Tài chính Doanh nghiệp 25/07/2025 20:40

[Cập nhật] KQKD quý II: 585 công ty có báo cáo, 86% có lãi

Trong số các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính trên sàn thì có 49 đơn vị có lãi trên trăm tỷ đồng, theo thống kê từ Wichart tính đến 20h30 ngày 25/7.

Theo dữ liệu từ Wichart, thị trường hiện có 585 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Trong số này có khoảng 505 doanh nghiệp có lãi ròng (chiếm tỷ trọng 86%), đặc biệt có 49 đơn vị đã có lãi ròng trên trăm tỷ đồng (khoảng 8%).  

324 công ty, chiếm 55% trong số doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm. Trong đó có 83 đơn vị báo lãi tăng trưởng trên ba con số và 4 đơn vị tăng trưởng bốn con số. 

Bốn công ty có lãi ròng tăng hàng chục lần là Vinaconex 25 (Mã: VCC) gấp gần 32 lần, Xi măng Vicem Hoàng Mai (Mã: HOM) gấp 27 lần, Thủy điện Buôn Đôn (Mã: BSA) gấp 15 lần và Tư vấn Đầu tư Idico (Mã: INC) gấp hơn 12 lần cùng kỳ.  

Một số công ty ghi nhận kết quả tích cực như nhóm FPT, Gemadept, Thủy sản Nam Việt (Navico), Chứng khoán VIX, Điện lực Gelex, Nhựa Bình Minh, Điện lực Nhơn Trạch 2, Đô thị Công nghiệp số 2, Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, DAP Vinachem, Xi măng Hà Tiên, Dệt may TNG, Cảng Đồng Nai... 

Những khoản lãi lớn nhất

Trong số các công ty đã công bố theo Wichart (ngoại trừ nhóm ngân hàng), Tập đoàn FPT (Mã: FPT) đang là công ty có lợi nhuận lớn nhất hiện tại. Tập đoàn này vẫn tăng trưởng ổn định với lãi ròng kỷ lục 2.257 tỷ đồng, tăng hơn 20%. 

Một công ty cùng hệ sinh thái là Viễn Thông FPT (Mã: FOX) có lãi ròng 884 tỷ đồng, tăng trưởng 21%. Lợi nhuận lũy kế nửa đầu năm đạt 1.649 tỷ đồng, tăng 19%, công ty này đang hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm. 

Chứng khoán VIX (Mã: VIX) cũng thuộc nhóm lãi lớn với lợi nhuận trước thuế 1.603 tỷ đồng, bao gồm 596 tỷ đồng đã thực hiện và 1.006 tỷ đồng chưa thực hiện. Công ty lãi ròng 1.302 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ và cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.

Một số công ty chứng khoán khác cũng có kết quả tích cực như Chứng khoán SHS lãi ròng 383 tỷ đồng, hay VNDirect lãi 369 tỷ đồng, Chứng khoán Công Thương (CTS) lãi 146 tỷ đồng...

 Top 50 đơn vị lãi lớn nhất. Nguồn: Huy Lê tổng hợp từ Wichart tính đến 20h30 ngày 25/7.   

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) bị chững lại khi ghi nhận lãi ròng 854 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này gây chú ý khi đang gửi tiết kiệm hơn 12.000 tỷ đồng vào ngân hàng. 

Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) lãi sau thuế kỷ lục 1.205 tỷ đồng nhờ tăng trưởng hoạt động kinh doanh lõi, tuy nhiên lãi ròng lại giảm 22% còn 665 tỷ đồng trong quý II. Công ty thành viên Điện lực Gelex (Mã: GEE) ghi nhận doanh thu cao kỷ lục hơn 6.500 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ; lãi ròng đạt 528 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ.  

Gemadept (Mã: GMD) cũng bứt tốc trong quý II khi lợi nhuận ròng tăng 28% so với cùng kỳ lên 423 tỷ đồng và cao nhất kể từ quý II/2024, nhờ hoạt động khai thác cảng và nguồn thu tài chính tăng mạnh. 

Nhiều công ty đột biến

Ông lớn ngành cá tra là Công ty cổ phần Nam Việt (Navico - Mã: ANV) ghi nhận doanh thu thuần 1.726 tỷ đồng, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức doanh thu hàng quý cao nhất từ trước đến nay.

Giá vốn giảm xuống và chi phí hoạt động được tiết giảm càng làm lợi nhuận ròng tăng đột biến lên 333 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn còn lỗ sau thuế hơn 2 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất mà công ty từng ghi nhận.   

Công ty Nước sạch Sông Đà (Viwasupco - Mã: VCW) cũng đang trở mình để ngắt mạch lỗ 7 quý liền trước , đồng thời thiết lập đỉnh lợi nhuận mới với gần 96 tỷ đồng. Kết quả nhờ sản lượng nước sạch trong kỳ tăng 10,2% và công ty được điều chình tăng giá bán nước sạch trong kỳ dẫn đến doanh thu trong kỳ tăng so với cùng kỳ năm trước.      

Đây là công ty con do Hạ tầng Gelex nắm 62,46% và Công ty TNHH nước sạch REE sở hữu 35,95% cổ phần.  Đơn vị này có lãi 72 tỷ đồng sau nửa đầu năm, sớm vượt 90% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay là 37,6 tỷ đồng. 

 Viwasupco lập đỉnh lợi nhuận và ngắt mạch 7 quý lỗ liên tiếp trước đó. Nguồn: Huy Lê tổng hợp.  

Sự trở lại còn phải điểm tên Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (Mã: D2D) với lợi nhuận đạt đỉnh 207 tỷ (cùng kỳ lỗ 6 tỷ), chủ yếu đến từ doanh thu chuyển nhượng đất tại KCN Châu Đức. Công ty đến nay cũng sớm vượt 22% kế hoạch năm.

Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) báo cáo lợi nhuận sau thuế đạt 326 tỷ đồng, tăng 204 tỷ đồng so với quý II/2024, tương ứng mức tăng 167%. Giá vốn giảm mạnh là nguyên nhân chính giúp biên lợi nhuận của công ty nhảy vọt.  

Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) cũng là cái tên gây đột biến khi có lãi sau thuế hơn 112 tỷ đồng, tăng 145% so với quý II/2024. Đây là mức lợi nhuận cao nhất tính từ quý II/2022 đến nay, tức cao nhất 12 quý.  

Ban lãnh đạo lý giải kết quả khả quan nhờ sản lượng tiêu thụ xi măng trong kỳ này tăng 8,5% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm do kiểm soát chi phí sản xuất và giá nguyên nhiên liệu đầu vào giảm. Tăng thu nhập từ việc thu phí hoàn vốn cho dự án Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu.

Đại diện ngành phân bón, công ty DAP Vinachem (Mã: DDV) báo lãi sau thuế 153 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ. Mức lợi nhuận này đã tiệm cận lại đỉnh lịch sử lãi 156 tỷ đồng hồi quý II/2022.

Doanh nghiệp giải thích doanh thu quý vừa qua tăng tổng cộng 665 tỷ đồng, chủ yếu do tăng sản lượng bán hàng (tiêu thụ tăng 2.666 tấn hay tăng 3,7%) và giá bình quân tăng so với cùng kỳ năm trước (giá kỳ này 16,24 triệu đồng/tấn, tăng hơn 28% cùng kỳ). Ngoài ra, công ty còn phát sinh doanh thu từ việc bán amoniac giúp tăng 362 tỷ doanh thu.   

Một số đơn vị khác cũng có mức tăng trưởng cao như Tập đoàn Kido (Mã: KDC) gấp 8 lần cùng kỳ, công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (Mã: HGM) gấp 4 lần, hay công ty Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC - Mã: VEF) cũng gấp gần 4 lần...

Những công ty lỗ nặng 

Ở chiều đối lập, CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (Mã: ABS) đang là đơn vị lỗ nặng nhất với con số âm gần 270 tỷ đồng trong quý II, kéo lỗ lũy kế đến nay lên mức 198 tỷ đồng. 

Công ty cho biết ảnh hưởng từ các xung đột quốc tế làm kinh doanh khó khăn, nông dân giảm diện tích cây trồng, giảm đầu tư dẫn đến nhu cầu phân bón giảm, nhu cầu nhiên liệu của các đơn vị thi công xây dựng giảm.

Do đó doanh thu phân bón, xăng dầu của công ty cũng giảm theo. Ngoài ra, công tu còn phải trích lập dự phòng nợ khó đòi khiến khoản lỗ tăng mạnh.  

Công ty Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (Mã: NOS) tiếp tục chuỗi kinh doanh khó khăn khi lỗ ròng 13 tỷ đồng, chuỗi 14 quý lỗ liên tiếp. Công ty Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (Mã: PAP) cũng lỗ nặng quý thứ 3 liên tiếp do đang trong giai đoạn đầu vận hành phân kỳ 1 cảng Phước An.

 Nguồn: Huy Lê tổng hợp từ Wichart tính đến 7h ngày 25/7.  

Chứng khoán Tiên Phong (Mã: ORS) cũng thuộc nhóm lỗ ròng trăm tỷ đồng và nâng lỗ từ đầu năm lên 113 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ sự sụt giảm mạnh ở mảng tự doanh, nguồn thu quan trọng ở các kỳ kinh doanh trước đây. 

Cũng từ tháng 4/2025, cổ phiếu ORS đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo, do báo cáo kiểm toán năm 2024 có ý kiến ngoại trừ liên quan đến các khoản đầu tư trái phiếu. 

Công ty bán phôi thép Gang thép Cao Bằng (Mã: CBI) tiếp tục trượt dài khi lỗ thêm 92 tỷ đồng trong quý vừa qua, nâng tổng lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán lên 296 tỷ đồng. Kết quả do sản lượng phối thép giảm phân nửa cùng kỳ và giá bán giảm gần 9%. 

Công ty Đầu tư và Phát triển Xây dựng (Mã: ING) cũng lỗ lớn 77 tỷ đồng, qua đó kéo lỗ lũy kế lên trên 470 tỷ đồng. Đơn vị giải thích do không phát sinh doanh thu (dự án Khu dân cư Investco Green City đang trong quá trình triển khai hoàn thiện pháp lý), trong khi vẫn phải trả những khoản bắt buộc như chi phí vận hành, quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính để sớm hoàn thiện dự án. 

Huy Lê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 25/07/2025 20:25
Đẩy nhanh tham mưu về giao vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp đến năm 2030

Bộ Tài chính đề nghị Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước sớm hoàn thiện các nghị định hướng dẫn Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp về giao vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp đến năm 2030.

Tài chính Doanh nghiệp 25/07/2025 19:31
Lợi nhuận SAGS giảm 10%, do mất khách 'sộp' Vietjet và lỗ tại Long Thành

SAGS cho biết việc mất khách hàng Vietjet và lỗ từ công ty con ở Long Thành khiến lợi nhuận toàn công ty giảm 10%, song vẫn thực hiện được 89% kế hoạch năm.

Tài chính Doanh nghiệp 25/07/2025 15:50
Bầu Đức tính rót hơn 3.300 tỷ trồng cà phê, nuôi tằm

HAGL dự kiến chi 2.002 tỷ đồng làm vùng trồng cà phê 2.000ha và chi 1.343 tỷ đồng để phát triển 2.000ha dự án trồng dâu nuôi tằm, được thực hiện tại Việt Nam và Lào.

Tài chính Doanh nghiệp 25/07/2025 14:38
Doanh nghiệp phân bón khởi sắc trong quý II

Nhiều doanh nghiệp phân bón ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý II/2025 tăng mạnh so với cùng kỳ, nhờ sản lượng tiêu thụ và giá bán cải thiện.