng vàng miếng tăng nửa triệu đồng lên mức cao nhất hai tháng, đồng thời giá bạc miếng cũng xác lập kỷ lục mới.
Giá cao su Trung Quốc tăng vọt hơn 2% trong tuần qua. Tương tự, Nhật Bản cũng ghi nhận tăng hai phiên liên tiếp do lo ngại nguồn cung từ Thái Lan và tín hiệu tiêu thụ khả quan từ Mỹ.
Trưa 12/7, giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh trên diện rộng, nối dài đà tăng từ phiên trước. Vàng miếng SJC bật lên mức 121,5 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn trơn và vàng nữ trang ghi nhận mức tăng ấn tượng, có nơi lên tới 1 triệu đồng/lượng.
Tháng 6/2025, khu vực miền Bắc ghi nhận mức tiêu thụ điện cao nhất kể từ đầu năm, tạo áp lực lớn cho việc vận hành.