Nâng cổ tức lên 35%
CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (Mã: VLB) năm 2024 ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận sau thuế 218 tỷ đồng, tăng trưởng 53% và gấp hơn 2 lần kế hoạch.
Với kết quả đạt được, HĐQT thống nhất nâng mức cổ tức của năm 2024 lên 35% mệnh giá (kế hoạch ban đầu là tối thiếu 20%). Đây là tỷ lệ cổ tức chỉ xếp sau mức kỷ lục 36,45% năm 2020, và duy trì chuỗi chia tiền mặt đều đặn từ khi lên UPCoM năm 2016.
Hiện Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 49% vốn; tiếp đến là Công ty TNHH Đầu tư KSB sở hữu gần 22% và CTCP Hóa An giữ hơn 8% cổ phần.
Chỉ tiêu kinh doanh của VLB. Nguồn: Huy Lê tổng hợp.
Sang năm 2025, công ty đề ra mục tiêu kinh doanh thận trọng với doanh thu hơn 982 tỷ đồng và lãi trước thuế 175 tỷ đồng, giảm lần lượt 25% và 36% so với năm trước.
Báo cáo tại đại hội cổ đông ngày 26/6, lãnh đạo VLB cho biết kế hoạch thận trọng được xây dựng từ cuối 2024 dựa trên cơ sở dự báo những khó khăn khách quan có thể làm ảnh hưởng đến sản xuất, cộng với tình hình thực tế về giấy phép và điều kiện khai thác tại các mỏ đá.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ thực tế khá cao. Công ty dự kiến nếu chi phí không tăng đột biến, lợi nhuận trước thuế cả năm khoảng 254 tỷ đồng, tương đương 92% mức thực hiện 2024.
Tính riêng quý II/2025, VLB dự kiến đạt doanh thu bán đá xây dựng 392 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 91 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm đạt kỷ lục 164 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng tương đương với 94% kế hoạch năm, dù mới đi nửa chặng đường.
Ban lãnh đạo trình bày chi tiết sản lượng sản xuất tăng trưởng 22% và tiêu thụ tăng 9% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, mỏ Thiện Tân và Thạnh Phú có mức tiêu thụ tăng mạnh nhất 25%, mỏ Tân Cang tăng 9% và tiêu thụ mỏ Soklu giảm 5%.
Nắm các mỏ đá trữ lượng hơn 85 triệu m3
VLB hiện là một trong những công ty cung cấp đá xây dựng chủ lực cho các dự án hạ tầng trọng điểm phía Nam như sân bay quốc tế Long Thành hay cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu, Vành đai 3...
Phía doanh nghiệp tiết lộ đang quản lý 5 mỏ đá với tổng trữ lượng còn lại khoảng 85,1 triệu m3 đá nguyên khối, đảm bảo ổn định sản xuất lâu dài.
Trong đó, mỏ Thạnh Phú 1 có trữ lượng lớn nhất 35,6 triệu m3 và được cấp phép khai thác đến năm 2042, công suất 1,8 triệu m3/năm. Mỏ Thiện Tân 2 có trữ lượng 22,7 triệu m3, hoạt động đến năm 2038, được phép khai thác 1,5 triệu m3/năm.
Tân Cang 1 là mỏ có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn cung cấp đá cho dự án sân bay Long Thành và cốt liệu bê tông mác cao. Mỏ chủ lực này còn trữ lượng 22,86 triệu m3, hoạt động đến năm 2039, công suất khai thác 1,5 triệu m3/năm.
Hai mỏ còn lại Soklu 2 (trữ lượng 2,3 triệu m3) và Soklu 5 (trữ lượng 1,72 triệu m3), được khai thác đến năm 2031 và 2029, chỉ phục vụ công trình trọng điểm quốc gia hoặc của tỉnh.
Hai mỏ này đã được tỉnh Đồng Nai gia hạn khai thác hết trữ lượng đã cấp phép và công ty chưa có phương án thay thế. Song, công ty đang xin bổ sung quy hoạch tham dò, khai thác mở rộng trên diện tích khoảng 20,1 ha, vẫn đang chờ hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết thêm cả 5 mỏ hiện vẫn còn một số diện tích chưa đền bù. Tuy nhiên, công ty đã được UBND tỉnh chấp thuận cho phép thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên về pháp lý không gặp vướng mắc lớn. Khi các hộ dân đồng ý mức giá đền bù, công ty sẽ trình HĐQT xem xét phê duyệt.
Giảm động lực sau các công trình trọng điểm
Ban lãnh đạo VLB cho nói phải cấp đá xây dựng theo sự phân khai của UBND tỉnh Đồng Nai, chủ yếu vào các công trình trọng điểm quốc gia nên sản lượng cấp đá cho các dự án cao tốc miền Tây rất ít (hiện chỉ cấp đá cho cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ).
"Nhu cầu đá xây dựng hiện tăng cao nhưng do bán vào các công trình trọng điểm quốc gia nên giá bán bình ổn và phân khai của tỉnh Đồng Nai nên không thể tùy tiện tăng giá", đại diện doanh nghiệp nói.
Nhưng theo quy định của Luật Giá 2023, công ty có thể cân nhắc tăng giá bán khi các yếu tố đầu vào làm tăng giá thành, để vừa bù đắp được chi phí và vừa đảm bảo tính chặt chẽ trong việc tuân thủ pháp luật.
Năm 2025, công ty tập trung tối đa công suất cấp phép để phục vụ các dự án trọng điểm theo phân khai của UBND tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, sản lượng cung cấp dự kiến cho sân bay Long Thành là 853.000 m3 và cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 416.000 m3. Sản lượng cho năm 2026 vẫn chưa được xác định.
Sau giai đoạn các dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu hoàn thành thì công ty sẽ cung cấp cho các dự án khác tại khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ, tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận có thể giảm do không còn động lực từ đầu tư công quy mô lớn.
Ngoài các dự án hiện hữu, Nam Long đang triển khai giai đoạn 1 tại hai dự án mới là Paragon và VSIP Hải Phòng, thuộc trong danh mục mở bán trong 6 tháng cuối năm 2025.
Tập đoàn chứng kiến doanh thu nửa năm tăng hơn 7% đạt trên 12.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt mức kỷ lục 1.013 tỷ đồng, gấp 4,6 lần cùng kỳ.
Tính riêng trái phiếu, áp lực đáo hạn thực sự sẽ diễn ra mạnh từ quý III năm nay trở đi, với giá trị hơn 71.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong 6 tháng cuối năm.
Dự kiến cuối năm nay, CT Land sẽ khởi công xây dựng Khu du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp hồ Yên Quang trên diện tích khoảng 264 ha, giáp Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình.