Vĩ Mô 06/02/2025 15:55

Chính phủ đặt mục tiêu GRDP cho từng địa phương, Bắc Giang cao nhất 13,6%

Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương, trong đó Bắc Giang, Ninh Thuận, Hải Phòng có mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất, trên 12%.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25 ngày 5/2 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Trong đó có 46/63 tỉnh, thành phố đặt mục tiêu GRDP trên 8%, 17/63 tỉnh, thành phố đặt mục tiêu GRDP từ 10%, trong đó riêng Bắc Giang cao nhất là tăng 13,6%. 

Chính phủ đặt mục tiêu cho từng địa phương có GRDP trên 10%. (Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp từ Cổng TTĐT Chính phủ)

Nghị quyết cũng nêu rõ: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nắm chắc diễn biến tình hình, phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.

Đồng thời, cần có tư duy đổi mới, đột phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực và tăng trưởng GRDP của địa phương.

Khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành, lĩnh vực hằng tháng, hằng quý; đối với chỉ tiêu tăng trưởng GRDP, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thống kê, trên cơ sở số liệu GRDP năm 2024 đã công bố, rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng GRDP theo ngành cấp 01 và 03 khu vực kinh tế và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm theo từng quý để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền và nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong trường hợp vượt thẩm quyền, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện hằng tháng, hằng quý, cập nhật kịch bản tăng trưởng (nếu có) và kiến nghị, đề xuất giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng, gửi Bộ KH&ĐT trước ngày 25 hằng tháng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, rà soát các nguồn lực, động lực, năng lực mới cho tăng trưởng và giải pháp thực hiện, báo cáo HĐND cùng cấp trong tháng 2. Từ đó để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GRDP của địa phương trong trường hợp HĐND đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng thấp hơn mục tiêu tại Nghị quyết này nhằm quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả.

Mỗi địa phương là một cực tăng trưởng 

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết năm 2024, khoảng một phần ba địa phương cả nước ghi nhận từ 8% trở lên. Trong đó, 9 tỉnh thành ở mức hai chữ số, theo số liệu thống kê. TP HCM và Hà Nội - hai thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước - không nằm trong top 20 địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

“Các bộ ngành, địa phương phải quyết tâm, nỗ lực cao hơn. Thậm chí, công việc thực hiện phải gấp đôi, hiểu đơn giản là mỗi người làm việc gấp hai bình thường mới có thể đạt mục tiêu", ông Phương nêu rõ. 

Về các giải pháp cụ thể, Bộ KH&ĐT tư kiến nghị tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, trong đó xác định thể chế là một nguồn lực quan trọng cho phát triển và được coi là đột phá của đột phá. Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế pháp luật trong năm 2025 vẫn là một yêu cầu cấp thiết.

Về các giải pháp từ phía cầu, cần tập trung vào một số nhiệm vụ chính, trong đó đẩy mạnh đầu tư là ưu tiên hàng đầu.Trong đó, đầu tư công cần tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đảm bảo các dự án được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ và mang lại giá trị thực tiễn. Bên cạnh đó, đầu tư công cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt thông qua việc triển khai sớm một số dự án quan trọng.

Về xuất khẩu, ông Phương cho biết năm 2025 sẽ gặp nhiều thách thức lớn liên quan đến các chính sách bảo hộ, chính sách thuế của Mỹ. Do đó, cần phải phân tích kỹ tình hình, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, khơi thông các thị trường mới và đảm bảo kết cấu giữa đầu vào, đầu ra. Đối với tiêu dùng, cần thúc đẩy sức mua của thị trường trong nước.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, chưa bao giờ, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng hai con số. Nếu tính từ năm 1990 trở lại đây, thì năm 1995 đạt được mức tăng trưởng cao nhất là 9,5%, năm 1996 đạt 9,3%.

Trong khi đó, việc đạt tốc độ tăng trưởng cao ngày càng khó , bởi sau giai đoạn dịch bệnh, không khí trầm lắng hơn. Doanh nghiệp vẫn đang khó khăn, người dân vẫn chưa thoải mái tiêu dùng trở lại.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Vì vậy, trong năm 2025, ngoài khắc phục những điểm yếu của nền kinh tế như cải cách thể chế mạnh mẽ, cải thiện đột biến môi trường kinh doanh thì động lực tăng trưởng phải từ kinh tế địa phương. 

Hiện 63 tỉnh, thành phố đã có mục tiêu tăng trưởng cụ thể. Song để đạt được con số này, cần tạo áp lực và tạo cơ chế cho chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách phân cấp phân quyền, tạo tự chủ cho chính quyền các tỉnh thành trực thuộc trung ương để cạnh tranh nhau.

 Cụ thể, phải phân cấp phân quyền một cách triệt theo hướng đánh giá chính quyền địa phương thông qua kết quả công việc, thành quả kinh tế, … chứ không phải theo quy trình, quy định thì mới tạo cho người lãnh đạo một tư duy dám nghĩ, dám sáng tạo trong thực thi quy định của trung ương, thực thi chính sách của địa phương hướng tới mục tiêu tăng trưởng 10%. 

“Chỉ cần có các giải pháp thúc đẩy sáng kiến, cách làm để thực hiện mục tiêu đã xác định, thì từng địa phương sẽ là một cực tăng trưởng", ông Cung nhấn mạnh.

Ngọc Bảo
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 06/02/2025 15:49
Đề xuất 17 chính sách đặc thù cho dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 17 chính sách đặc thù như Chính phủ được phát hành trái phiếu để huy động vốn, khai thác quỹ đất quanh nhà ga để đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Vĩ Mô 06/02/2025 14:20
Tháng 1/2025: Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam cao gấp 5 lần cùng kỳ năm trước

Trong tháng 1, có 10 dự án của Việt Nam được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn là 83,0 triệu USD, gấp 5,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Vĩ Mô 06/02/2025 13:55
Gần 2,1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng đầu tiên năm 2025

Trong tháng 1, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước.

Vĩ Mô 06/02/2025 12:55
Ngân sách Nhà nước bội thu hơn 141.000 tỷ đồng trong tháng đầu năm

Tháng 1 năm nay, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tăng 3,5% so với cùng kỳ, tổng chi ngân sách Nhà nước ước tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, ngân sách Nhà nước bội thu 141.500 tỷ đồng.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO