Vĩ Mô 15/07/2025 19:25

Data Talk | Macro Insight: Kinh tế nửa đầu năm 2025 và câu hỏi tiền đang đi về đâu?

GDP quý II tăng gần 8%, tín dụng mở rộng gần 10% – bức tranh vĩ mô tưởng như khởi sắc, nhưng thị trường lại phản ánh một cảm nhận khác. Dòng tiền dường như chưa thẩm thấu vào khu vực sản xuất – kinh doanh như kỳ vọng, đặt ra câu hỏi lớn về độ “thực chất” của tăng trưởng. Điều gì đang khiến tăng trưởng thiếu sức lan tỏa?

Data Talk | Macro Insight là series các nội dung cập nhật những diễn biến quan trọng của kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong nước và quốc tế. Mang đến những góc nhìn sắc bén với dữ liệu khách quan và được dẫn dắt bởi những chuyên gia hàng đầu trong ngành. Chương trình do WiGroup – đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực Dữ liệu Kinh tế - Tài chính cùng VietnamBiz đồng sản xuất phát sóng định kỳ trên kênh Youtube VIF.

GDP quý II/2025 tăng 7,96% – mức cao nhất trong nhiều năm, sản xuất và đầu tư cùng khởi sắc. Nhưng phía sau những con số đẹp là loạt dấu hiệu cần thận trọng: tiêu dùng chững lại, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, dòng vốn tư nhân và FDI đăng ký vẫn yếu. Trong khi đó, bất ổn thuế quan tiếp tục tạo sức ép lên triển vọng tăng trưởng. Trong số Data Talk | Macro Insight tháng này, các chuyên gia sẽ phân tích toàn cảnh kinh tế 6 tháng đầu năm, giải mã độ lệch giữa số liệu và thực tế thị trường, và đưa ra những kịch bản đáng chú ý cho dòng tiền, tín dụng và chiến lược đầu tư nửa cuối 2025.

Nội dung chương trình:

  • Điểm nhấn kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2025.
  • Lý giải sự lệch pha của dòng tiền.
  • Kịch bản chính sách nửa cuối năm nếu Việt Nam đạt được thỏa thuận thuế quan với Mỹ.
  • Tác động của xu hướng giảm giá USD và rủi ro tỷ giá đến kinh tế Việt Nam.
  • Chiến lược đầu tư và các biến số cần theo dõi.

Đồng hành cùng chương trình Data Talk | Macro Insight là bà Nguyễn Vân Anh - BTV Vietnambiz (host của chương trình), cùng hai diễn giả:

  • Ông Trần Ngọc Báu – CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup. Với nhiều năm nghiên cứu và phân tích dữ liệu kinh tế, ông có kinh nghiệm sâu rộng trong việc đánh giá xu hướng vĩ mô, chính sách tiền tệ và thị trường tài chính.

  • Ông Nguyễn Hoàng Linh – Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank VCBF. Gần 15 năm kinh nghiệm tại một trong những quỹ đầu tư có hiệu suất vượt trội trong nhiều năm qua, ông Linh sẽ mang đến góc nhìn thực tiễn về bối cảnh vĩ mô và gợi ý các chiến lược đầu tư.

Thời gian phát sóng: 19:30, Thứ Ba ngày 15/07/2025.

Phát sóng trực tuyến tại:

1. VietnamBiz (https://vietnambiz.vn/)

2. Fanpage Tin Kinh tế hàng ngày (http://facebook.com/TintucVietnamBiz)

3. Youtube: VIF (VietnamInvestmentForum)

4. Fanpage WiGroup (https://www.facebook.com/Wigroup.vn)

Đừng bỏ lỡ cơ hội cập nhật dữ liệu vĩ mô và góc nhìn chiến lược từ các chuyên gia trong số Data Talk | Macro Insight tháng này để đi trước thị trường trong giai đoạn nhiều biến số phía trước.

Kinh tế có nhiều điểm sáng

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank VCBF. (Ảnh: H.A).

Mở đầu chương trình, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank VCBF đã điểm qua những nét chính trong bức tranh kinh tế vĩ mô quý II và nửa đầu năm 2025 của Việt Nam.

Ông cho biết, trong quý II/2025, nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 7,96%, là mức tăng trưởng quý cao nhất trong vòng nhiều năm qua nếu không tính năm 2022 (năm 2022 kinh tế tăng trưởng mạnh chủ yếu do mốc so sánh rất thấp của năm 2021, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19). Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2025 được đặt trên nền so sánh cao là 7,9% của quý II/2024.

Nhìn vào ba ngành quan trọng là sản xuất, xây dựng và dịch vụ có thể thấy cả ba ngành này đều có tốc độ tăng trưởng bằng hoặc cao hơn mức trung bình trước dịch COVID-19. Cụ thể, ngành sản xuất trong quý II/2025 tăng trưởng 10,7%, là mức cao nhất trong ba quý trở lại đây. Trong quý này, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất đã chạy đua hoàn thiện đơn hàng để kịp chuyển đi trước thời hạn áp thuế cao từ phía Mỹ.

Ngành xây dựng tăng trưởng 9,8%, là mức cao nhất kể từ quý IV/2019, nếu không tính năm 2022. Động lực tăng trưởng đến từ thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ và đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh rất rõ rệt trong quý II/2025 vừa qua.

Ngành dịch vụ tăng trưởng 8,5%, cũng là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Một trong những điểm sáng nổi bật nhất của nền kinh tế trong quý II/2025 là đầu tư. Đặc biệt, giá trị đầu tư từ tất cả các khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân và khối FDI đều tăng tốc so với quý I.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế nhà nước có mức giải ngân vốn đầu tư công trong quý II/2025 tăng rất mạnh so với quý I/2025. Trước đó, chúng tôi khá lo lắng khi trong quý I/2025, giá trị giải ngân vốn đầu tư công giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sau quý II, đầu tư công đã lấy lại đà và tăng mạnh. So với quý I/2025, giá trị giải ngân vốn kế hoạch năm 2025 đã tăng hơn 2,3 lần và tăng tới hơn 74% so với cùng kỳ 2024. Lũy kế 6 tháng, vốn giải ngân đầu tư công tăng hơn 42% và hoàn thành 32,5% kế hoạch theo Thủ tướng giao, cao hơn mức 28,2% của cùng kỳ 2024.

Một điểm tích cực nữa của đầu tư là khu vực FDI. "Từ khi Tổng thống Trump công bố chính sách thuế quan đối ứng, chúng tôi khá lo lắng về tình hình FDI trong thời gian tới", ông Linh nói và cho biết, tuy nhiên, sang tháng 5, 6, khi căng thẳng thương mại hạ nhiệt và xuất hiện tín hiệu tích cực trong đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ thì vốn FDI thực hiện trong hai tháng này đã tăng tốc.

Tháng 6 ghi nhận mức vốn FDI thực hiện cao nhất từ đầu năm đến nay. Đây là một tín hiệu tích cực, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Mặc dù vậy, ông Linh cũng chỉ ra một số điểm cần lưu ý. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng mới chỉ đạt khoảng 27% GDP, thấp hơn mục tiêu 33,5% của Chính phủ. Nguyên nhân chính là do tốc độ tăng đầu tư trong 6 tháng của khu vực dân cư và tư nhân chỉ đạt khoảng 7,5%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 15 – 16% của giai đoạn trước dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, về FDI, mặc dù vốn thực hiện tốt nhưng vốn đăng ký vào ngành sản xuất lại suy giảm mạnh trong quý II/2025, chỉ bằng 68% so với quý I/2025 và giảm gần 35% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là một trong những dấu hiệu cần lưu ý.

Về FDI, mặc dù vốn thực hiện tốt nhưng vốn đăng ký FDI vào ngành sản xuất lại suy giảm mạnh trong quý II – chỉ bằng 68% so với quý I và giảm gần 35% so với cùng kỳ 2024.

Tăng trưởng tín dụng bùng nổ do đâu?

Ông Trần Ngọc Báu,CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup. (Ảnh: H.A).

Ông Trần Ngọc Báu,CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup thì phân tích, trong nửa đầu năm, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng đều “bùng nổ”. Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn như tại sao kinh tế tăng trưởng tốt nhưng tiêu dùng của người dân không tăng lên hay tín dụng tăng trưởng tương đối mạnh nhưng các doanh nghiệp đi vay vẫn không dễ. 

Nếu nhìn sâu vào cấu phần tăng trưởng kinh tế, ta có thể thấy rằng trong 4 quý vừa qua, đặc biệt là quý gần nhất, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực công nghiệp FDI và khu vực công (chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên).

