Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang sau quyết định áp thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).
Hôm 3/4, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ sẽ thực hiện “các biện pháp đáp trả mạnh mẽ” đối với quyết định áp thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phía Bắc Kinh kêu gọi Washington “huỷ bỏ ngay lập tức” các biện pháp thuế quan đơn phương của mình.
“Mỹ đưa ra thuế quan đối ứng dựa trên các đánh giá chủ quan và đơn phương. Điều này đi ngược lại các quy tắc thương mại quốc tế và làm suy yếu nghiêm trọng quyền cũng như lợi ích hợp pháp của các bên liên quan”, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố.
Vị quan chức mô tả quyết định áp thuế của chính quyền ông Trump là “hành vi bắt nạt đơn phương điển hình”, đồng thời nói thêm rằng nhiều quốc gia đã bày tỏ “sự bất mãn mạnh mẽ và phản đối rõ ràng”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Trump công bố thuế quan tối thiểu 10% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ và các mức thuế quan cao hơn đối với khoảng 60 đối tác có thặng dư thương mại hàng hoá lớn nhất với Mỹ.
Theo các tài liệu của Nhà Trắng, Trung Quốc sẽ chịu mức thuế đối ứng 34%, trong khi Liên minh châu Âu và Việt Nam lần lượt bị áp thuế 20% và 46%. Nhật Bản phải đối mặt với mức thuế 24%, Hàn Quốc 25% và Ấn Độ 26%.
Nhà Trắng lưu ý với CNBC rằng thuế quan đối ứng của Trung Quốc sẽ cộng gộp cùng với các mức thuế hiện hành. Vì vậy, hàng hoá xuất khẩu từ đất nước tỷ dân sang Mỹ sẽ phải chịu tổng mức thuế quan là 54%.
Thuế nhập khẩu tối thiểu sẽ có hiệu lực sau nửa đêm ngày 5/4 và các mức thuế cao hơn sẽ có hiệu lực vào lúc 12h01 sáng ngày 9/4, giới chức cấp cao trong chính quyền ông Trump chia sẻ với Bloomberg.
Canada và Mexico đang phải chịu mức thuế 25% do liên quan đến nạn buôn bán ma tuý và di cư bất hợp pháp. Các mức thuế này sẽ giữ nguyên và hai nước sẽ không phải chịu thuế quan đối ứng nếu các mức thuế trước đó vẫn còn hiệu lực.
Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia khác đã bày tỏ sự không hài lòng với chính sách thuế quan mới nhất của Mỹ.
Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết Ottawa sẽ đáp trả thuế quan “một cách có chủ đích và bằng sức mạnh”. Chính phủ của ông Carney dự kiến sẽ công bố một loạt biện pháp đối phó vào ngày 3/4.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo đã ra lệnh áp dụng các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho những ngành công nghiệp và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất ô tô. Đồng thời, ông cũng yêu cầu các quan chức tích cực đàm phán với Washington để giảm thiểu tác động của thuế quan.
Riêng Thủ tướng Australia Anthony Albanese gọi thuế quan đối ứng của ông Trump là “một quyết định tồi tệ”, không phải “hành động của một người bạn”. Song, ông loại trừ khả năng đáp trả bằng thuế quan tương xứng với Mỹ.
Một quần đảo núi lửa cằn cỗi, không có con người ở gần Nam Cực và là nơi sinh sống của chim cánh cụt đã bị cuốn vào cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các nhà kinh tế dự đoán thuế quan trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm từ 1 đến 2 điểm %.
Trong vài năm qua, Việt Nam đã trở thành lựa chọn thay thế phổ biến cho các doanh nghiệp muốn tránh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Giờ đây, khi Tổng thống Donald Trump mở rộng mục tiêu thuế quan, họ không còn có thể tránh né nữa.
Các chuyên gia cảnh báo nhiều nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái vì thuế quan đối ứng của ông Trump, trong đó có cả Mỹ.