Kinh tế Quốc tế 16/11/2024 20:05

Đà tăng của USD, chứng khoán Mỹ và bitcoin nhờ chiến thắng của ông Trump kéo dài bao lâu?

Theo Bloomberg, để duy trì đà tăng giá của thị trường chứng khoán, các chính sách của ông Trump cần giúp thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên, những chính sách này cũng có thể gây áp lực lạm phát và kéo thị trường đi xuống.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông Donald Trump đã nhanh chóng đẩy giá cổ phiếu Mỹ, đồng bạc xanh và bitcoin lên mức kỷ lục. Chương trình nghị sự của ông Trump, với các chính sách cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng thuế nhập khẩu, bãi bỏ quy định và hỗ trợ tiền mã hóa đã giúp các tài sản trên bứt phá. 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các chính sách của tổng thống Mỹ tiếp theo có thể đẩy lạm phát lên cao, từ đó khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng với tốc độ chậm hơn, gây áp lực lên tài sản rủi ro như cổ phiếu hay bitcoin. 

Vậy “Trump trade” (những giao dịch được hưởng lợi từ chiến thắng của ông Trump) có thể duy trì đến khi nào?

Tại sao chiến thắng của ông Trump giúp cổ phiếu, bitcoin và USD lên giá?

Sau chiến thắng vào năm 2016, đồng USD và chứng khoán Mỹ đã đồng loạt tăng giá, tương tự như những gì diễn ra trong tháng 11 năm nay. Và cũng tương tự như 8 năm trước, nhóm cổ phiếu ngân hàng được hưởng lợi nhiều nhất nhờ kỳ vọng rằng các quy định trở nên nhẹ nhàng hơn. 

Đồng thời, giống năm 2016, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng vọt trước sự lạc quan về mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn, cũng như các chính sách hỗ trợ nền sản xuất trong nước. 

S&P 500 vượt mốc 6.000 điểm sau chiến thắng của ông Trump. 

Nhìn rộng hơn, những diễn biến trên thị trường chứng khoán cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của công ty. Ngoài ra, giống với 8 năm trước, USD cũng tăng vọt trước khả năng chính quyền mới tăng thuế quan với hàng hóa nhập khẩu. 

Khác với năm 2016, trong lần bầu cử này, bitcoin đã tăng vọt bởi trong suốt quá trình tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ có những chính sách mạnh mẽ hỗ trợ ngành công nghiệp này. Nhờ đó, sau khi ông Trump được xác định là người chiến thắng, bitcoin liên tiếp lập những kỷ lục mới. 

Ở chiều ngược lại, một số ngành công nghiệp cũng chịu ảnh hưởng từ chương trình nghị sự của chính quyền mới, chẳng hạn như năng lượng sạch. Ông Trump từ lâu đã chỉ trích những chính sách khí hậu là “trò lừa đảo xanh”. Ngoài ra, cổ phiếu và tiền tệ của châu Âu, Trung Quốc cũng chịu áp lực từ khả năng chính quyền mới áp thuế quan. 

Đến khi nào đà tăng kết thúc?

Theo Bloomberg, trong dài hạn, thị trường thường có xu hướng đi lên dù phe Cộng hòa hay Dân chủ kiểm soát Nhà Trắng. Đồng thời, sự tương quan giữa các tổng thống và thị trường chứng khoán không vững chắc. 

Chẳng hạn, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, chỉ số S&P 500 ghi nhận kết quả tốt hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. 

Vào năm 2016, thị trường chứng khoán hưởng lợi lớn từ các chính sách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng tài chính. Sang đến năm 2020, dưới thời ông Biden, thị trường tiếp tục đi lên nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và cơn sốt AI. 

Vào năm nay, cổ phiếu và lợi suất trái phiếu cũng tăng giá trước nhiều tháng khi thị trường dự báo ông Trump sẽ chiến thắng. Nguyên nhân của đợt tăng giá này đến từ khả năng Fed hạ lãi suất, cơn sốt AI và sức bền của nền kinh tế Mỹ. Do đó trong dài hạn, khó có thể khẳng định nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ giúp chứng khoán tiếp tục mạnh lên. 

Còn với câu hỏi đến khi nào đợt tăng giá nhờ chiến thắng của ông Trump kết thúc, Bloomberg cho rằng khó có thể trả lời. Động lực từ cuộc bầu cử năm 2016 bắt đầu thoái trào sau khoảng vài tháng. Đến cuộc bầu cử năm 2020, một loạt những tài sản hưởng lợi từ Trump trade đã đi ngang, hoặc đảo chiều giảm do ảnh hưởng từ đại dịch COVID.

 

Nền kinh tế và thị trường chứng khoán hiện đang ở trạng thái trưởng thành hơn nhiều so với 8 năm trước. S&P 500 đang được giao dịch ở mức giá trên thu nhập (P/E) là 26 lần, cao hơn 35% so với năm 2016. 

Do đó, dư địa để chứng khoán đi lên nhờ định giá thấp không còn nhiều, trừ khi lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Các chính sách mới của ông Trump sẽ cần mang lại hiệu quả lớn để có thể hỗ trợ cho mức định giá cao của thị trường. 

Ngoài ra, các chính sách cắt giảm thuế trong khi không hạ chi tiêu chính phủ có nguy cơ khiến lạm phát nóng trở lại, buộc Fed điều chỉnh kế hoạch giảm lãi suất. Những diễn biến gần đây của lợi suất trái phiếu phản ánh những lo ngại trên, Bloomberg nhận định. 

Trong những ngày gần đây, thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu mất đà trong bối cảnh hàng loạt quan chức Fed cảnh báo khả năng hạ lãi suất chậm hơn do nền kinh tế vẫn vững mạnh và nguy cơ lạm phát trở lại. 

Minh Quang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 16/11/2024 20:57
Có nguy cơ Fed không giảm lãi suất vào tháng 12

Loạt dữ liệu kinh tế và lạm phát mạnh mẽ trong tuần qua đang khiến các nhà đầu tư phải thay đổi nhận định về tốc độ và mức độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Kinh tế Quốc tế 16/11/2024 19:33
Tương lai năng lượng châu Âu sau khi Nga 'đóng van' khí đốt

Ngày 15/11, Nga thông báo với Áo về việc nước này sẽ dừng cung cấp khí đốt qua Ukraine, đánh dấu bước tiến gần hơn tới việc chấm dứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Moskva sang châu Âu.

Kinh tế Quốc tế 16/11/2024 10:55
Người Mỹ vẫn chịu được gánh nặng nợ ngày một phình to

Chi nhánh của Fed tại New York vừa công bố báo cáo hàng quý mới nhất về nợ và tín dụng của hộ gia đình cho thấy mức nợ trong quý III/2024 đã tăng 0,8% so với quý trước đó lên 17.940 tỷ USD.

Kinh tế Quốc tế 16/11/2024 07:55
Lời đe doạ thuế quan của ông Trump có lỗ hổng

Chính quyền tổng thống Mỹ tương lai chưa chắc có đủ ưu thế khi áp thuế quan và khơi mào thương chiến với các nước khác.