Vĩ Mô 15/10/2024 09:59

'Độ trễ từ tác động bão Yagi sẽ làm giảm tăng trưởng quý IV, GDP năm nay có thể đạt 6,84% - 7%'

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, độ trễ từ tác động của cơn bão Yagi cũng sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam trong Quý IV. Từ đó, ông dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ theo hai kịch bản dự kiến đạt 6,84% hoặc 7%.

Sáng 15/10, đã diễn ra Toạ đàm Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng triển vọng và thách thức doViện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức.

Bàn về câu chuyện triển vọng tăng trưởng năm nay, TS. Nguyễn Quốc Việt,Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho hay, nền kinh tế đang phục hồi mạnh trên mức tăng trưởng thấp của cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm, GDP tăng trưởng 6,82% gấp 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái.

Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực vẫn là động lực tăng trưởng chính. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn so với dự kiến, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024.

Ở phía tổng cung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng của cơn bão Yagi, mức tăng trưởng giảm so với cùng kì năm ngoái từ 3,43% xuống còn 3.20%. Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng 6,32%, nhờ sự hồi sinh của du lịch và các ngành thương mại, vận tải duy trì được đà tăng trưởng. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh lên mức 8,19% so với 2,41% cùng kì năm ngoái, nhờ vào sự phục hồi ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Tăng trưởng thương mại đã góp phần giúp cho nhu cầu trong nước từng bước phục hồi, trong đó tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng đạt lần lượt 6,8% và 8,8%% so cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và áp lực tỷ giá trong nửa đầu năm 2024 cũng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của vốn.

 Toạ đàm Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng triển vọng và thách thức diễn ra sáng 15/10. (Ảnh: Hạ An).

Hai kịch bản tăng trưởng năm 2024

Báo cáo từ VEPR cho hay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi, các tổ chức lớn như IMF, OECD, WB, UN và Euromonitor đều có những điều chỉnh tích cực cho dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2024, thể hiện sự lạc quan hơn về triển vọng kinh tế thế giới.

Quá trình phục hồi vẫn tiếp tục ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và khu vực EU trong Quý III, tuy nhiên đã xuất hiện dấu hiệu chậm lại so với Quý II. Chỉ số PMI của Mỹ và EU đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm, trong khi Trung Quốc cũng ghi nhận mức giảm 3 điểm, xuống còn 51 điểm.

Điều này có thể tác động tiêu cực đến khu vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam, khi thương mại luôn được xem là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, rủi ro từ cuộc xung đột tại Trung Đông cũng làm gia tăng lạm phát nhập khẩu, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Hơn nữa, độ trễ từ tác động của cơn bão Yagi cũng sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam trong Quý IV. Những thách thức này đòi hỏi sự điều hành chính sách linh hoạt và hiệu quả để duy trì đà phục hồi kinh tế của đất nước.

"Có thể thấy rằng, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam so với dự báo của tổ chức thấp nhất thường có mức chênh lệch là 0,5%-1%. Từ đó, chúng tôi đưa ra hai kịch bản cao và thấp. Với kịch bản cao, tăng trưởng sẽ Quý IV sẽ đi ngang với mức 7,4%; kịch bản thấp, tăng trưởng Quý IV sẽ dưới mức 7%", ông Việt nói.

Với kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng Quý IV dưới mức 7%, kết hợp với độ lệch dự báo tăng trưởng của các tổ chức, VEPR dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức từ 6,84%. Với kịch bản cao, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt 7%.

Những thách thức của nền kinh tế

Hai kịch bản tăng trưởng do VEPR dự báo. (Nguồn: VEPR).

Theo ông, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất yếu hơn so với kỳ vọng của Mỹ, sự giảm tốc mạnh trong tăng trưởng ở châu Âu và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc có thể gây gián đoạn cho quá trình phục hồi xuất khẩu và làm suy yếu tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Triển vọng xuất khẩu cũng đối mặt với sự bất định do những thay đổi có thể xảy ra trong chính sách thương mại của Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Việc cân bằng giữa các động lực tăng trưởng, nhất là giữa động lực xuất khẩu và tăng trưởng của thị trường trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững lại được đặt ra một cách cấp thiết trong bối cảnh đó, chuyên gia nhấn mạnh.

Sự phân mảnh địa chính trị ngày càng rõ nét, cùng với việc các xung đột liên quan đến Nga, Mỹ, Trung Quốc và khu vực Trung Đông leo thang, đang trở thành rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu. Những bất ổn này gây gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí vận chuyển, bảo hiểm, và kéo dài thời gian cung ứng, dẫn đến giá thành hàng hóa leo thang và lạm phát nhập khẩu gia tăng.

Ước tính đến cuối năm 2024, lạm phát nhập khẩu toàn cầu có thể tăng 1,5%. Đây là tín hiệu đáng lo ngại cho các quốc gia nhập khẩu như Việt Nam, khi lạm phát không chỉ gia tăng mà còn làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, sự kém phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đã cản trở nỗ lực của quốc gia trong việc trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng khoảng cách giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp bản địa, tạo ra cái mà nhiều người quan ngại gần đây là hai nền kinh tế song song tồn tại.

Môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không chỉ chưa được giảm thiểu mà còn có xu hướng gia tăng, do động lực cải cách từ các bộ, ngành đang suy yếu. 

Hạ An
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 15/10/2024 09:23
Tỉnh có diện tích lớn nhất Đông Nam Bộ tăng trưởng GRDP đạt hơn 9% trong 9 tháng đầu năm

Trong 9 đầu đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Bình Phước ước tăng 9,27% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ nhất vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 12 so với cả nước.

Vĩ Mô 15/10/2024 09:21
Xuất khẩu khởi sắc, có doanh nghiệp kín đơn hàng đến cả đầu năm 2025

Theo ông Hoàng Hữu Yên, Tổng Giám đốc Intech Group, khi nền kinh tế sôi động trở lại, cộng đồng doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị phục vụ cao điểm sản xuất kinh doanh. Hiện tại, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm và đang tiếp tục đàm phát cho đơn hàng năm 2025.

Vĩ Mô 15/10/2024 08:02
Tập đoàn Hyosung muốn rót thêm 4 tỷ USD vào Việt Nam

Tập đoàn Hyosung là đối tác FDI lớn thứ ba của Hàn Quốc tại Việt Nam với tổng vốn đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào các lĩnh vực như công nghiệp nguyên vật liệu, công nghiệp dệt, công nghiệp hóa học, hệ thống điện công nghiệp.

Vĩ Mô 14/10/2024 23:06
Khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 3, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 3, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo phương thức đối tác công tư (PPP).

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO