Vĩ Mô 15/10/2024 14:40

Data Talk tháng 10: 'Xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa năm nay tăng trưởng tốt hơn cả FDI'

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng tới 73% trong xuất khẩu nhưng đáng mừng là năm nay, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nước lại cao hơn hẳn FDI, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Với chủ đề "Phục hồi kinh tế & Xu hướng dòng vốn đảo nghịch", Toạ đàm trực tuyến Data Talk tháng 10 do VietnamBiz tổ chức chiều 15/10 đã đưa ra những nhận định sâu sắc về bối cảnh vĩ mô - tiền tệ tác động đến môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Toạ đàm có sự tham gia của hai diễn giả là Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright và ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup và điều phối chương trình là bà Nguyễn Thị Yến Nhi, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng Khoán Thành Công (TCSC).

Toạ đàm trực tuyến Data Talk tháng 10: Phục hồi kinh tế & Xu hướng dòng vốn đảo nghịch. (Ảnh: BTC).

Tại toạ đàm, các chuyên gia đã cập nhật và phân tích các thông tin mới nhất về kinh tế Việt Nam; tốc độ phục hồi, tăng trưởng các nhóm ngành; chính sách tiền tệ và tín dụng các tháng cuối năm.

Đồng thời, hai chuyên gia cũng đưa ra những phân tích, dự báo về xu hướng dòng vốn đảo nghịch tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á; Dự đoán xu hướng dòng vốn chảy vào Việt Nam và những yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn quốc tế. 

Với nội dung dòng tiền vào các lớp tài sản năm 2025, các chuyên gia đã bình luận về những yếu tố quan trọng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và các lớp tài sản đầu tư năm 2025 mà nhà đầu tư cần quan tâm? 

Đây cũng chương trình khởi động cho Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM Center, TP HCM. Diễn đàn sẽ mang đến cái nhìn chiến lược về cơ hội kinh doanh và đầu tư trong 1 - 3 năm tới, nơi mà mỗi năm một lần, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia sẽ có cơ hội gặp gỡ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính đầu tư và quản lý tài sản.

Nền kinh tế phục hồi tích cực

Ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup. (Ảnh: BTC).

Mở đầu toạ đàm, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup đã bình luận về các chỉ số vĩ mô trong 9 tháng đầu năm 2024. Ông cho rằng, nền kinh tế phục hồi tích cực nhưng chủ yếu từ khu vực xuất khẩu và FDI chứ sức khoẻ nền kinh tế trong nước còn yếu. Lạm phát đạt mục tiêu Chính phủ đề ra, đầu tư FDI dẫn dắt, đầu tư công còn chậm và đầu tư tư nhân yếu.

Với chính sách tiền tệ, chúng ta đang bước vào giai đoạn nới lỏng dần nhưng tốc độ nới lỏng còn chậm. Tuy nhiên, đây đã là tín hiệu tích cực sau giai đoạn thắt chặt.

"Tổng thể nền kinh tế đã đạt được mục tiêu và mọi thứ đang tốt đẹp trở lại nhưng chủ yếu nhờ ngoại lực và đây là biến số mà chúng ta cần chú ý trong vòng nửa năm đến một năm tới", ông Báu nói.

Đánh giá kỹ hơn về sức khỏe kinh tế, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup cho biết, GDP quý III gây bất ngờ cho nhiều tổ chức khi dường như không bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào phân tích các cấu phần của nền kinh tế thì con số này không quá xa rời thực tế.

Nguyên nhân là nông nghiệp bị ảnh hưởng trực diện từ bão Yagi, chỉ tăng trưởng 2,58%, là mức thấp. Bất ngờ đến từ khu vực công nghiệp vẫn tăng trưởng, dịch vụ tăng tương dương với quý III. Ngoài ra, thuế sản phẩm cũng có dấu hiệu tích cực hơn.

Ông Báu nhận định số liệu từ Tổng cục Thống kê chưa bị ảnh hưởng bởi bão Yagi nhiều. Mức tăng trưởng sản lượng công nghiệp 10,8% chủ yếu dẫn dắt bởi FDI. Trong khi đó, con số kỳ vọng về sản xuất là PMI thì giảm mạnh, xuống 47,3 điểm, cho thấy ngành sản xuất tại Việt Nam có dấu hiệu suy giảm.

Chuyên gia dự kiến tác động của bão Yagi được ghi nhận vào quý IV nhiều hơn quý III. Ngoài ra, ông cho biết sản xuất vẫn chủ yếu phục vụ lĩnh vực xuất khẩu, trong khi tiêu dùng trong nước vẫn còn yếu. Trước COVID-19, lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng 12 - 14% nhưng hiện chỉ ở mức 7,63%.

“Mọi thứ khá là tích cực so với mục tiêu Chính phủ đề ra, nhưng đến từ bên ngoài chứ không phải nội lực bên trong. Nội lực bên trong vẫn khá là yếu”, ông Báu nói.

Về câu chuyện lạm phát, CEO WiGroup đánh giá CPI hưởng lợi do giá xăng và học phí tăng chậm. Ở chiều ngược lại, giá nhà và chi phí ăn uống tăng tạo áp lực lên lạm phát. Do mức nền cao của năm ngoái, lạm phát đã hạ nhiệt nhanh, xuống chỉ còn 2,63% (tính theo thông lệ quốc tế).

Nếu tính theo tốc độ trung bình, lạm phát tháng 9 xuống 3,88%, dưới cận dưới mục tiêu Chính phủ đề ra. “Sang tháng 10, áp lực về lạm phát vẫn còn. Cả năm nay, lạm phát vẫn sẽ dưới mục tiêu của chính phủ đề ra”, chuyên gia đánh giá.

Nhận định về câu chuyện đầu tư, ông Báu cho biết ba quý đầu năm, giải ngân đầu tư công rất chậm. Đến quý III gần như không tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong khi đó, đầu tư của khối tư nhân được dẫn dắt bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Điểm lại diễn biến tỷ giá và chính sách tiền tệ, CEO WiGroup đánh giá việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ giúp áp lực tỷ giá giảm rõ rệt.

“Vừa rồi có một số cú giật, nhưng về cơ bản không phải điều quá đáng lo ngại. Từ nay đến cuối năm vẫn là xu hướng đi ngang và giảm”, ông Báu nói về diễn biến tỷ giá trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua.

Theo chuyên gia, chính vì tỷ giá bớt áp lực, đã giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có điều kiện nới lỏng chính sách tiền tệ. Hiện tại, những lãi suất điều hành mang tính thị trường như OMO, tín phiếu đã giảm.

Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng cũng đã giảm và NHNN tiếp tục hỗ trợ vốn cho thị trường. Lãi suất thị trường 1 cũng đã dịu bớt, thậm chí gần đây một số ngân hàng giảm lãi suất, ông Báu thông tin thêm.

Xuất khẩu tăng không chỉ nhờ FDI

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. (Ảnh: BTC).

Phân tích về bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành cho hay bức tranh kinh tế vĩ mô năm nay đang dần hiện rõ với những con số tăng trưởng tốt như vậy mang đến tin vui cho các nhà điều hành chính sách

Trong đó, một yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng và là điểm sáng của nền kinh tế là sản xuất công nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp tăng trưởng cao nhất, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo tăng trưởng trên 11%. 

Động lực của ngành này là các đơn hàng xuất khẩu từ hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và cả EU và các khu vực châu Á khác đã quay trở lại. 

Trong năm 2023, các nhà nhập khẩu tại các thị trường đó lo ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương các nước tăng trưởng thấp khiến sức mua sụt giảm nên họ đã cắt giảm đơn hàng từ đó khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh.

Sang năm nay, mặc dù bối cảnh vĩ mô khó khăn nhưng sức mua từ Trung Quốc, Mỹ đều tăng trưởng giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh tới trên 15%. Xuất khẩu tăng kéo theo các ngành có liên quan đều hưởng lợi.

Tuy nhiên ông cho rằng quan điểm về việc xuất khẩu tăng chỉ nhờ doanh nghiệp FDI là không chính xác.

“Có một quan điểm rằng, xuất khẩu tăng đều do các doanh nghiệp FDI và họ hưởng lợi. Đúng là tỷ trọng xuất khẩu có tới 73% thuộc về doanh nghiệp FDI nhưng với năm nay, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp FDI thấp hơn tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong nước”, ông Thành chỉ ra.

Nguyên nhân là doanh nghiệp FDI đóng góp lớn nhất vào xuất khẩu hiện là Samsung mà trong các tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Samsung chỉ khoảng 9% nên thực chất không phải tăng trưởng sản xuất năm nay đều nhờ vào FDI mà cả nhóm doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu năm nay đều tăng trưởng và đóng góp vào tăng trưởng GDP. Một ngành nữa cũng được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt là logistics và vận tải cũng đạt mức tăng trưởng 11%.

Trong khu vực dịch vụ, các doanh nghiệp khó khăn hơn nhiều so với khu vực công nghiệp chỉ có hai lĩnh vực tăng trưởng tốt là vận tải và du lịch, nhất là du lịch quốc tế. Cho dù khách Trung Quốc chưa quay trở lại như mức trước COVID-19 nhưng các thị trường khác như: Hàn Quốc, Ấn Độ, ASEAN lại tăng trưởng cao bù đắp lại. Nhờ cú hích của du lịch quốc tế khiến các ngành ăn uống, dịch vụ, lưu trú đều có tín hiệu tích cực và đóng góp vào bức tranh tăng trưởng.

Chỉ có thị trường nội địa là khó khăn, tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình tăng chậm. 9 tháng đầu năm, kinh tế tăng trưởng hơn 6,8% nhưng thương mại hàng hoá chỉ tăng 5,4%. 

Chuyên gia phân tích, tiêu dùng tăng chậm do hai yếu tố. Một là, cú sốc giảm xuất khẩu năm ngoái dẫn tới thu nhập của một bộ phận người lao động làm việc trong các doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm hoặc chững lại ảnh hưởng đến tiêu dùng của năm nay. 

Hai là tầng lớp trung lưu và người giàu cũng có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn khi thị trường bất động sản khó khăn, thị trường chứng khoán chưa khởi sắc.

Tuy nhiên, hai yếu tố này đều đang tốt lên, đơn hàng xuất khẩu khiến các doanh nghiệp phải tăng lương, tăng việc làm giúp cải thiện tiêu dùng. Tâm lý ổn định trong hệ thống tài chính cũng có tác động tích cực đến tầng lớp trung lưu. 

Một bộ phận không nhỏ cá nhân và hộ gia đình quan ngại về các khoản đầu tư của họ ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây là yếu tố duy nhất gây tác động tiêu cực đến tiêu dùng. Đây là một trong những điểm xám trong bức tranh kinh tế vĩ mô. 

Về đầu tư, theo thống kê đầu tư tư nhân tăng 7,1% nhưng nếu như nhìn các doanh nghiệp có công bố báo cáo tài chính thì từ năm ngoái đến năm nay, hoạt động mua sắm tài sản cố định không tăng mà thậm chí nhiều doanh nghiệp còn giảm. 

“Lo ngại về rủi ro tài chính và lo ngại về rủi ro pháp lý là hai yếu tố làm cho đầu tư của doanh nghiệp tăng chậm”, chuyên gia nói. Theo ông, có thể đầu tư của cá nhân và hộ gia đình tăng lên nhưng đầu tư của doanh nghiệp thì không phải tín hiệu tích cực.

Toạ đàm hiện đang được livestream trên các nền tảng VietnamBiz (https://vietnambiz.vn), livestream Fanpage Tin Kinh tế hàng ngày (http://facebook.com/TintucVietnamBiz).

Hạ An
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 15/10/2024 09:59
'Độ trễ từ tác động bão Yagi sẽ làm giảm tăng trưởng quý IV, GDP năm nay có thể đạt 6,84% - 7%'

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, độ trễ từ tác động của cơn bão Yagi cũng sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam trong Quý IV. Từ đó, ông dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ theo hai kịch bản dự kiến đạt 6,84% hoặc 7%.

Vĩ Mô 15/10/2024 09:23
Tỉnh có diện tích lớn nhất Đông Nam Bộ tăng trưởng GRDP đạt hơn 9% trong 9 tháng đầu năm

Trong 9 đầu đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Bình Phước ước tăng 9,27% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ nhất vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 12 so với cả nước.

Vĩ Mô 15/10/2024 09:21
Xuất khẩu khởi sắc, có doanh nghiệp kín đơn hàng đến cả đầu năm 2025

Theo ông Hoàng Hữu Yên, Tổng Giám đốc Intech Group, khi nền kinh tế sôi động trở lại, cộng đồng doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị phục vụ cao điểm sản xuất kinh doanh. Hiện tại, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm và đang tiếp tục đàm phát cho đơn hàng năm 2025.

Vĩ Mô 15/10/2024 08:02
Tập đoàn Hyosung muốn rót thêm 4 tỷ USD vào Việt Nam

Tập đoàn Hyosung là đối tác FDI lớn thứ ba của Hàn Quốc tại Việt Nam với tổng vốn đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào các lĩnh vực như công nghiệp nguyên vật liệu, công nghiệp dệt, công nghiệp hóa học, hệ thống điện công nghiệp.