Theo ấn bản thứ 19 của Báo cáo Thịnh vượng Toàn cầu – The Wealth Report 2025 do Knight Frank công bố tháng 4/2024, Việt Nam có 5.459 cá nhân sở hữu tài sản ròng trên 10 triệu USD, chiếm khoảng 0,2% tổng số cá nhân thượng lưu toàn cầu.
Về nhóm cá nhân có tài sản từ 1–30 triệu USD, Việt Nam đã vượt mốc 80.000 người trong năm 2024 – một con số tăng trưởng ấn tượng so với khu vực.
Tốc độ tăng trưởng của nhóm cá nhân giàu tại Việt Nam trước đại dịch dao động từ 5–18% mỗi năm. Sau đại dịch, mức tăng ổn định ở mức 2,4–5%
(Ảnh:Knight Frank)
Báo cáo của McKinsey dự báo, đến năm 2027, Việt Nam có thể trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân (PFA) trị giá 600 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 11% mỗi năm, từ mức nền 360 tỷ USD vào cuối năm 2022.
“Tại Việt Nam, hầu hết ngân hàng lớn đều có dịch vụ Private Banking dành cho khách hàng giàu và siêu giàu. Tuy nhiên, ngành dịch vụ này ở Việt Nam kém phát triển so với những thị trường khác ở Đông Nam Á.
Nhu cầu lớn nhất của giới nhà giàu Việt Nam là muốn được bảo mật thông tin cũng như số lượng tài sản, muốn có người quản lý gia sản riêng theo hình thức 1-1, pháp lý của các kênh đầu tư khi họ tham gia phải rõ ràng… ”, ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB chia sẻ trong Tọa đàm “Mối liên hệ tam giác: Tiêu dùng – Tiết kiệm – Đầu tư”.
Tọa đàm nói trên nằm trong khuôn khổ “Hội nghị đầu tư 2025: Tích lũy và Quản lý tài sản”, được đồng tổ chức vào 8/7/2025 bởi TVS, Business Review cùng Nhịp Cầu Đầu Tư.
Nguyên nhân khiến dịch vụ Private Banking ở Việt Nam kém hấp dẫn, theo ông là vì nó chưa có nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Thường người giàu và siêu giàu có nền tảng kiến thức cũng như kinh nghiệm đầu tư cao vượt trội so với mặt bằng chung. Nếu dịch vụ Private Banking vẫn tư vấn cho họ những sản phẩm đầu tư cơ bản như bất động sản hay chứng chỉ quỹ, thì họ sẽ thấy không hấp dẫn. Với giới thượng lưu, nếu ngân hàng không có sản phẩm vượt trội, họ sẽ không dùng.
Ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB (Ảnh:Ngân hàng ACB)
“Vậy tại sao Private Banking ở Việt Nam không có sản phẩm tốt và vượt trội? Vì khung pháp lý ở Việt Nam chưa bổ trợ cho những sản phẩm như thế, ví dụ như Chính phủ chưa cho phép cá nhân đầu tư ra nước ngoài và ngoại hối; nên ngân hàng không thể thiết kế những sản phẩm như vậy. Thị trường cần thêm thời gian.
Với những cơ chế mới dành cho crypto và vàng, tôi tin rằng, trong một đến hai năm nữa, mảng đầu tư crypto - vàng sẽ bùng nổ”, ông Từ Tiến Pháp dự đoán.
Rào cản thứ hai của dịch vụ Private Banking ở Việt Nam chính là chất lượng lẫn số lượng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế, khiến các ngân hàng chỉ có thể cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn cơ bản, không có gì đặc biệt. Trong khi các khách hàng giàu và siêu giàu thường cần sản phẩm đầu tư chuyên biệt và cá thể hóa.
Tuy nhiên, theo ông, những rào cản này sẽ bị xóa bỏ trong thời gian tới, với các nền tảng đầu tư tích hợp – cá thế hóa liền mạch đang được các ngân hàng/công ty tài chính đầu tư, cộng xu hướng đầu tư tài sản số - crypto. Chính phủ đang nghiên cứu để thí điểm vận hành sàn giao dịch tiền ảo ở Việt Nam.
Nên nhiều khả năng, quy mô thị trường thị trường tư vấn tài chính cá nhân sẽ đạt con số 600 tỷ USD sớm hơn năm 2027 (như dự báo của McKinsey).
Ở khía cạnh khác, theo vị Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, hiện tại, quy mô thị trường quản lý gia sản của Việt Nam thấp hơn so với Thái và thấp hơn nhiều so với Singapore – do Singapore cho phép người dân và DN đầu tư ra nước ngoài.
Còn nếu so thị trường Việt Nam với thị trường dẫn dắt ở Đông Nam Á là Indonesia, cả hai gần như tương đương. Dịch vụ quản lý gia sản gần như không phát triển ở Việt Nam.
Tọa đàm “Mối liên hệ tam giác: Tiêu dùng – Tiết kiệm – Đầu tư” (Ảnh: TVS)
Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Anh Viễn Phương – Giám đốc khối Khách hàng ưu tiên, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho biết: “Mô hình Family Office – quản lý tài sản gia đình là một trong những dịch vụ nổi trội của chúng tôi ở khu vực châu Á, với 2.000 khách hàng ở Singapore và gần 3.000 khách hàng ở Hong Kong. Các khách hàng Family Office thường có tổng tài sản gửi ở Standard Chartered tối thiểu từ 5 triệu USD trở lên.
Nhu cầu này đến rất nhanh, ngay cả hiện tại ở Việt Nam. Minh chứng, theo thống kê của Knight Frank, Việt Nam hiện có trên 5.500 người có tài sản ròng trên 10 triệu USD.”.
Dịch vụ quản lý tài sản gia đình vượt qua quản lý tài sản cá nhân. Thường thì các hoạt động quản lý – đầu tư Family Office không gói gọn trong một quốc gia cụ thể, vì tài sản của con cái – công ty – cha mẹ có thể ở nhiều nước khác nhau. Nhiệm vụ của các ngân hàng là phải quản lý toàn vẹn – hiệu quả, khiến tài sản của khách hàng (gia đình – cá nhân) gia tăng.
Vậy nên, theo bà, các nhân sự đảm trách dịch vụ này phải biết tối ưu hóa chính sách thuế, tăng lợi nhuận và giải quyết tranh chấp (nếu có) bên trong lẫn bên ngoài gia đình. Dịch vụ Family Office cần những chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm và có mối quan hệ khắp mọi nơi.
“Những gia đình giàu có thường có kế hoạch thừa kế bài bản. Còn những gia đình rất giàu, họ thường có những quỹ để phục vụ cộng đồng như quỹ từ thiện hỗ trợ các bên yếu thế hoặc bảo vệ - phát triển môi trường. Vậy nên, các nhân hàng cũng như nhân sự quản lý phải có dịch vụ thiết kế riêng cho từng cá nhân, gia đình lẫn cộng đồng”, bà Nguyễn Anh Viễn Phương phân tích.
Trong tương lai gần, nhiều ngân hàng – trong đó có Standard Chartered sẽ cung cấp dịch vụ quản lý tài sản gia đình ở Việt Nam. Một trong những động lực quan trọng để các ngân hàng quyết định ra mắt dịch vụ mới này là chính sách mới của Chính phủ trong đầu tư các loại tài sản truyền thống cũng như phi truyền thống.
Sở dĩ, dịch vụ Family Office ở Singapore hay HongKong phát triển mạnh mẽ, ngoài việc chính quyền khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư ra nước ngoài hay tài sản số, họ còn có chính sách miễn thuế để thu hút thêm khách hàng nước ngoài.