Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hoàn tất chuyển giao ba ngân hàng 0 đồng (CBBank, OceanBank và GPBank) và một ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt (DongA Bank) cho các ngân hàng thương mại có tiềm lực tài chính mạnh hơn trong khuôn khổ kế hoạch tái cơ cấu.
Theo báo cáo "Góc nhìn Xếp hạng Tín nhiệm: Chuyển giao bắt buộc và tác động đối với ngành ngân hàng Việt Nam” mới công bố, các chuyên gia FiinRatings nhận định việc NHNN lựa chọn các ngân hàng nhận sáp nhập để tái cơ cấu bốn ngân hàng yếu kém là một bước đi chiến lược khéo léo và phù hợp, dựa trên sự tương đồng trong mô hình hoạt động cũng như khả năng bổ trợ của ngân hàng nhận chuyển giao với ngân hàng bị chuyển giao.
Theo FiinRatings, sự tương thích này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro gián đoạn đến hoạt động hiện tại của các ngân hàng nhận chuyển giao, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để quá trình tái cơ cấu diễn ra hiệu quả và liền mạch.
Đơn cử, việc chuyển giao OceanBank sang MB được FiinRatings đánh giá là một thương vụ kết hợp có mức độ tương thích cao, nhờ vào sự tương đồng trong cơ cấu sở hữu, cơ sở khách hàng và định hướng phục vụ khách hàng khối doanh nghiệp nhà nước.
Mối liên kết này tạo hiệu ứng cộng hưởng tích cực, qua đó giúp MB dễ dàng tích hợp hoạt động với OceanBank mà không ảnh hưởng đến các mảng kinh doanh cốt lõi.
Đồng thời, năng lực xử lý nợ xấu và kiểm soát rủi ro tập trung đã được chứng minh của MB , đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng, là yếu tố quan trọng giúp ngân hàng có thể xử lý hiệu quả danh mục cho vay rủi ro cao của OceanBank.
Tương tự, thương vụ sáp nhập CBBank - ngân hàng có mức độ phụ thuộc lớn vào nguồn vốn bán buôn và chất lượng tài sản suy giảm nghiêm trọng - vào Vietcombank được xem là bước đi chiến lược.
Với năng lực quản trị rủi ro vượt trội, chất lượng tài sản hàng đầu và vai trò chủ chốt trong việc cung cấp thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng, Vietcombank sở hữu đầy đủ năng lực để tái cấu trúc hoạt động của CBBank.
Nguồn lực vốn dồi dào và nền tảng tài chính vững chắc của Vietcombank sẽ là cơ sở quan trọng để ổn định hoạt động và từng bước tái cấu trúc CBBank mà không làm ảnh hưởng đến vị thế dẫn đầu thị trường của Vietcombank.
Các chuyên gia FiinRatings nhận định việc tiếp nhận bắt buộc các ngân hàng yếu kém sẽ không gây ra ảnh hưởng đáng kể đến hồ sơ tín dụng của các ngân hàng nhận chuyển giao, nhờ vào các cơ chế hỗ trợ linh hoạt và kịp thời từ phía NHNN và bộ đệm vốn khá vững chắc của các ngân hàng nhận chuyển giao.
Dẫn số liệu từ báo cáo, tính đến quý I/2025, hệ thống ngân hàng Việt đã ghi nhận 13 thương vụ sáp nhập và mua lại. Giai đoạn 2011- 2015 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống, khi Chính phủ và NHNN chủ động triển khai biện pháp xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và củng cố sự ổn định tài chính toàn hệ thống.
Ngược lại, giai đoạn 2024-2025 thể hiện rõ xu hướng chuyển giao mang tính bắt buộc, khi NHNN yêu cầu các ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh tiếp nhận các tổ chức tín dụng yếu nhằm bảo đảm an toàn hệ thống. Khác với các thương vụ sáp nhập trước đây, quy trình tái cơ cấu hiện tại được hưởng lợi từ các cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ và linh hoạt hơn từ phía NHNN.
Việc năng lực quản lý được cải thiện đã góp phần hình thành khung hỗ trợ toàn diện và hiệu quả hơn - không chỉ gia tăng tính khả thi của quá trình tái cấu trúc, mà còn giúp giảm thiểu áp lực tài chính và quy định đối với ngân hàng nhận chuyển giao, đồng thời tạo điều kiện để tối ưu hóa vận hành và mang lại lợi thế chiến lược dài hạn.
Ngoài ra, FiinRatings đánh giá tác động từ các thương vụ chuyển giao bắt buộc đến toàn ngành ngân hàng, đặc biệt là đối với các ngân hàng nhận chuyển giao là tương đối hạn chế. Nhận định này chủ yếu được hỗ trợ bởi bộ đệm vốn vững chắc và mức trích lập dự phòng cao của các ngân hàng nhận chuyển giao, đủ để hấp thụ rủi ro liên quan đến nợ xấu của các ngân hàng bị chuyển giao.
