Châu Âu dự kiến dừng mua khí đốt Nga vào cuối năm 2027

Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu khí đốt và LNG từ Nga vào cuối năm 2027. Kế hoạch sẽ được công bố vào tháng 6 như một phần trong các biện pháp pháp lý mới liên quan đến năng lượng, theo Reuters.

 

EC hôm 6/5 cho biết sẽ đề xuất các biện pháp pháp lý trong tháng tới nhằm từng bước chấm dứt việc nhập khẩu khí đốt và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga vào Liên minh châu Âu (EU) trước thời hạn cuối năm 2027.

Sau khi xung đột Nga–Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, EU đã đặt mục tiêu chấm dứt mối quan hệ năng lượng kéo dài nhiều thập kỷ với Nga - nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của Khối.

Theo kế hoạch, cơ quan hành pháp EU sẽ trình đề xuất pháp lý vào tháng 6 nhằm cấm hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt và LNG từ Nga theo các hợp đồng hiện có trước thời hạn cuối năm 2027.

Cũng trong tháng 6, EC sẽ đề xuất lệnh cấm nhập khẩu khí đốt Nga theo các hợp đồng mới và các giao dịch giao ngay hiện hành, với mốc thời hạn là cuối năm 2025.

Ủy viên Năng lượng EU Dan Jorgensen cho biết, kể từ tháng 2/2022, EU đã chi nhiều tiền hơn để mua nhiên liệu hóa thạch từ Nga so với số tiền viện trợ dành cho Ukraine - điều mà ông khẳng định "không thể tiếp diễn".

Mỹ đang thúc ép Nga ký thỏa thuận hòa bình với Ukraine - điều này, nếu thành hiện thực, có thể mở lại cánh cửa cho năng lượng Nga quay lại châu Âu. Mặc dù một số doanh nghiệp tại EU bày tỏ mong muốn nối lại nhập khẩu khí đốt từ Nga, ông Jorgensen nhấn mạnh rằng, ngay cả khi đạt được thỏa thuận hòa bình, việc lại phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga là điều "không khôn ngoan".

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho rằng, việc loại bỏ năng lượng Nga đi ngược lại lợi ích của chính EU.

“EU đang khiến môi trường cạnh tranh yếu đi, lựa chọn hàng hóa đắt đỏ hơn từ Mỹ và các quốc gia khác. Chỉ có thể hy vọng rằng thế hệ chính trị gia kế tiếp sẽ đánh giá tình hình một cách tỉnh táo hơn,” ông Peskov phát biểu.

Hiện khoảng 19% nguồn cung khí đốt của châu Âu vẫn đến từ Nga, chủ yếu thông qua đường ống TurkStream và các chuyến hàng LNG - giảm mạnh so với mức khoảng 45% trước khi xung đột nổ ra.

Brussels cũng đã phát tín hiệu sẵn sàng tăng mua LNG từ Mỹ để thay thế cho nguồn cung của Nga – đây cũng là yêu cầu mà Tổng thống Donald Trump từng đưa ra nhằm thu hẹp thặng dư thương mại của EU với Mỹ.

Các đề xuất pháp lý mới của EU sẽ cần được Nghị viện châu Âu và đa số các quốc gia thành viên thông qua.

Đến nay, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên than đá và phần lớn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, nhưng khí đốt vẫn nằm ngoài danh sách trừng phạt do sự phản đối từ Slovakia và Hungary – 2 quốc gia vẫn phụ thuộc vào khí đốt Nga qua đường ống và lo ngại việc chuyển sang các nguồn thay thế sẽ đẩy giá năng lượng tăng vọt. Các biện pháp trừng phạt của EU yêu cầu sự nhất trí của cả 27 quốc gia thành viên.

EC chưa công bố cụ thể các công cụ pháp lý sẽ được sử dụng để cấm nhập khẩu khí đốt Nga. Ông Jorgensen cho biết các đề xuất sắp tới có thể được xem là trường hợp “bất khả kháng” – một điều khoản pháp lý giúp các công ty được miễn trách nhiệm thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cảnh báo rằng việc viện dẫn điều khoản "bất khả kháng" để hủy bỏ hợp đồng là rất khó khăn, và có thể khiến các bên mua khí đốt phải đối mặt với rủi ro bị phạt hoặc kiện tụng. Nhiều công ty châu Âu đang bị ràng buộc bởi các hợp đồng “take-or-pay” với tập đoàn Gazprom của Nga, trong đó quy định bên mua vẫn phải thanh toán phần lớn giá trị hợp đồng kể cả khi từ chối nhận hàng.

 Các nguồn cung khí đốt chủ yếu cho châu Âu năm 2024 (nguồn EC, ENTSO, LSEG, Reuters, HT tổng hợp)

Nhờ các dự án cung cấp LNG mới sẽ đi vào vận hành từ năm 2026 tại các quốc gia như Mỹ và Qatar, EC cho rằng việc dừng nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ chỉ có tác động hạn chế đến giá năng lượng ở châu Âu.

EU cũng đang đặt cược lớn vào năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Năm ngoái, EU nhập khẩu 32 tỷ mét khối khí đốt qua đường ống và 20 tỷ mét khối LNG từ Nga. Khoảng 2/3 lượng khí đốt này nằm trong các hợp đồng dài hạn, phần còn lại là các giao dịch giao ngay không ràng buộc.

Ngoài ra, EU cũng sẽ đề xuất các biện pháp thương mại đối với việc nhập khẩu uranium làm giàu từ Nga. Theo ông Jorgensen, điều này trên thực tế sẽ tương đương với việc áp thuế hoặc phí đối với mặt hàng này.

HT
CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài học từ sự cố mất điện đầu tiên của kỷ nguyên xanh

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang vận hành lưới điện với sự kết hợp phát điện phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết - chiếm hơn 75% sản lượng.

Giá điện Việt Nam tương đương Trung Quốc, Ấn Độ

Giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam đang ở ngưỡng tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng thấp hơn một số nước như Thái Lan, Singapore, Campuchia.

Dự báo giá heo hơi ngày 8/5: Thị trường phía Nam vẫn giữ xu hướng đi xuống

Nhiều chuyên gia dự báo giá heo hơi ngày mai sẽ tiếp đà giảm tại một số địa phương phía Nam do thị trường này đang có xu hướng đi xuống.

Giá sầu riêng hôm nay 7/5: Campuchia khai trương nhà máy đóng gói sầu riêng đầu tiên cho xuất khẩu

Giá sầu riêng hôm nay dao động trong quãng rộng, với một số vùng báo giá chỉ khoảng 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, Campuchia đã chính thức khai trương nhà máy đóng gói sầu riêng đầu tiên phục vụ xuất khẩu quốc tế tại Làng Chantong, Xã Sralob, huyện Tbong Khmum.