Đêm Giáng sinh năm ngoái, một nhà kho ở ngoại ô Hà Nội hoạt động nhộn nhịp để kịp tiến độ giao hàng. Hàng nghìn kiện hàng của Shopee và TikTok Shop liên tục được dỡ xuống, phân loại và chuyển đi. Nhưng trên sàn kho gần như không có bóng dáng con người. Thay vào đó, khoảng 200 robot nhỏ, có hình dáng giống bọ cánh cứng, di chuyển qua lại để vận chuyển hàng hóa.
Những robot này di chuyển với tốc độ 2m mỗi giây. Chúng lướt qua một máy quét để đọc mã QR trên các kiện hàng, sau đó tự động đưa hàng vào túi giao đến các tỉnh thành khác nhau. Đây là hệ thống xe dẫn đường tự động (AGV) do Viettel Post giới thiệu vào tháng 1/2024.
Theo ông Bùi Quang Trung, Trưởng bộ phận vận hành của Viettel Post, phần mềm điều khiển robot do chính công ty phát triển. Ông Trung cho biết, robot làm việc chính xác và hầu như không mắc lỗi. Chúng chỉ gặp sự cố nhỏ về cơ học trong một số trường hợp, chẳng hạn khi một bánh xe không hoạt động đúng.
Việc ứng dụng robot giúp Viettel Post tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam - một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.
Tại nhà kho ở Hà Nội, công nghệ này đã giúp công ty rút ngắn thời gian giao hàng từ 8 đến 10 giờ, tăng năng suất gấp 3,5 lần và nâng công suất xử lý lên khoảng 4 triệu đơn hàng mỗi ngày. Theo đại diện Viettel Post, con số này chiếm khoảng 50% tổng công suất thương mại điện tử của Việt Nam.
Hiện tại, Viettel Post đang có kế hoạch mở rộng công nghệ này ra thị trường nước ngoài như Campuchia và Myanmar. “Công nghệ AGV hiện đại và phổ biến”, ông Trung nói. “Đây là xu hướng của ngành logistics hiện nay.”
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, ngành này đang tăng trưởng mạnh, đạt mức 14% - 16% mỗi năm và khoảng 40 tỷ USD doanh thu trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ngành logistics vẫn còn phân mảnh và kém hiệu quả.
Việt Nam đứng thứ 43 trong Chỉ số Hiệu quả Logistics của Ngân hàng Thế giới, xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Chi phí logistics hiện chiếm 16% - 17% GDP, gần gấp đôi so với Singapore.
Viettel Post hiện là một trong những doanh nghiệp logistics lớn nhất Việt Nam, với khoảng 17% thị phần, theo báo cáo năm 2023 của Vietdata. Tuy nhiên, công ty vẫn phải cạnh tranh với Vietnam Post, cũng như các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước như J&T Express, Best Express, Shopee’s SPX, Grab và Be.
Theo ông Nguyễn Hùng, giảng viên ngành logistics và chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Hà Nội, thị trường logistics đang cạnh tranh gay gắt. “Các công ty logistics phải tìm cách mở rộng thị phần”, ông nói với Rest of World.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước như Viettel Post, đây không chỉ là bài toán kinh doanh mà còn là nhiệm vụ chiến lược. Ông đặt câu hỏi: “Làm sao để ngành logistics Việt Nam có thể cạnh tranh với các hệ thống quốc tế như Trung Quốc?”.
Khác với hệ thống logistics tập trung cao của Trung Quốc, mối liên kết giữa người bán, sàn thương mại điện tử và công ty logistics ở Việt Nam còn yếu. Ông Nguyễn Xuân Hùng, trưởng bộ phận logistics thương mại điện tử tại Hiệp hội Logistics Việt Nam, cho biết Việt Nam có quá nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ.
“Việc phân loại hàng hóa vì thế gặp nhiều khó khăn”, ông Hùng nói. Một số người bán thuê ngoài dịch vụ đóng gói và giao hàng, trong khi số khác tự vận hành. Điều này khiến các trung tâm xử lý đơn hàng khó áp dụng tự động hóa do thiếu lượng khách hàng đủ lớn.
Nhiều người mua sắm trực tuyến ở Việt Nam vẫn ưa chuộng thanh toán khi nhận hàng (COD). Điều này khiến nhân viên giao hàng phải đi lại nhiều lần để tìm đúng người nhận. “Vì vậy, các công ty logistics còn phải làm thêm một việc nữa, đó là thu tiền từ khách hàng”, ông Hùng cho biết thêm.
Trong bối cảnh này, Viettel Post và Vietnam Post có lợi thế lớn nhờ mạng lưới rộng khắp. Theo ông Nguyễn Hùng tại RMIT, quy mô hoạt động lớn giúp họ dễ dàng tự động hóa. Tháng 2 năm ngoái, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các công ty bưu chính lớn mở rộng phạm vi phục vụ thương mại điện tử. Ông khuyến khích họ áp dụng công nghệ hiện đại và chia sẻ hạ tầng để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Viettel Post đã thành lập 10 nhóm chuyên trách, mỗi nhóm phụ trách một giai đoạn trong chuỗi logistics như kho bãi, vận chuyển, thông quan và giao hàng chặng cuối. Theo đại diện công ty, mục tiêu của họ là xây dựng hệ thống tự động để tối ưu hóa quy trình vận chuyển hàng hóa.
Năm 2023, Viettel Post thành lập một nhóm phát triển robot, gồm 11 kỹ sư. Một số thành viên trong nhóm từng đoạt giải tại các cuộc thi robot trong nước và quốc tế.
Nhóm bắt đầu bằng một chuyến đi thực tế tới Trung Quốc. Họ gặp gỡ các chuyên gia từ các công ty logistics lớn như Cainiao (thuộc Alibaba), Yunda Express và Libiao, công ty chuyên về tự động hóa logistics. Họ cũng tìm hiểu mô hình hoạt động của Bưu chính quốc gia Trung Quốc và Amazon. Sau khi trở về Việt Nam, nhóm đã mua robot từ các đối thủ để phân tích và hiểu rõ cách chúng hoạt động.
Nỗ lực này mang lại kết quả rõ rệt. Theo ông Bùi Quang Trung, từ khi robot đi vào hoạt động, nhân viên không còn phải chạy khắp nhà kho để phân loại các kiện hàng. Năng suất đã tăng lên đáng kể.
Theo Viettel Post, một trong những khách hàng của họ là Yody - chuỗi bán lẻ thời trang Việt Nam với 300 cửa hàng trên cả nước. Công ty này đã giảm một nửa chi phí nhân công sau khi mua 48 robot AGV và phần mềm quản lý kho.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích về hiệu suất, ông Phạm Trung Thành, giám đốc Viện Đổi mới Sáng tạo và Chuyển đổi số, cho rằng việc tự động hóa cũng mang lại “nguy cơ mất việc làm, yêu cầu kỹ năng mới và áp lực tâm lý đối với người lao động”.
Trong năm qua, Viettel Post đã thử nghiệm máy bay không người lái để giao hàng đến các khu vực xa, nơi thường bị cô lập do thiên tai. Bên cạnh robot AGV, công ty còn triển khai robot cánh tay linh hoạt để tự động kiểm tra kho, phân loại và xử lý hàng hóa.
Ngoài ra, 1.000 tủ giao hàng thông minh cũng đã được lắp đặt tại Hà Nội và TP HCM. Những tủ này có nhiều ngăn riêng biệt, giúp lưu trữ kiện hàng khi người nhận không có mặt.
Tháng 1 năm nay, Viettel Post đưa thế hệ robot mới nhất vào nhà kho tại TP HCM. Cả phần mềm lẫn phần cứng của những robot này đều do công ty tự sản xuất. Trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu robot AGV nhưng nay, Viettel Post đang tự phát triển công nghệ riêng.
Tuy nhiên, cách tiếp cận tự chủ này không phải lúc nào cũng tiết kiệm chi phí hay thời gian. Theo ông Nguyễn Xuân Hùng từ Hiệp hội Logistics Việt Nam, đây là lý do nhiều công ty logistics trong nước vẫn ưu tiên nhập khẩu công nghệ thay vì tự phát triển.
Ông Nguyễn Hùng từ RMIT cho rằng, chiến lược nghiên cứu và phát triển của Viettel Post có thể không chỉ phục vụ thương mại điện tử. Ông nhận định rằng tự động hóa logistics giúp Viettel làm chủ công nghệ và thể hiện vai trò tiên phong. Điều này cũng phù hợp với định hướng của nhà nước, nhằm đưa Việt Nam chuyển đổi từ nền sản xuất giá rẻ sang phát triển công nghệ cao, trong đó có trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn.
Tháng 12 năm ngoái, Viettel Post khánh thành khu logistics lớn nhất Việt Nam, với diện tích gần 144 ha và tổng vốn đầu tư 130 triệu USD.
Khu logistics này có hệ thống dữ liệu tiêu chuẩn, kết nối trực tiếp với hải quan Việt Nam và Trung Quốc. Nhờ đó, thời gian thông quan hàng hóa xuyên biên giới có thể giảm xuống dưới 24 giờ, thay vì 4-5 ngày như trước đây. Viettel Post cũng đang thành lập một công ty con tại Quảng Tây, Trung Quốc, để mở rộng dịch vụ logistics xuyên biên giới.
Việc giải thể hai chi nhánh của TMT Motors ở Đà Nắng và Hưng Yên diễn ra sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh năm 2024 không mấy khả quan.
Kết quả kinh doanh năm 2024 của Đất Xanh Services ghi nhận tích cực nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của mảng dịch vụ môi giới bất động sản.
Nhà phân phối của BYD tại Australia cho rằng mẫu Sealion 6 cao cấp hơn Toyota RAV4 - sản phẩm dùng công nghệ từ 10-15 năm trước.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trung tâm dữ liệu AI, nhưng để thu hút dòng vốn tỷ đô, quốc gia này cần giải quyết những thách thức về hạ tầng điện, khung pháp lý và hệ sinh thái công nghệ.