Trong đó, chi thường xuyên tập trung vào hoạt động hành chính, giáo dục, tổ chức chính trị… như tăng lương, tái cấu trúc bộ máy chính trị, hỗ trợ ngành nghề, cũng tác động tích cực đến tăng trưởng. Điều đó cũng góp phần khiến chi thường xuyên, tác động trực tiếp đến nền kinh tế, gia tăng đáng kể.

"Chúng ta đang chứng kiến mức tăng kỷ lục, chưa từng thấy sự tăng trưởng nào của khu vực hành chính lại cao đến vậy. Rõ ràng tăng trưởng kinh tế đã được hỗ trợ rất nhiều bởi khu vực công trong quý II vừa qua", ông Báu nói.

Một yếu tố khác cũng góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là việc thời gian vừa qua chúng ta đã tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, giải trí – đặc biệt là trong dịp lễ 30/4 và 1/5, cùng với hệ thống đường cao tốc mới được đưa vào vận hành trong giai đoạn này cũng đã kích hoạt đáng kể các hoạt động vui chơi, giải trí và dịch vụ ăn uống, góp phần thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phục hồi này vẫn còn mang tính phân mảnh.

Cơ bản thì nền kinh tế đang có những tín hiệu tích cực thực sự nhưng các tín hiệu này vẫn chủ yếu đến từ khu vực FDI và khu vực công, trong khi các khu vực khác nhìn chung vẫn tăng trưởng chậm và thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Một điểm đáng chú ý nữa là tăng trưởng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi trở lại, thay vì duy trì mức âm như cách đây khoảng 2 – 3 năm. Mặc dù mức tăng trưởng hiện tại là 4,5%, vẫn còn thấp so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhưng đã có sự phục hồi. Rõ ràng sự phục hồi của khu vực xây dựng, bất động sản, khu vực xây dựng khu vực công và xây dựng dân dụng đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế trong quý II vừa qua. 

Tựu chung lại, trong bức tranh tổng thể, tăng trưởng kinh tế vẫn tích cực, nhưng được dẫn dắt bởi những khu vực nằm trong sự điều phối của khu vực FDI và khu vực công.

Trong khi đó, phần còn lại của nền kinh tế, bao gồm hộ gia đình và khu vực tư nhân, sự tích cực vẫn chưa diễn ra. Đây cũng là lý do vì sao nhiều người dân chưa thực sự cảm nhận được mối liên hệ giữa các số liệu tăng trưởng kinh kết nối tốt với tăng trưởng thu nhập của mình.

Có thể thấy trong vòng từ đầu năm 2024 đến nay, tốc độ tăng trưởng của tín dụng đổ vào khu vực sản xuất gần như đứng yên và tăng trưởng chậm lại trong 1 năm qua. Tốc độ tăng trưởng của tín dụng đổ vào khu vực sản xuất gần như là đang chững lại trong khi tăng trưởng  tín dụng vào khu vực thương mại, vận tải và viễn thông đi ngang trong khoảng 18 - 19%. 

Tín dụng đẩy vào khu vực khác, chủ yếu là tiêu dùng và bất động sản, tăng trưởng rất mạnh, chạm mốc kỷ lục trong nhiều năm qua. Có thể thấy tiêu dùng trong bối cảnh hiện tại đang khó khăn, suy ra tín dụng tiêu dùng không thể tăng trưởng mạnh và thậm chí có thể tăng trưởng rất yếu nhưng dòng chảy tín dụng chung vẫn tăng rất mạnh, chứng tỏ đến từ tín dụng bất động sản. 

Như vậy, tín dụng tăng trưởng mạnh trong gần hai năm vừa qua, đặc biệt trong 6 tháng vừa qua, gần như toàn bộ đều được dẫn dắt bởi khu vực bất động sản và xây dựng. Những khu vực công nghiệp và những khu vực khác nhìn chung tăng trưởng khá chậm. Thậm chí khu vực công nghiệp đã giữ tốc độ tăng trưởng chậm trong vòng cả năm vừa qua. Đó là điều chúng ta cần nhìn nhận về sự lệch pha giữa dòng tín dụng đang chảy vào các kênh.

Còn những khu vực công nghiệp và những khu vực khác nhìn chung khá là chậm, thậm chí khu vực công nghiệp tốc độ tăng trưởng đã chậm trong vòng cả năm vừa qua. Rõ ràng những lo ngại về việc tín dụng chảy vào bất động sản trong 6 tháng và 1 năm vừa qua sẽ gây ra rủi ro về giá bất động sản và rủi ro về hệ thống ngân hàng trong tương lai. Đó là những lo ngại của thị trường, còn những nhà làm chính sách hoặc những nhà quản lý đôi khi lại có chiến lược khác.

Về bản chất của tín dụng, có thể thấy cấu trúc nguồn vốn vay nợ của các công ty bất động sản tổng hợp trên sàn chứng khoán Việt Nam ngày trước 60% đến từ huy động trái phiếu nhưng hiện giờ chỉ còn chiếm khoảng 30 - 40%.

Xét về giá trị tuyệt đối, tổng giá trị trái phiếu lưu hành của ngành bất động sản đã giảm từ khoảng gần 600.000 tỷ xuống còn khoảng hơn 100.000 tỷ. Vậy thì khi họ giảm bớt vay trái phiếu đồng nghĩa với việc họ phải vay ngân hàng để đảo lại phần đó.

Trong thời gian tới, xu hướng này sẽ có tiếp tục diễn ra vì khi nhìn vào biểu đồ về đáo hạn trái phiếu bất động sản trong giai đoạn tới, có thể thấy rằng mỗi quý sẽ có áp lực khoảng chừng 40.000 - 50.000 tỷ đồng, tầm 35.000 - 40.000 tỷ đồng tiếp tục đáo hạn mỗi quý trong vòng hai năm tới. Do đó tín dụng sẽ tự động chảy vào bất động sản vì nhu cầu này là hiện hữu nhất trong nền kinh tế.

Kích cung - cầu để thúc đẩy tăng trưởng

Data Talk | Macro Insight: Kinh tế nửa đầu năm 2025 và câu hỏi tiền đang đi về đâu? (Ảnh: H.A).

Dự báo về các yếu tố liên quan đến lạm phát và tỷ giá nửa cuối năm, ông Trần Ngọc Báu cho biết, với mô hình hiện tại, muốn tăng trưởng GDP, phải thực hiện hai yếu tố: Kích cung và kích cầu.

Về phía cung, có một số khu vực như: Bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi và sản xuất có thể kích thích được. Còn về phía cầu, có ba nguồn cầu từ hộ gia đình, cầu từ chính phủ và cầu từ nước ngoài. 

Với cầu tiêu dùng nước ngoài, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều thị trường Mỹ nhưng thị trường này đang có vấn đề thuế quan rất khó đoán định. Cầu từ khu vực chính phủ thì đang cố gắng thúc đẩy còn cầu của hộ gia đình xu hướng co hẹp chi tiêu.

Như vậy, trong ba nguồn cầu thì nước ngoài rủi ro, chính phủ có giới hạn, còn hộ gia đình thì đang thu hẹp. Do đó, sản xuất hiện nay không phải là khu vực mà chúng ta có thể nhanh chóng và quy mô lớn kích thích được.

Do đó, bắt buộc phải kích sang khu vực cung thứ hai là bất động sản và giá tài sản nhằm kích hoạt chi tiêu của hộ gia đình. Bởi vì hiện nay, nhiều hộ gia đình đang nắm giữ tài sản dưới dạng tiền gửi, cổ phiếu, bất động sản – đặc biệt là nhóm siêu giàu Việt Nam đang cầm bất động sản.

Trong 4–5 năm vừa qua, giá tài sản sụt giảm. Cho nên, nếu chúng ta kích hoạt được thị trường bất động sản và giá tài sản tài chính tăng trở lại thì chi tiêu của hộ gia đình cũng sẽ phục hồi.

Nói cách khác, trong ngắn hạn, gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy chính sách vào bất động sản và tài sản tài chính.

Tuy nhiên, nếu trong 2–3 năm tới mà chúng ta không chuyển dịch được từ bất động sản và tài sản tài chính sang khu vực sản xuất và tiêu dùng hộ gia đình, thì kịch bản như năm 2022 rất dễ lặp lại: Tín dụng tăng mạnh vào cuối 2021, đầu 2022 rồi sau đó sụp đổ.

"Nếu để trôi qua 2–3 năm nữa mà không dịch chuyển được, thì cái 'bẫy tăng trưởng' cũ sẽ quay lại, và Việt Nam rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng", ông Báu nói.

Phân tích thêm về các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết hiện nay, các chính sách của Việt Nam tập trung hỗ trợ về phía cung, đặc biệt là trong việc cải thiện hạ tầng giao thông cũng như tăng nguồn cung bất động sản.

