15/10/2024 17:55

Chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền và tín dụng đang tạo rủi ro tăng lãi suất

Tại tọa đàm Data Talk tháng 10, các chuyên gia đánh giá tăng trưởng tín dụng quá nhanh trong khi cung tiền không theo kịp có thể kéo theo lãi suất nhích lên.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. (Ảnh: BTC).

Tại tọa đàm trực tuyến Data Talk tháng 10 với chủ đề "Phục hồi kinh tế & Xu hướng dòng vốn đảo nghịch", Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, nhận định rằng sang năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có dư địa để nới lỏng nhiều hơn. 

Ông Thành cho biết xu hướng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay đã rõ ràng. Dự báo Fed sẽ có hai lần cắt giảm nữa vào tháng 11 và 12, mỗi lần 25 điểm cơ bản (bps). Tổng cộng, cả năm 2024 là 100 bps lãi suất. Sang năm 2025, các thành viên trong Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) dự kiến khả năng hạ lãi suất thêm 100 đến 125 bps. 

“Quan trọng hơn, một số ngân hàng trung ương châu Á cũng đã giảm lãi suất điều hành, đây là dư địa để Việt Nam điều hành theo hướng giảm lãi suất”, ông nhận định.

Tuy nhiên, lãi suất khó có thể giảm mạnh trong quý IV, khi nhu cầu tín dụng trong quý cuối năm có thể tăng còn cung tiền lại thấp hơn, chuyên gia nhấn mạnh. 

“Hiện nay, cung tiền chỉ tăng 12% so với cùng kỳ. Nếu không đẩy mạnh tăng cung tiền thì lãi suất lại có xu hướng nhích lên chứ không phải giảm đi”, ông cảnh báo. 

Khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và huy động lại có dấu hiệu nới rộng trong những tháng gần đây. 

Phân tích thêm về câu chuyện tăng trưởng tín dụng, ông Thành cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng có thể đang vượt qua nhu cầu thực tế của nền kinh tế.

“GDP tăng trưởng 7%, lạm phát 3% thì tăng trưởng GDP danh nghĩa 10%, tín dụng cũng chỉ cần 10%. Tín dụng tăng trưởng 15% là để thúc đẩy tăng trưởng, vừa giúp giải quyết các khó khăn tài chính của nền kinh tế”, chuyên gia nhận định.

“Nhưng cứ thế, rủi ro lại chồng chất, tiềm ẩn”, ông cảnh báo. Với một nền kinh tế mở, “trong nước dùng các liệu pháp hỗ trợ tăng trưởng mạnh tay thì phải sống trong rủi ro cao”. 

Tuy nhiên, nhìn về dài hạn hơn, ông Thành đánh giá tỷ giá đã bớt áp lực, mức mất giá trong năm nay có thể trên dưới 2%, trong khi lạm phát đã không còn lo ngại. Những yếu tố này có thể là “dư địa để hạ mặt bằng lãi suất trong năm 2025”. 

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup. (Ảnh: BTC).

 

Cùng quan điểm với chuyên gia Thành, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, đánh giá rủi ro từ chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vẫn là vấn đề mà ngành ngân hàng và nền kinh tế phải quan tâm. 

“Các cơ quan quản lý đang tập trung quá nhiều vào câu chuyện tăng trưởng tín dụng, nhưng tăng trưởng huy động và cung tiền đang rất thấp so với tín dụng, tạo nên rủi ro”, ông Báu nhận định. “Ở thị trường 1, hệ thống ngân hàng có thể không thể giảm lãi suất trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng quá nhanh nhưng huy động đầu vào lại khó, gây áp lực lên chi phí vốn". 

Mặc dù vậy, sang năm 2025, ông Báu cũng cho rằng Việt Nam có nhiều dư địa nới lỏng khi lạm phát và tỷ giá đã được “cởi trói”.

“Dù Mỹ có hạ cánh cứng hay mềm thì xu hướng nới lỏng toàn cầu vẫn đang diễn ra và Việt Nam được hưởng lợi từ xu hướng đó”, CEO WiGroup nhấn mạnh. 

Minh Quang