Vĩ Mô 09/07/2025 09:50

Chuyên gia: Áp lực lạm phát nửa cuối năm có thể đến từ tỷ giá và tín dụng

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính, dù lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%, song các áp lực từ tỷ giá và tăng trường tín dụng đến lạm phát cần được theo dõi sát sao để có chính sách kiểm soát lạm phát phù hợp.

Hội thảo khoa học với chủ đề "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Tại hội thảo khoa học với chủ đề "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025" sáng 9/7 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình 6 tháng đầu năm đã tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2015-2024 là 2,81%. Lạm phát cơ bản cũng ở mức 3,16%. 

Theo đó, áp lực lạm phát chủ yếu đến từ nhóm dịch vụ y tế và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 5,73%). Đặc biệt từ quý II, trước sức ép từ chính sách thuế quan của Mỹ, tỷ giá USD/VND bình quân đã tăng 3,3% so với cùng kỳ, đồng thời gây áp lực lên giá cả.

Tuy nhiên, theo ông Độ, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới lại có xu hướng giảm, nên về tổng thể, chỉ số giá hàng hóa nhập khẩu đã giảm 1,57 % và giúp giảm áp lực lạm phát. 

"Về tổng thể,  áp lực lạm phát trong 6 tháng đầu năm không quá lớn, mặc dù cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2015-2024", ông Độ nhìn nhận. 

Diễn biến lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm  giai đoạn 2015-2025. (Nguồn: Cục Thống kê, Bộ Tài chính)

Trong nửa cuối năm 2025, ông Độ dự báo áp lực lạm phát cũng sẽ không lớn do các yếu tố tác động khiến giá cả tăng/giảm sẽ đan xen nhau. Với giả định CPI trong 6 tháng cuối sẽ tăng trung bình 0,27%/tháng, tương đương mức tăng trung bình trong 6 tháng cuối năm của giai đoạn 2015-2024, lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo ở mức 3,4%.

Trong trường hợp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn kéo dài và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, giá các hàng hóa cơ bản giảm mạnh, lạm phát trung bình cả năm 2025 có thể chỉ ở mức 3%",

 "Năm 2025 nhiều khả năng sẽ là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4%", ông Độ nêu rõ. 

Áp lực từ tỷ giá và tăng trường tín dụng 

Mặc dù lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%, song ông Độ cũng lưu ý các áp lực từ tỷ giá và tăng trường tín dụng đến lạm phát cần được theo dõi sát sao để có chính sách kiểm soát lạm phát phù hợp. 

Phân tích cụ thể, theo ông Độ, trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá USD/VND đã tăng tương đối mạnh,bất chấp đồng USD có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế. Điều này trái với quy luật thông thường, chẳng hạn như trong 6 tháng cuối năm 2024 chỉ số DXY và tỷ giá USD/VND biến động cùng chiều.

Nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND biến động ngược chiều với chỉ số DXY trong năm 2025 là do chính sách tăng thuế nhập khẩu của Mỹ dẫn đến lo ngại xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực, khiến nguồn cung USD sụt giảm. Ngoài ra, chính sách thuế quan mới của Mỹ được dự báo cũng khiến lạm phát tại nước này giảm chậm, do đó lãi suất tại Mỹ sẽ được duy trì ở mức cao trong một thời gian dài hơn.

Chênh lệch lãi suất giữa USD và VND cao sẽ tiếp tục tạo sức ép lên tỷ giá. Với việc chính sách thuế quan của Mỹ vẫn còn nhiều bất định, đồng thời mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam cao hơn so với trước đây, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ gặp nhiều thách thức trong nửa cuối năm 2025 và gây sức ép lên tỷ giá và lạm phát. 

Trong khi đó, với định hướng tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2025 là 16%, đồng thời Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt 8% năm 2025, nhiều khả năng cung tiền sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa khá nhiều và gây sức ép lên giá cả thời gian tới.

Tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2015-2024  và định hướng năm 2025. (Nguồn: Cục Thống kê, Bộ Tài chính) 

Ở chiều ngược lại, có nhiều yếu tố giúp kiềm chế lạm phát. Trong đó, việc xuất khẩu gặp nhiều thách thức tại thị trường Mỹ (do thuế quan) cũng như tại các thị trường khác (do tăng trưởng kinh tế thấp) sẽ khiến nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào hơn, giúp giảm áp lực lạm phát.  

Cùng với đó, giá các hàng hóa cơ bản đang có xu hướng giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại đáng kể do thuế quan. 

"Những thách thức đối với tăng trưởng của Việt Nam và thế giới cũng sẽ đồng thời là các yếu tố giúp cản đà tăng của giá cả trong nửa cuối năm 2025", ông Độ lưu ý. 

Ngọc Bảo
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 09/07/2025 20:55
Khai thác tối đa dư địa cho tăng trưởng

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, 6 tháng cuối năm, các địa phương cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng, thực hiện đồng bộ, linh hoạt và kịp thời các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế.

Vĩ Mô 09/07/2025 16:32
'Muốn tăng trưởng hai con số, chỉ phát triển theo chiều rộng là điều không thể'

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex, cho rằng muốn tăng trưởng hai con số không thể chỉ tăng trưởng theo chiều rộng. Quy mô xuất khẩu của ngành dệt may của Việt Nam đã đạt hơn 45 tỷ USD, nếu kỳ vọng tăng trưởng 10% mỗi năm đến 2030, con số xuất khẩu cần đạt khoảng 80 tỷ USD. Đây là điều này là bất khả thi nếu chỉ phát triển theo chiều rộng.

Vĩ Mô 09/07/2025 15:42
Phát hiện kho hàng hơn 47.000 sản phẩm nhập lậu tinh vi từ Trung Quốc

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện một kho hàng chứa hơn 47.000 sản phẩm vi phạm, vận hành bằng phần mềm nước ngoài, liên kết với hàng trăm tài khoản TikTok và nguồn hàng từ Trung Quốc.

Vĩ Mô 09/07/2025 15:04
Tỷ giá Sacombank hôm nay 9/7 USD, euro và bảng Anh tăng giảm trái chiều

Khảo sát ngày 9/7, tỷ giá ngân hàng Sacombank hôm nay ghi nhận biến động trái chiều giữa các đồng tiền chủ chốt. Trong đó, tỷ giá USD bán ra tại Sacombank niêm yết ở mức 26.330 VND/USD.