OPEC đang quá lạc quan về nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc?

OPEC đang dần điều chỉnh dự báo nhu cầu của Trung Quốc theo tình hình thực tế. Tuy nhiên, ước tính của tổ chức này vẫn còn quá lạc quan so với con số nhập khẩu thực tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

 

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu thô của Trung Quốc năm 2024 lần thứ ba liên tiếp trong tháng 10. Tuy nhiên, ngay cả khi liên tục hạ dự báo giá dầu thì con số của OPEC vẫn quá lạc quan so với tình hình thực tế đang diễn ra tại Trung Quốc, theo Reuters. 

Báo cáo hàng tháng mới nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu dầu thô của Trung Quốc có thể tăng thêm 580.000 thùng mỗi ngày trong năm 2024. Con số này đã giảm so với dự báo tăng 650.000 thùng/ngày vào tháng 9, và 760.000 thùng/ngày vào tháng 7.

OPEC đang dần điều chỉnh dự báo nhu cầu của Trung Quốc theo tình hình thực tế. Tuy nhiên, ước tính của OPEC vẫn còn quá lạc quan so với con số nhập khẩu thực tế của Trung Quốc.

Dữ liệu hải quan công bố hôm thứ Hai cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc vào tháng 9 đạt 11,07 triệu thùng/ngày, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2023, và đây là tháng thứ 5 liên tiếp nhập khẩu giảm so với năm trước. Trong ba quý đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 10,99 triệu thùng/ngày, giảm 2,8% so với 11,34 triệu thùng/ngày trong cùng kỳ năm 2023.

Nhập khẩu dầu thô đã giảm 350.000 thùng/ngày trong 9 tháng đầu năm 2024, khiến ngay cả dự báo hạ thấp của OPEC về nhu cầu cũng trở nên quá lạc quan. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô chỉ là một phần trong tổng nhu cầu, vì còn phải tính đến việc gia tăng sản lượng trong nước hoặc thay đổi mức dự trữ. 

Sản lượng dầu trong nước của Trung Quốc đã tăng trong năm 2024, với mức sản xuất trong 8 tháng đầu đạt 4,29 triệu thùng/ngày, cao hơn 70.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn không đủ để bù đắp sự giảm sút trong nhập khẩu dầu thô. Trung Quốc không công bố lượng dầu thô lưu trữ trong kho thương mại và dự trữ chiến lược, nhưng rõ ràng họ đã tăng lượng dự trữ trong năm 2024 thay vì sử dụng chúng. 

Dựa trên các tính toán, lượng dầu thô dư thừa của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm là 1,11 triệu thùng/ngày, cao hơn khoảng 300.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn chung, sản lượng trong nước tăng nhẹ, nhưng không đủ để bù đắp sự sụt giảm nhập khẩu dầu thô. 

Câu hỏi lớn đối với OPEC và thị trường dầu mỏ là liệu nhập khẩu của Trung Quốc có khả năng tăng trở lại trong quý IV hay không. Có thể câu trả lời chủ yếu nằm ở giá dầu, vì bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã trở thành một người mua nhạy cảm với giá trong những năm gần đây. Họ tăng nhập khẩu khi giá thấp và giảm nhập khẩu, sử dụng dự trữ khi giá dầu tăng quá cao hoặc quá nhanh. 

Không có gì ngạc nhiên khi nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong tháng 9, do giá dầu toàn cầu tăng. Giá dầu Brent đã tăng từ mức đáy 4 tháng là 76,76 USD/thùng thiết lập ngày 4/6, lên mức cao 87,85 USD/thùng vào ngày 5/7, thời điểm mà phần lớn các lô hàng tháng 9 được mua.

Kể từ đó, giá Brent giảm xuống mức thấp nhất trong 34 tháng là 68,68 USD/thùng vào ngày 10/9, sau đó phục hồi lên mức 75,19 USD vào ngày thứ Hai (14/10), chủ yếu do căng thẳng leo thang ở Trung Đông trong bối cảnh nguy cơ Israel tấn công Iran.

Tuy nhiên, xu hướng giảm giá từ tháng 7 đến giữa tháng 9 có thể đã khuyến khích các nhà máy lọc dầu Trung Quốc tăng nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh xung đột tại Trung Đông. Nếu điều này xảy ra, theo Reuters, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc có thể sẽ phục hồi phần nào trong quý IV, nhưng vẫn khó có khả năng đạt đến mức lạc quan mà OPEC dự báo về nhu cầu dầu của Trung Quốc trong năm 2024.

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá sầu riêng hôm nay 15/10: Duy trì ở mức tốt

Giá sầu riêng hôm nay 15/10 không có nhiều biến động trên cả nước, với giá tại Thái Nguyên vẫn ở mức tốt nhất, đạt 100.000 đồng/kg.

Dự báo giá heo hơi ngày 16/10: Đà giảm vẫn kéo dài

Sau nhiều ngày biến động liên tiếp, nhiều chuyên gia cho rằng giá heo hơi ngày mai sẽ tiếp tục điều chỉnh trên diện rộng do thị trường đang trên đà giảm nhanh.

Giá lúa gạo hôm nay 15/10: Lặng sóng trở lại, gạo xuất khẩu ổn định ở mức cao

Thị trường giá lúa gạo hôm nay (15/10) tương đối lặng sóng. Việt Nam cùng các quốc gia Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines vừa khởi động dự án CABIN, tăng cường năng lực trồng lúa phát thải thấp, bền vững cho nông dân khu vực Đông Nam Á.

Giá thép xây dựng hôm nay 14/10: Thép Trung Quốc dứt chuỗi giảm 4 ngày liên tiếp

Khảo sát thị trường quốc tế, giá thép Trung Quốc quay đầu giảm mạnh sau khi tăng 4 phiên liên tiếp kể từ ngày 9/10. Trong khi đó, giá quặng sắt, nguyên liệu chính cho luyện thép, tiếp đà tăng phiên thứ 3 liên tiếp.