Khả năng hấp thụ rủi ro mạnh mẽ cho thấy các ngân hàng nhận chuyển giao có đủ năng lực để xử lý rủi ro tiềm ẩn mà không làm suy giảm đáng kể bộ đệm vốn hoặc hiệu quả tài chính, từ đó giúp hạn chế nguy cơ rủi ro lan rộng trong toàn hệ thống.
(Nguồn: FiinRatings)
FiinRatings nhận định rằng việc triển khai chuyển giao bắt buộc tại thời điểm hiện tại là một bước đi phù hợp và kịp thời, trong bối cảnh thị trường đang đòi hỏi việc xử lý nợ xấu cần hiệu quả và các chỉ đạo của cơ quan quản lý liên quan đến tái cơ cấu, phục hồi các TCTD yếu kém cần được triển khai.
Cơ chế này được kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động tích cực đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhờ vào những cơ hội thuận lợi cho cả bên nhận chuyển giao và bên bị chuyển giao.
Theo FiinRatings, về mặt lợi ích cho các ngân hàng nhận chuyển giao, bao gồm việc mở rộng tiền năng tăng trưởng, nâng cao mức độ ổn định tài chính, giảm áp lực về vốn và thanh khoản, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển dài hạn.
Tuy nhiên, đi kèm với đó là những rủi ro cần được lưu ý, đặc biệt là rủi ro liên quan đến tăng trưởng tín dụng nóng và mức độ rủi ro tập trung cao. Do đó, công tác quản trị rủi ro hiệu quả sẽ đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững sau chuyển giao.
"Trong giai đoạn tới, các ngân hàng bị chuyển giao dự kiến sẽ tiếp tục hưởng lợi từ hàng loạt biện pháp hỗ trợ như tăng vốn, hỗ trợ thanh khoản và tái cơ cấu nợ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu và phục hồi, góp phần củng cố sức khỏe tài chính của các tổ chức này", báo cáo cho hay.
Tuy nhiên, các ngân hàng bị chuyển giao cũng có thể đối mặt với rủi ro tín dụng gia tăng, đặc biệt khi danh mục cho vay tập trung các ngành nghề có mức độ rủi ro cao hoặc các bên có liên quan của ngân hàng nhận chuyển giao.
Bên cạnh đó, sự phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn bán buôn có thể làm suy yếu cấu trúc vốn của ngân hàng. Trong bối cảnh năng lực kiểm soát rủi ro còn hạn chế và giám sát chưa hiệu quả, các điểm yếu trên có thể tiềm ẩn rủi ro hệ thống, tương tự các sự kiện như CBBank năm 2013 hoặc SCB năm 2022.
(Nguồn: FiinRatings)
(Nguồn: FiinRatings)
FiinRatings nhận định, cơ chế chuyển giao bắt buộc sẽ là động lực quan trọng tái định hình trật tự xếp hạng trong hệ thống ngân hàng và gia tăng mức độ phân hóa. Những ngân hàng có nền tảng tài chính vững chắc được kỳ vọng nâng cao vị thế dẫn đầu thị trường nhờ lợi thế về năng lực vốn, hiệu quả hoạt động, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính sách điều hành.
Trong thời gian tới, FiinRatings chỉ ra ba xu hướng tín dụng nổi bật có thể tác động đáng kể đến hệ thống ngân hàng.
Thứ nhất, hoạt động tăng vốn được dự báo sẽ là xu hướng chủ đạo trong giai đoạn 2025-2026, chủ yếu nhằm khắc phục tình trạng âm vốn chủ tại các ngân hàng bị chuyển giao và cung cấp nguồn lực xử lý nợ xấu.
Trong đó, phát hành cổ phiếu để củng cố bộ đệm vốn sẽ là chiến lược trọng tâm, giúp nâng cao nền tảng vốn và thu hút nhà đầu tư đối với các ngân hàng bị chuyển giao. Ngoài ra, các ngân hàng Việt Nam được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh huy động vốn từ bên ngoài, bao gồm phát hành riêng lẻ, chào bán cổ phần và thu hút vốn quốc tế, nhằm củng cố vốn tự có và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.
Thứ hai, xu hướng bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) sẽ gia tăng, nhất là tại các ngân hàng bị chuyển giao – nơi ghi nhận tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống. Đây sẽ là trụ cột giúp giảm áp lực xử lý nội bộ và đảm bảo tiến độ tái cơ cấu.
Thứ ba, áp lực thanh khoản có thể phát sinh từ các khoản phải thu phát sinh do hoạt động bán dư nợ sinh lời cho ngân hàng bị chuyển giao.
Theo báo cáo của VIS Ratings, tính đến ngày 31/3/2025, VPBank đã chuyển nhượng 21.413 tỷ đồng dư nợ sinh lời cho GPBank, trong khi MB chuyển 5.853 tỷ đồng dư nợ cho OceanBank.
Các khoản tín dụng này đang được sử dụng làm tài sản đảm bảo để vay vốn lãi suất 0% từ NHNN, nhưng chưa tạo ra dòng tiền thực. Nếu kéo dài, tình trạng này có thể gây căng thẳng thanh khoản, nhất là khi ngân hàng nhận chuyển giao phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán và tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định.