Kinh tế Quốc tế 08/05/2025 01:12

Fed giữ nguyên lãi suất như dự đoán, cảnh báo rủi ro đình lạm gia tăng

Quyết định lãi suất của Fed không gây nhiều bất ngờ cho thị trường, nhưng những lưu ý mà ngân hàng trung ương Mỹ đưa ra trong tuyên bố chính sách mới đáng ngại.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Rủi ro đình lạm

Kết thúc cuộc họp vào ngày 7/5, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn trong lúc chờ đợi những biến động trong chính sách thương mại và theo dõi hướng đi của một nền kinh tế đang trên đà chững lại.

Cụ thể, trong một động thái không gây bất ngờ cho thị trường giữa lúc bất ổn lan rộng khắp môi trường chính trị và kinh tế, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã giữ nguyên lãi suất chuẩn trong phạm vi 4,25 - 4,5%. FOMC đã duy trì khoảng lãi suất này kể từ tháng 12 năm ngoái.

Tuyên bố sau cuộc họp chính sách lưu ý đến tình trạng biến động hiện nay và tác động của nó đến các quyết định chính sách.

“Sự bất ổn về triển vọng kinh tế đã gia tăng. Ủy ban đang chú ý đến những rủi ro đối với cả hai đầu của nhiệm vụ kép và nhận thấy rủi ro tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, lạm phát nóng lên đã gia tăng”, tuyên bố có đoạn.

Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập cụ thể đến thuế quan, dù Chủ tịch Jerome Powell chắc chắn sẽ được hỏi về vấn đề này trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách, CNBC thông tin.

Việc tìm kiếm điểm cân bằng giữa hai nhiệm vụ chính của Fed - thúc đẩy trạng thái toàn dụng việc làm và ổn định giá cả trong nền kinh tế - đã trở nên khó khăn hơn trong thời gian gần đây khi Tổng thống Donald Trump triển khai chính sách thuế quan.

Khi lưu ý rằng thuế quan vừa đe doạ làm trầm trọng thêm lạm phát vốn chỉ vừa hạ nhiệt, vừa làm chậm tăng trưởng kinh tế, tuyên bố của FOMC đã nhắc đến khả năng xảy ra kịch bản lạm phát đình trệ vốn đã không xuất hiện tại Mỹ kể từ đầu những năm 1980.

Đa phần các nhà hoạch định chính sách đều nhất trí rằng ngân hàng trung ương Mỹ đang ở vị thế tốt và nền kinh tế vẫn duy trì ổn định cho đến nay. Vì vậy, Fed cần phải kiên nhẫn khi hiệu chỉnh chính sách tiền tệ.

 

Tầm quan trọng của thuế quan

Cuộc thảo luận của Fed diễn ra trong lúc Nhà Trắng đang bế tắc trong các cuộc đàm phán thương mại với những đối tác lớn. Ông Trump đã tạm hoãn các mức thuế đối ứng cao hơn trong 90 ngày để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán.

Giữa lúc những tin tức về thương chiến xuất hiện mỗi ngày, nền kinh tế Mỹ đã phát ra những tín hiệu trái ngược nhau về tăng trưởng, lạm phát và tâm lý của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.

GDP, thước đo rộng nhất về nền kinh tế, đã giảm 0,3% trong quý đầu tiên do chi tiêu của chính phủ và người tiêu dùng chậm lại. Nhập khẩu tăng vọt trước thềm thuế quan cũng tác động đến số liệu GDP.

Hầu hết các chuyên gia trên Phố Wall đều kỳ vọng nền kinh tế sẽ quay trở lại mức tăng trưởng dương trong quý II.

Tuyên bố chính sách của FOMC lưu ý rằng “biến động trong xuất khẩu ròng đã ảnh hưởng đến dữ liệu”. Nhận định này khiến Fed cho rằng nền kinh tế vẫn “đang tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vững chắc”.

Quả thực, tăng trưởng việc làm vẫn đang duy trì bất chấp những nỗ lực của ông Trump nhằm cắt giảm lao động liên bang.

Báo cáo mới nhất cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đã tạo thêm 177.000 việc làm trong tháng 4 và tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức 4,2%. Nhờ số liệu việc làm, Fed sẽ có thêm dư địa chính sách nếu họ dự đoán nền kinh tế sẽ tiếp tục suy yếu.

Lạm phát đang giảm dần và tiến gần mức mục tiêu 2% của Fed, nhưng thuế quan được kỳ vọng sẽ khiến giá cả tăng ít nhất một lần. Tổng thống Trump đã thúc giục Fed hạ lãi suất khi lạm phát giảm nhiệt.

Xét theo thước đo ưa thích của các quan chức Fed là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, lạm phát toàn phần tại Mỹ hiện ở mức 2,3% và lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) đạt 2,6%.

Tuy nhiên, giống như mọi khía cạnh của nền kinh tế, tất cả đều phụ thuộc vào những gì xảy ra với thuế quan.

Những dấu hiệu gần đây cho thấy tiến triển của các cuộc đàm phán và một số động thái mềm mỏng hơn từ chính quyền ông Trump đã giúp đảo ngược đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán vào đầu tháng 4.

Tuy nhiên, các cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy người Mỹ đang rất bất an. Hầu hết các nhà quản lý đều lo ngại về vấn đề nguồn cung và giá cả dưới tác động của thuế quan.

Dự đoán của thị trường tài chính về lãi suất chính sách của Fed cũng rất biến động.

Trước cuộc họp, các nhà giao dịch nhận định Fed hầu như không có khả năng hạ lãi suất trong tuần này và xác suất cho một đợt giảm vào tháng 6 là dưới 30%. Họ dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất tổng cộng ba lần trong năm nay, mặc dù điều đó có thể thay đổi sau cuộc họp mới nhất. 

 

Yên Khê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 10/05/2025 20:56
Ông Trump: Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý ngừng bắn ngay lập tức

Ấn Độ và Pakistan đạt thỏa thuận "ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức" sau khi Mỹ đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán.

Kinh tế Quốc tế 10/05/2025 16:27
Thước đo ưa thích của Warren Buffett báo hiệu giá cổ phiếu đang rẻ, NĐT nên mua ngay?

Thước đo định giá ưa thích của Warren Buffett đã dự đoán chính xác những giai đoạn sụp đổ và bùng nổ của thị trường chứng khoán Mỹ trong quá khứ.

Kinh tế Quốc tế 10/05/2025 14:40
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo nguy cơ chạm trần nợ vào tháng 8

Ngày 10/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo “khả năng đáng kể” nước này sẽ không còn khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính vào tháng 8 tới, theo đó kêu gọi Quốc hội sớm hành động để ngăn ngừa nguy cơ vỡ nợ.

Kinh tế Quốc tế 10/05/2025 10:10
Thuế quan Mỹ góp phần khiến giảm phát ở Trung Quốc nối dài sang tháng 4

Tình trạng giảm phát tiếp tục đeo bám nền kinh tế Trung Quốc.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO