Chứng khoán châu Á có khả năng sẽ giảm điểm khi thị trường mở cửa phiên đầu tuần này, trong bối cảnh số liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ khiến các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại về lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Chứng khoán Australia đã giảm hơn 1% và hợp đồng tương lai chứng khoán Hong Kong đi xuống vào sớm ngày 13/1. Thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ phiên đầu tuần, tờ Bloomberg cho hay.
Các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm sau khi chỉ số S&P 500 tụt 1,5% và Nasdaq 100 rớt 1,6% phiên 10/1. Trái phiếu kho bạc Mỹ mất giá, kéo lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 7 điểm cơ bản (bps) lên 4,76%, mức cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.
Lợi suất trái phiếu Australia và New Zealand cũng bật tăng vào sớm ngày 13/1. Đồng USD dao động trong biên độ hẹp sau khi tăng giá so với hầu hết các đồng tiền quan trọng hôm 10/1, kéo một chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh lên mức cao nhất trong hai năm.
Yen là một ngoại lệ đáng chú ý, bởi đồng tiền này đã thu hồi một phần mất mát so với USD sau khi truyền thông đưa tin các quan chức ngân hàng trung ương Nhật Bản nhiều khả năng sẽ thảo luận về việc nâng dự báo lạm phát trong cuộc họp cuối tháng 1.
Hiện tượng chứng khoán bị bán tháo và sự hứng khởi mới dành cho USD phản ánh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư từ những ngày đầu năm.
Trong một diễn biến khác, các nhà đầu tư quyền chọn đang chuẩn bị cho khả năng đồng bảng Anh giảm tới 8% dưới áp lực từ các vấn đề tài khoá. Tuần trước, rắc rối tài khoá đã kích hoạt một đợt bán tháo lớn trên thị trường tài chính Anh.
Tại châu Á, những dữ liệu sẽ được công bố vào ngày 13/1 bao gồm dữ liệu thương mại tháng 12 của Trung Quốc và lạm phát của Ấn Độ. Các số liệu riêng biệt về cung tiền tháng 12 của Trung Quốc cũng có thể được công bố bất cứ lúc nào cho đến ngày 15/1.
Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc sẽ cho các nhà đầu tư thêm hiểu biết về những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt. Cổ phiếu Trung Quốc đã ghi nhận khởi đầu năm mới tồi tệ nhất kể từ năm 2016 với chỉ số CSI 300 sụt hơn 5% trong 7 phiên giao dịch.
Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào dữ liệu lạm phát của Mỹ, đặc biệt là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng dự kiến công bố vào ngày 15/1.
Thị trường cũng sẽ đón chờ báo cáo về kỳ vọng lạm phát của Fed chi nhánh New York vào ngày 13/1, chỉ số giá sản xuất ngày 14/1 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ngày 16/1.
Các dữ liệu đó sẽ giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn nền kinh tế Mỹ sau khi số liệu việc làm tháng 12 vượt xa dự báo. Trong tháng cuối năm 2024, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm nhất trong vòng 9 tháng và tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm, khép lại một năm bền bỉ của thị trường lao động.
Dữ liệu trên củng cố cho quan điểm Mỹ có thể giữ nguyên lãi suất trong tương lai gần. Một số nhà hoạch địch chính sách của Fed cũng đã đề cập đến viễn cảnh này vào tuần trước.
Sau báo cáo việc làm đó, các nhà kinh tế tại một số ngân hàng lớn đã điều chỉnh dự báo về lãi suất của Fed trong năm 2025.
Bank of America từng dự đoán Fed sẽ tung ra hai đợt cắt giảm lãi suất với quy mô tổng cộng 50 bps, nhưng nay hạ đã con số này về 0 và cảnh báo nguy cơ Fed tăng lãi suất trở lại.
Goldman Sachs cũng điều chỉnh dự đoán về số lần giảm lãi suất trong năm 2025 từ ba xuống hai. Citigroup, một trong những ông lớn lạc quan nhất Phố Wall, vẫn kỳ vọng vào 5 đợt cắt giảm lãi suất 25 bps, nhưng lùi thời điểm bắt đầu sang tháng 5.
Bà Gina Bolvin, Giám đốc Bolvin Wealth Management Group, bình luận: “Các nhà đầu tư có thể cần phải chuẩn bị cho khả năng biến động gia tăng khi thị trường hạ thấp kỳ vọng về số đợt cắt giảm lãi suất của Fed”.
Cuộc khủng hoảng bất động sản bắt đầu từ năm 2021 đã tạo ra hàng chục triệu căn hộ trống và gây áp lực lớn lên tình hình tài chính của các chính quyền địa phương Trung Quốc.
Mọi đường đi nước bước của Fed đều nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Sau báo cáo việc làm mạnh mẽ hồi tuần trước, các nhà đầu tư sẽ chuyển trọng tâm chú ý đến một báo cáo lạm phát quan trọng.
Năm 2024, số công ty xây dựng, không bao gồm những công ty đã đóng cửa hoặc hủy đăng ký tại thời điểm tạm dừng giao dịch tài khoản vãng lai, báo cáo phá sản là 29 công ty, cao nhất trong 5 năm.
Theo Global Times, đối mặt với sự không chắc chắn ngày càng tăng của tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu, dự trữ ngoại hối và vàng của Trung Quốc thu hút sự chú ý rộng rãi trên thị trường quốc tế.