Kinh doanh & Thị trường 02/04/2025 10:47

Các hãng xe điện Trung Quốc tràn vào Đông Nam Á để né thuế quan

Tốc độ xuất khẩu ô tô Trung Quốc đã giảm từ 80% vào năm 2022 xuống còn hơn 20% năm ngoái sau khi các mức thuế quan cao tại Mỹ và châu Âu được áp dụng.

Các doanh nghiệp xe điện (EV) của Trung Quốc nên đẩy nhanh quá trình mở rộng ra thị trường quốc tế, trong bối cảnh phải đối mặt với thuế quan và rào cản thương mại.

Tại diễn đàn EV100 Trung Quốc, ông Tô Ba, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, ngành ô tô của họ vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình toàn cầu hóa.

Ông cho biết, các thương hiệu Trung Quốc vẫn chưa được biết đến rộng rãi và các hãng xe còn thiếu kinh nghiệm khi hoạt động ở nước ngoài. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong việc thích ứng với môi trường thương mại đang thay đổi.

Ông khuyến khích các công ty nên kết hợp hài hòa giữa việc xuất khẩu và xây dựng nhà máy sản xuất ở nước ngoài. Đồng thời, họ cần tìm kiếm những cách làm đa dạng và sáng tạo hơn để giảm rủi ro từ chính sách và tạo lợi ích chung với các đối tác quốc tế.

“Sự thay đổi nhanh chóng của ngành ô tô và vận tải toàn cầu đang mở ra nhiều cơ hội cho xe điện Trung Quốc bước vào thị trường nước ngoài”, ông nói. “Chúng ta cần chú trọng cả xuất khẩu lẫn phát triển tại chỗ ở các quốc gia khác”.

Ô tô Trung Quốc nằm ở cảng chờ xuất khẩu. (Ảnh: SCMP).

Ông cũng đề xuất các cơ quan quản lý và hiệp hội ngành nên nghiên cứu kỹ các khó khăn mà doanh nghiệp xe điện Trung Quốc gặp phải khi ra thị trường quốc tế. Từ đó, có thể đưa ra chính sách hỗ trợ và định hướng phù hợp cho doanh nghiệp.

Ông Tô Ba cho rằng, các hãng xe Trung Quốc nên chủ động đối thoại với các nhà làm chính sách nước ngoài. Đồng thời, họ cần tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế trong những lĩnh vực quan trọng như khoáng sản cho xe điện, pin, chip ô tô và công nghệ lái xe tự động.

Diễn đàn EV100 Trung Quốc năm nay thu hút sự tham gia của nhiều hãng xe lớn, chuyên gia trong ngành và đại diện chính phủ. Diễn đàn diễn ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế 25% đối với toàn bộ ô tô nhập khẩu.

Hiện tại, các hãng xe Trung Quốc đã phải chịu mức thuế 100% từ Mỹ và mức thuế lên đến 35% từ Liên minh châu Âu.

Ông Đường Lập Minh, Giám đốc chiến lược của tập đoàn Geely, cho rằng mô hình xuất khẩu trực tiếp truyền thống của ngành ô tô Trung Quốc đang mất dần hiệu quả. Nguyên nhân đến từ bất ổn địa chính trị và sự thay đổi nhanh của nhu cầu tiêu dùng toàn cầu.

Ông cho biết, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã chậm lại rõ rệt. Từ mức 80% vào năm 2022, con số này giảm còn 21% vào năm 2024.

Theo ông, so với các doanh nghiệp ở Nhật Bản, châu Âu và Mỹ, ngành xuất khẩu ô tô của Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện. Những điểm yếu nằm ở chiều sâu, chất lượng sản phẩm và sự phân bổ thị trường. Ông nhấn mạnh rằng doanh số xuất khẩu hiện nay vẫn tập trung quá nhiều vào một số ít quốc gia.

Đông Nam Á là điểm đến ưa thích của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. (Ảnh: SCMP).

Ông Trương Dũng Vĩ, Tổng Thư ký Diễn đàn EV100 Trung Quốc, cho rằng các doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm nhiều cách tiếp cận mới, đa dạng và sáng tạo hơn để thâm nhập thị trường quốc tế. Diễn đàn này do một tổ chức phi chính phủ điều hành và có sự tham gia của hầu hết lãnh đạo cấp cao từ các hãng xe điện lớn của Trung Quốc.

Ông cho biết, ngoài việc xây dựng nhà máy sản xuất ở nước ngoài, các doanh nghiệp Trung Quốc nên liên doanh với các hãng xe nước ngoài. Mục tiêu là phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu tại từng thị trường. Việc này không chỉ giúp các hãng xe Trung Quốc mở rộng thị trường mà còn hỗ trợ các đối tác nước ngoài tiếp cận chuỗi cung ứng xe điện hiện đại của Trung Quốc.

Trong bối cảnh thuế nhập khẩu tăng cao và tình trạng dư thừa công suất trong nước, các hãng xe điện Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược vươn ra toàn cầu. Nhiều công ty như BYD, Hozon, Geely và Xpeng đã bắt đầu xây dựng nhà máy tại Đông Nam Á. Đồng thời, họ cũng mở rộng sự hiện diện tại các thị trường mới nổi như Nam Mỹ, Trung Đông và Trung Á.

Tháng trước, Geely và hãng Renault của Pháp công bố một thỏa thuận hợp tác. Hai bên sẽ cùng sản xuất và phân phối xe điện và xe phát thải thấp tại thị trường Brazil. Trước đó, vào năm 2023, Leapmotor – một công ty khởi nghiệp của Trung Quốc – và tập đoàn Stellantis của Hà Lan cũng thành lập liên doanh để sản xuất và bán xe bên ngoài Trung Quốc.

Giám đốc chiến lược Geely, nhận định: “Toàn cầu hóa không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Việc chuyển sang xe điện không phải là cuộc chơi được – mất, mà là xu thế tất yếu”.

Đức Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 03/04/2025 10:37
'Sốt đất ảo để lại nhiều nỗi đau'

Chuyên gia trực tiếp đi khảo sát thực tế và thấy rằng giá đất nền giao dịch thứ cấp tăng theo ngày. Một số dự án ở Nhơn Trạch có giá khoảng 1,7 tỷ đồng/nền 100m2 thì hiện nay đã tăng lên khoảng 3 tỷ đồng.

Kinh doanh & Thị trường 03/04/2025 08:24
[Photostory] Diện mạo đường ven biển kết nối Cảng Đề Gi với Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định

Đường ven biển ĐT.639 đoạn Cát Tiến - Đề Gi có chiều dài hơn 21 km, tổng mức đầu tư 1.261 tỷ đồng, kết nối cảng cá Đề Gi với KKT Nhơn Hội. Tuyến đường này hiện đã đi vào hoạt động với quy mô 4 làn xe, rộng 16,5 - 20,5 m.

Kinh doanh & Thị trường 03/04/2025 08:00
Hà Nội sẽ có thêm hai khu NOXH hơn 16.100 tỷ ở Đông Anh

Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 1 và Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 2 tại huyện Đông Anh sẽ được triển khai xây dựng trong thời gian tới.

Kinh doanh & Thị trường 03/04/2025 07:42
Ai mua vốn tại dự án Palm City từ Keppel Land?

Dự án Palm City do công ty TNHH Nam Rạch Chiếc (liên doanh giữa CTCP Bất động sản Tiến Phước - Keppel Land - Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái) làm chủ đầu tư.