Về mặt chính sách, rõ ràng những điều này đều rất đúng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng nếu nhìn về phía cầu, thì cung đưa ra phải có cầu tương ứng để hấp thụ.

Cầu trong nền kinh tế phải đến từ thu nhập của người dân trong dài hạn, thì mới tạo ra tăng trưởng bền vững. Mà thu nhập của người dân lại phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp có kinh doanh tốt hay không, có mở rộng sản xuất kinh doanh và dịch vụ hay không – từ đó mới tuyển dụng nhiều hơn.

Còn đối với người lao động, thì cần đặt câu hỏi: Kỹ năng và tay nghề có được nâng cấp hay không? Họ có công việc không chỉ ổn định mà còn có thu nhập cao hơn không? Những điều đó mới tạo ra được tăng trưởng dài hạn.

Áp lực lạm phát và tỷ giá nửa cuối năm

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, mặc dù chỉ số lạm phát theo giá tiêu dùng hiện đang ở mức thấp so với kế hoạch của Chính phủ, nhưng lạm phát tài sản lại có dấu hiệu tăng nhanh trong thời gian qua – đặc biệt là giá bất động sản nhà ở.

Điều này dẫn đến hệ quả là mặc dù nhu cầu nhà ở còn nhiều, nhưng rất nhiều người dân lại không mua được nhà. Thậm chí, khi giá bất động sản tăng thì tiền thuê nhà cũng tăng theo, kéo theo chi phí sinh hoạt tăng lên – gây áp lực lớn lên đời sống người dân.

Về lạm phát, có nhiều ý kiến cho rằng nếu tỷ giá chịu áp lực quá lớn thì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát Việt Nam – điều này là có. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cách tính chỉ số lạm phát giá tiêu dùng của Việt Nam thì phần lớn hàng hóa nhập khẩu chỉ ảnh hưởng nhiều đến nhóm chi phí xăng dầu.

Giai đoạn vừa qua, giá xăng dầu vẫn duy trì ở mức thấp do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, trong khi nguồn cung xăng dầu may mắn chưa bị gián đoạn. Do đó, đến thời điểm hiện tại, tác động lan tỏa từ tỷ giá sang lạm phát vẫn chưa nhiều.

Đặc biệt, trong rổ tính CPI – chỉ số giá tiêu dùng – của Việt Nam, hơn 1/3 đến từ nhóm lương thực, thực phẩm. Trước đây, nhiều người hay nói vui: "Muốn biết lạm phát Việt Nam thế nào thì nhìn giá thịt heo." Giá thịt heo từng có thời điểm tăng nhanh do dịch bệnh, nhưng hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát và giá heo đã giảm trở lại.

Trong năm 2024, giá gạo cũng tăng nhanh do Ấn Độ cấm xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước. Nhưng hiện tại, Ấn Độ đã gỡ bỏ lệnh cấm, dẫn đến giá gạo trong những tháng gần đây đã giảm nhiều. Do đó, chỉ số giá lương thực – thực phẩm (cấu phần lớn nhất trong CPI) hiện nay không còn là vấn đề lớn. Nếu loại trừ nhóm lương thực – thực phẩm, thì lạm phát 6 tháng đầu năm của Việt Nam đến chủ yếu từ việc điều chỉnh chỉ số giá dịch vụ y tế và một phần từ giá nhà ở.

Về giá dịch vụ y tế, đây là yếu tố mà chính phủ có thể kiểm soát hoàn toàn, và các đợt điều chỉnh cũng theo lộ trình. Điều đó đồng nghĩa rằng, nếu lạm phát trong tương lai gặp áp lực, thì chính phủ hoàn toàn có thể điều tiết bằng cách kiểm soát các nhóm giá dịch vụ như y tế, học phí hay cả giá điện.Trong 6 tháng đầu năm, giá điện cũng đã tăng 4,5–4,8% trong tháng 5.

Tựu trung lại, về mặt số liệu thống kê, lạm phát hiện chưa phải là mối lo lớn.Tuy nhiên, thực tế chi tiêu của người dân thì rất nhiều chi phí – đặc biệt là chi phí liên quan đến nhà ở – đã tăng mạnh.

Điều này phản ánh đúng thực tế hơn, và nếu nhìn vào con số tăng trưởng của ngành bán lẻ thì cũng cho thấy rằng lạm phát thực tế đã tăng cao hơn so với con số thống kê chính thức – và chắc chắn sẽ có tác động tới bức tranh vĩ mô tổng thể của Việt Nan.

Với tỷ giá, ông Trần Ngọc Báu phân tích, từ đầu năm đến giờ là tỷ giá liên tục trượt xuống. Trong bối cảnh mất giá của đồng Việt Nam so với đồng USD, khả năng cao xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra – như chúng ta đã chia sẻ trong những lần trước – bởi vì áp lực vẫn còn.

Hiện tại, chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là ở lãi suất huy động và tín dụng, vẫn đang ở mức cao. Điều này khiến dòng vốn từ thị trường trong nước chảy ra nước ngoài còn tương đối nhiều. Ngay cả cán cân tổng thể được công bố trong quý I vừa rồi cũng cho thấy áp lực rút vốn nước ngoài vẫn còn hiện hữu rất rõ.

Hiện tại, chúng ta mới chỉ xóa bỏ được khoản swap âm trên thị trường liên ngân hàng còn hai thị trường quan trọng là thị trường huy động và tín dụng thì vẫn chưa xử lý được một cách hiệu quả, do đó áp lực lên tín dụng vẫn còn.

Ngoài ra, còn có áp lực trả nợ. Khi tỷ giá tăng mạnh, lãi suất cao thì người ta sẽ có xu hướng vay vốn trong nước, hoặc huy động vốn nội địa, thay vì vay từ nước ngoài. Chính phủ lẫn khu vực tư nhân hiện đều đang có xu hướng trả nợ nước ngoài khá mạnh.

Với bối cảnh tỷ giá như hiện tại, việc tập trung trả nợ nước ngoài và hạn chế vay mới sẽ trở thành xu hướng tất yếu. Nhu cầu vốn để trả nợ ròng, cộng với nhu cầu chuyển vốn ra nước ngoài thông qua tín dụng và huy động, sẽ tiếp tục diễn ra và gây thêm áp lực lên tỷ giá.

Vừa rồi, xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhưng nhập khẩu cũng tăng trưởng mạnh. Do đó, thặng dư thương mại nhìn chung không đủ để bù đắp áp lực rút vốn. Khác biệt năm nay so với những năm trước là: Những năm trước tỷ giá thường tăng mạnh trong một vài kỳ rồi sau đó ổn định. Nhưng năm nay, tỷ giá có xu hướng trượt đều cả năm – tức là trượt tăng liên tục.

Cho nên từ giờ đến cuối năm, tỷ giá vẫn sẽ chịu áp lực và có khả năng tăng tiếp. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh bơm tiền, thậm chí bỏ trần tăng trưởng tín dụng để tạo không gian nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế, thì áp lực lên tỷ giá sẽ còn tiếp diễn.

Anh My - Minh Nguyệt
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 15/07/2025 21:27
Khu vực sẽ cấm xe máy chạy xăng dầu từ 1/7/2026

Thủ tướng yêu cầu từ 1/7/2026 Hà Nội cấm xe máy chạy xăng dầu trong vành đai 1; từ 2028 mở rộng ra vành đai 2, hạn chế ôtô cá nhân sử dụng xăng dầu; từ 2030 mở rộng ra vành đai 3.

Vĩ Mô 15/07/2025 20:43
Nghiên cứu xã hội hóa để thực hiện dự án mở rộng Cảng hàng không Pleiku có tổng vốn đầu tư 2.114 tỷ đồng

Theo Bộ Xây dựng, về việc cải tạo khu bay, trường hợp tỉnh Gia Lai có nhu cầu triển khai sớm, UBND tỉnh nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư trước. Riêng đối với khu hàng không dân dụng, nếu ACV chưa thể cân đối nguồn vốn, Gia Lai có thể đề xuất nguồn lực xã hội hóa.

Vĩ Mô 15/07/2025 20:40
Đà Nẵng sẽ xây dựng thêm 7 bến thủy nội địa dọc sông Hàn

Tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 9.881 tỷ đồng, đã bao gồm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng hơn 117 tỷ đồng; trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là hơn 1.482 tỷ đồng; vốn huy động là hơn 8.399 tỷ đồng.

Vĩ Mô 15/07/2025 19:55
Cấm xe máy chạy xăng trên Vành đai 1 Hà Nội: Không chỉ giải bài toán môi trường

Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp, biện pháp để không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO