11/05/2025 08:02

Cha đẻ Facebook muốn trở lại với cuộc chơi tiền mã hoá

Ba năm trước, Meta thu hút nhiều sự chú ý với dự án liên minh blockchain Libra song thất bại. Giờ đây, cha đẻ Facebook đang thể hiện sự quan tâm trở lại với tiền mã hoá.

Hồi năm 2019, Meta công bố một dự án đầy táo bạo: một loại tiền mã hóa mới có thể sử dụng được trên Facebook, WhatsApp và nhiều nền tảng số khác. Dù vậy, ông lớn mạng xã hội sau đó đã phải hủy bỏ kế hoạch này do vấp phải sự phản đối dữ dội từ Quốc hội Mỹ và các nhà lập pháp. Giờ đây, Meta lại đang thử nghiệm một lần nữa với lĩnh vực tiền mã hóa.

Fortune dẫn lời năm nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết Meta đang thảo luận với các công ty tiền mã hóa để triển khai stablecoin như một phương thức thanh toán, đồng thời công ty này đã tuyển dụng một phó chủ tịch phụ trách sản phẩm có kinh nghiệm trong lĩnh vực crypto để dẫn dắt các cuộc thảo luận này. Cả năm nguồn tin (được Fortune xác minh danh tính) đều yêu cầu giấu tên vì đây là thông tin kinh doanh chưa được công bố.

Về phần mình, Meta từ chối bình luận về sự việc.

Sự cởi mở của ông Donald Trump với tiền mã hoá đang khơi dậy trở lại sự quan tâm đến lĩnh vực tài sản số của nhiều Big Tech, trong đó có Meta. (Ảnh: FT).

Stablecoin là một dạng tiền mã hóa có giá trị ổn định, do thường được neo giá với đồng USD. Từ lâu, đây là một sản phẩm thu hút nhiều sự chú ý trong ngành công nghiệp blockchain. Tuy nhiên, các chính sách cứng rắn chống lại tiền mã hóa của chính quyền ông Biden đã hạn chế khả năng phổ biến rộng rãi của chúng.

Dù vậy, sự kiện ông Donald Trump đắc cử vào tháng 11 năm ngoái, cùng với thương vụ Stripe mua lại công ty stablecoin Bridge trị giá 1,1 tỷ USD, đã thúc đẩy việc sử dụng stablecoin trong lĩnh vực tài chính truyền thống, đặc biệt là đối với các giao dịch thanh toán xuyên biên giới.

Trong tháng qua, Visa công bố hợp tác với nhà cung cấp hạ tầng stablecoin Bridge, công ty tài chính Fidelity tiết lộ đang phát triển stablecoin riêng, trong khi đó, Stripe ra mắt các tài khoản tài chính mới sử dụng stablecoin.

Sự quan tâm của Meta đối với công nghệ này mình chứng cho sự quan tâm ngày càng tăng đối với stablecoin trong các công ty không thuộc lĩnh vực tiền mã hóa, đặc biệt là khi các nhà lập pháp quốc hội Mỹ đang thảo luận về hai dự luật nhằm quản lý stablecoin sau nhiều năm loại tài sản này phải đối diện với môi trường pháp lý nhiều bất định, Fortune nhận định.

Kế hoạch tiền mã hoá của Meta

Vào tháng 1, Ginger Baker bắt đầu làm việc tại Meta với vai trò Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm tập trung vào mảng fintech và thanh toán, theo thông tin tài khoản LinkedIn của bà. Trước đó, bà từng là lãnh đạo tại công ty fintech Plaid và hiện vẫn giữ ghế trong Hội đồng quản trị của Stellar Development Foundation, một tổ chức crypto đang quản lý một blockchain layer 1.

Theo một nguồn tin, bà đang hỗ trợ định hướng các hoạt động tìm hiểu cơ hội về stablecoin của Meta. Meta từ chối cung cấp thông tin hay bình luận về bà Baker.

Theo ba nguồn tin khác, Meta đã liên hệ với một số công ty hạ tầng crypto vào đầu năm nay. Các cuộc thảo luận hiện vẫn ở giai đoạn sơ bộ, tập trung vào điểm mạnh cốt lõi của stablecoin so với tiền pháp định là khả năng thanh toán cho người dùng ở nhiều khu vực khác nhau với mức phí thấp hơn đáng kể so với các phương thức như chuyển khoản ngân hàng.

Một giám đốc tại công ty hạ tầng crypto cho biết Instagram, công ty con của Meta, có thể sẽ tích hợp stablecoin để thanh toán các giao dịch giá trị nhỏ khoảng 100 USD cho nhà sáng tạo nội dung tại các thị trường khác nhau, giúp giảm chi phí hơn so với dùng tiền pháp định.

Họ mô tả Meta hiện đang ở trạng thái “đang tìm hiểu”, và nhiều khả năng sẽ không cố định lựa chọn một loại stablecoin cụ thể (ví dụ như USDC của Circle), mà giữ thái độ trung lập với các nhà cung cấp.

Hai lãnh đạo khác trong ngành crypto cũng xác nhận đã có những cuộc thảo luận ban đầu với Meta, xoay quanh việc sử dụng stablecoin để thanh toán.

Trong khi đó, Circle đã tuyển Matt Cavin vào tháng 3 từ công ty blockchain trong lĩnh vực game Immutable. Anh đang dẫn dắt các cuộc thảo luận với Meta và các tập đoàn công nghệ lớn khác, theo một nguồn tin thân cận. LinkedIn của Cavin mô tả vai trò hiện tại là phụ trách “các đối tác chiến lược cấp 1” mà không nêu cụ thể tên đối tác. Circle từ chối bình luận về thông tin này.

Bùng nổ stablecoin

Việc Meta quay trở lại với stablecoin rất đáng chú ý vì Meta từng là công ty Big Tech nổi bật nhất tham gia vào lĩnh vực crypto. Năm 2019, Meta công bố một sáng kiến blockchain có tên Libra. Đây là một liên minh gồm những cái tên như Uber và PayPal nhằm phát hành một stablecoin được đảm bảo bằng một rổ các loại tiền pháp định.

Sau này, dự án đổi tên thành Diem nhưng đã bị hủy bỏ vào đầu năm 2022 sau khi bị cơ quan quản lý siết chặt. Meta sau đó đã bán tài sản của Diem cho Silvergate, một ngân hàng có quan điểm thân thiện về tiền mã hóa.

Một số nhân sự từng tham gia dự án Libra đã rời Meta để thành lập các công ty crypto riêng, trong đó có David Marcus, đồng sáng lập công ty hạ tầng thanh toán Bitcoin tên là Lightspark. Một số người khác thậm chí dùng lại công nghệ từ Meta để phát triển blockchain riêng, đáng chú ý nhất là Aptos và Sui, hai blockchain sử dụng ngôn ngữ lập trình Move do Meta phát triển.

Hồi đầu tháng này, Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, đã xuất hiện tại hội nghị của Stripe. Tại đây, ông thừa nhận thất bại của dự án Diem trong một cuộc trò chuyện trên sân khấu với đồng sáng lập Stripe John Collison. “Dự án đó chết rồi”, Zuckerberg chia sẻ.

Khi được hỏi về việc Meta thường đi trước các xu hướng công nghệ, Zuckerberg cho biết: Chắc chắn là vui hơn khi bạn là người tiên phong thay vì đi sau”. Song ông cũng nói thêm, “cũng có rất nhiều thứ mà chúng tôi đến muộn, và phải vất vả giành lại vị thế, mà tôi nghĩ chúng tôi làm điều đó khá tốt”.

Đăng Sơn
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO