Kinh tế Quốc tế 23/09/2022 07:09

Chứng khoán Mỹ tiếp tục xuống dốc khi lợi suất tăng vọt, nguy cơ suy thoái hiện rõ

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 22/9 giảm điểm phiên thứ 3 liên tiếp khi nhà đầu tư lo ngại chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Dow Jones giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,84% và đóng cửa ở 3.758 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 107 điểm, tương đương 0,35%, và kết phiên ở gần 30.077 điểm.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm mạnh nhất khi mất 1,37%, đóng cửa ở gần 11.067 điểm. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là phiên tụt dốc thứ 3 liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ. Tính từ đầu tuần đến hết phiên 22/9, Dow Jones giảm 2,42%, S&P 500 và Nasdaq mất lần lượt 3% và 3,3%.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm ba ngày liên tục.

Thị trường chứng khoán đi xuống sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 21/9 thông báo tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và dự kiến tiếp tục nâng mạnh lãi suất trong hai cuộc họp còn lại của năm 2022.

Các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đi theo bước chân của Fed và nâng lãi suất, cụ thể như Anh, Việt Nam, Arab Saudi, Indonesia, … Chi phí đi vay lên cao có thể sẽ gây tổn hại tới tăng trưởng kinh tế.

CNBC dẫn lời ông Ed Moya, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại công ty môi giới Oanda, nhận định: “Fed đã dọn đường cho phần lớn thế giới đi theo chiến lược tăng lãi suất quyết liệt, và con đường này sẽ dẫn tới suy thoái toàn cầu. Cuộc suy thoái sẽ nghiêm trọng đến đâu phụ thuộc vào diễn biến của lạm phát”.

Các cổ phiếu phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế như nhóm công nghệ và bán dẫn đều giảm sâu trong phiên 21/9. Biểu đồ dưới đây cho thấy cổ phiếu công nghiệp và tiêu dùng không thiết yếu là những nhóm diễn biến tiêu cực nhất chỉ số S&P 500. Cổ phiếu mang tính phòng thủ như nhóm y tế đóng cửa trong sắc xanh.

Đa số nhóm cổ phiếu giảm điểm trong phiên 22/9.

Ông Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư của công ty tư vấn Truist, cho biết nhiều nhà phân tích dự báo nền kinh tế sẽ suy thoái nhẹ sau khi Fed nâng lãi suất để chống lạm phát, tuy nhiên không thể loại trừ khả năng suy thoái sẽ nghiêm trọng hơn.

Ông Lerner khuyến nghị nhà đầu tư nên nhớ rằng thị trường chứng khoán sẽ chỉ tạo đáy khi nền kinh tế đã rơi vào suy thoái.

Ông Julian Emanuel, Giám đốc phân tích của công ty tư vấn Evercore ISI, cho rằng việc Fed sẵn sàng chấp nhận suy thoái để chế ngự lạm phát khiến cho thị trường chứng khoán cần phải chiết khấu sâu hơn.

Evercore ISI hạ mục tiêu cuối năm 2022 của chỉ số S&P 500 từ 4.200 điểm xuống còn 3.975 điểm. Mức mục tiêu mới này vẫn cao hơn 5,8% so với giá đóng cửa ngày 22/9 nhưng thấp hơn 16% so với đầu năm 2022. 

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ vọt lên sau quyết định thắt chặt tiền tệ của Fed và nguy cơ suy thoái gia tăng. Lợi suất kỳ hạn 10 năm đi lên mức 3,71%, cao nhất kể từ tháng 2/2011. Lợi suất kỳ hạn 2 năm đạt 4,12%, kỷ lục kể từ tháng 10/2007.

Lợi suất kỳ hạn ngắn (2 năm) cao hơn kỳ hạn dài (10 năm) cho thấy đường cong lợi suất đảo ngược và nền kinh tế có nguy cơ suy thoái. 

Đức Quyền
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 12/07/2025 07:35
Dow Jones mất gần 300 điểm khi chiến tranh thương mại lại leo thang

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ kết thúc tuần với kết quả tiêu cực khi Tổng thống Trump công bố mức thuế mới lên Canada và đe dọa nâng thuế đối ứng tối thiểu lên 15 - 20%.

Kinh tế Quốc tế 11/07/2025 23:41
Nợ của Hàn Quốc lần đầu tiên vượt mốc 1.200.000 tỷ won

Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết vào ngày 10/7, tổng nợ công tính đến tháng 5 là 1.217.800 tỷ won, tăng 19.900 tỷ won so với tháng 4 và 61.700 tỷ won so với tháng 1.

Kinh tế Quốc tế 11/07/2025 21:37
Bất chấp thuế cao, các công ty Mỹ vẫn khó từ bỏ Trung Quốc

Việc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc không phải là một lựa chọn khả thi với nhiều công ty Mỹ, bất chấp mức thuế nhập khẩu cao.

Kinh tế Quốc tế 11/07/2025 14:07
CEO JPMorgan đi ngược thị trường chung, cảnh báo Fed sẽ tăng lãi suất trở lại

Các nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất, nhưng CEO Jamie Dimon của JPMorgan cảnh báo nhiều khả năng điều ngược lại sẽ xảy ra.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO