Vĩ Mô 24/02/2025 11:25

'Dĩ bất biến ứng vạn biến' chính sách của ông Trump

Trước câu hỏi: Nếu không có “Trump-1”, “Trump 2.0” về thuế quan và các chính sách gây sốc khác của Trump, kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ có đỡ bất ổn hơn hay không? Câu trả lời sẽ là không. Kinh tế thế giới và Mỹ chưa chắc sẽ đỡ bất ổn hơn bởi ẩn sâu bên trong đã diễn ra những mất cân đối nghiêm trọng.

 

Sự điều chỉnh kinh tế thương mại tất yếu của Mỹ

Những tuyên bố của Tổng thống Trump về đơn phương áp 10% thuế với Trung Quốc, 25% thuế với Canada và Mexico, và gần đây là 25% thuế với nhôm và thép nhập khẩu đã gây ra những phản ứng mạnh thị trường tài chính toàn cầu. Trên thị trường ngoại hối, đồng USD tăng mạnh. Chỉ số DXY (USD Index) có lúc lên đến 109, cao nhất trong vòng 5 năm, đã tác động tiêu cực lên thị trường tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, thị trường dường như đã phản ứng thái quá với các chính sách thuế quan của Trump 2.0. Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ, cho đến hiện nay Mỹ mới chỉ áp đặt 10% thuế với Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với dự đoán. Ngoài ra các mức thuế 25% với Canada, Mexico, và với thép và nhôm mới chỉ là tuyên bố, và Mỹ cũng chỉ rõ sẽ dựa trên cơ sở đàm phán có đi có lại, khác với cách áp đặt thuế của Trump-1.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: "Nếu không có “Trump-1”, “Trump 2.0” về thuế quan và các chính sách gây sốc khác của Trump, kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ có đỡ bất ổn hơn hay không?" Câu trả lời là: "Không, kinh tế thế giới và Mỹ chưa chắc sẽ đỡ bất ổn hơn".

Thứ nhất, kinh tế thế giới đã trải qua hàng thập kỷ mất cân đối (global imbalances), nghiêm trọng nhất là mất cân đối thương mại toàn cầu. Thập niên đầu 2000s còn được gọi là “Cú sốc Trung Quốc-1” (China-shock 1). Kể từ những năm 2000, đặc biệt khi Trung Quốc gia nhập WTO, hội nhập sâu rộng vào thương mại thế giới, các mất cân đối thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng, trong đó Mỹ và Trung Quốc, chiếm khoảng 1/3 các mất cân đối thương mại toàn cầu. Năm 2003, IMF đã cảnh báo mất cân đối thương mại toàn cầu đã ở mức nguy hiểm. Những gì IMF cảnh báo đã xảy ra năm 2007 khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đạt đỉnh 700 tỷ USD.

Nhờ thặng dư thương mại trong nhiều năm với Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia xuất khẩu dầu đã tích lũy lượng tiết kiệm lớn (Global Saving Glut) và họ quay lại đầu tư vào Trái phiếu kho bạc Mỹ, dẫn đến dòng vốn rất lớn đổ vào Mỹ.

Sự bùng nổ về dòng vốn này đã làm lãi xuất giảm mạnh trên thị trường tài chính, khiến việc vay mượn trở nên dễ dàng hơn, kích thích làn sóng vay mượn dưới chuẩn trong lĩnh vực bất động sản ở Mỹ và đã kích hoạt cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn năm 2007 - 2008, trùng với đỉnh điểm thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vào năm 2007.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu này xảy ra trước thời kỳ của Trump, cho thấy những mất cân đối có tính cơ cấu của thương mại thế giới, đặc biệt là “Cú sốc Trung Quốc-1” là nguyên nhân căn bản gây ra những bất ổn kinh tế toàn cầu hơn là các chính sách của một cá nhân như ông Trump hoặc bất kỳ Tổng thống Mỹ nào.

 

 

Sự tương phản giữa thâm hụt cán cân vãng lai của Mỹ và thặng dư cán cân vãng lãi của Trung Quốc, đỉnh điểm là năm 2007 - một năm trước khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu 2008. (Nguồn: Global Imbalances Tracker, Council on Foreign Relations). 

Thâm hụt thương mại Mỹ với Trung Quốc lại bùng lên năm 2022 sau COVID-19, hay “Cú sốc Trung Quốc-2”, với thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc là khoảng 900 tỷ USD, với hơn 400 tỷ USD xuất phát từ thương mại với Mỹ. Thặng dư thương mại của Trung Quốc được thúc đẩy bởi sự gia tăng xuất khẩu thiết bị y tế trong thời điểm COVID-19.

Thêm vào đó, nhu cầu trong nước của Trung Quốc bị suy giảm do phong tỏa dẫn đến suy giảm nhập khẩu. Sự kết hợp giữa tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu đã mở rộng thặng dư thương mại của Trung Quốc. Ở phía Mỹ, gói kích thích tài khóa 1,9 nghìn tỷ USD đã thúc đẩy nhu cầu trong nước, làm tăng thêm thâm hụt thương mại.

Các biện pháp thuế của “Trump-1” trong giai đoạn này không có tác dụng, mà COVID-19 mới là nguyên nhân chính dẫn đến “Cú sốc Trung Quốc-2”. Hiện nay, cho dù nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, thế giới đang chứng kiến “Cú sốc Trung Quốc-3” với sự bùng nổ của làn sóng công nghệ cao như giao thông vận tải (xe điện, tàu siêu tốc), trí tuệ nhân tạo (Deepseek), năng lượng tái tạo.

Thứ hai, là sự mất cân đối tài khóa toàn cầu. Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đều phải đối mặt với các thâm hụt tài khóa ngày càng gia tăng. Trong năm 2022, Mỹ ghi nhận mức thâm hụt kỷ lục 1,4 nghìn tỷ USD. EU chứng kiến mức thâm hụt tăng lên 3,5% GDP, trong khi thâm hụt của Nhật Bản là 6,4% GDP. Trung Quốc ghi nhận mức thâm hụt tài khóa 4,7% GDP, Ấn Độ là 6,4% GDP, và Brazil là 4,6% GDP.

Để giải quyết những thâm hụt tài khóa này đòi hỏi một loạt các biện pháp siết chặt tài khóa như cắt giảm chi tiêu chính phủ, tăng thu nhập từ thuế, cắt giảm các chương trình an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy tăng trưởng và quản lý nợ quốc gia.

Tuy nhiên, việc thực hiện các viện pháp này ở các nền kinh tế như Mỹ, EU gần như là không thể về mặt chính trị vì làn sóng phản đối mạnh mẽ, thậm chí là bạo lực như ở Pháp. Các biện pháp tăng thuế nhập khẩu của ông Trump để bù đắp nguồn thu ngân sách giảm do chính sách giảm thuế thu nhập được đề xuất trong thời gian tranh cử sẽ không thực tế vì nguồn thu từ thuế nhập khẩu chỉ chiếm 1-2% trong tổng thu ngân sách của Mỹ.

Để giải quyết thâm hụt tài khóa, Mỹ cũng như các nền kinh tế phát triển khác buộc phải thực hiện các cải cách sâu rộng trong nước, hơn là dùng thuế quan để đẩy cái giá phải trả sang các nền kinh tế khác. Do vậy, bất kể Tổng thống Mỹ là từ đảng nào thì Mỹ cũng phải tìm lời giải đáp thỏa đáng cho thách thức tài khóa.

Thứ ba, làn sóng nợ toàn cầu ngày càng gia tăng sau COVID-19. Mỹ cũng như như các nền kinh tế lớn đang phải đối mặt với nợ quốc gia tăng mạnh. Nợ quốc gia của Mỹ đã đạt khoảng 31,4 nghìn tỷ USD Mỹ tính đến đầu năm 2025, với tỷ lệ nợ trên GDP khoảng 121%. Trong khi đó, EU có tổng nợ khoảng 12,7 nghìn tỷ Euro (tương đương khoảng 14 nghìn tỷ USD Mỹ) và tỷ lệ nợ trên GDP trung bình là 95,5%, với một số quốc gia như Hy Lạp và Ý có tỷ lệ cao hơn. Nhật Bản có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất thế giới, vượt quá 260%, với nợ quốc gia khoảng 1.034 nghìn tỷ yên (tương đương khoảng 10,2 nghìn tỷ USD Mỹ). Trong khi đó, nợ quốc gia của Trung Quốc là khoảng 74 nghìn tỷ yên (tương đương khoảng 7,4 nghìn tỷ USD Mỹ), với tỷ lệ nợ trên GDP là 77,1%.

Các biện pháp giúp giảm nợ quốc gia như giảm chi tiêu chính phủ và tăng doanh thu thông qua cải cách thuế bị thường vấp phải các rào cản chính trị nên khó thực hiện. Đây cũng là thách thức lớn với bất kỳ Tổng thống Mỹ nào, kể cả ông Trump.

Thứ tư, các chính sách can dự, can thiệp của Mỹ, để duy trì vài trò của một cường quốc số 1 thế giới buộc Mỹ phải chi trả giá rất đắt. Về quân sự, năm 2022, Mỹ có ngân sách quân sự lớn nhất thế giới, khoảng 877 tỷ USD. Mỹ cung cấp viện trợ quân sự đáng kể cho các đồng minh, bao gồm Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác.

Mỹ đã triển khai và duy trì sự hiện diện của hơn 60.000 quân đồn trú ở Châu Âu và cam kết hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự hỗ trợ Ukraine. Các khoản chi tiêu quân sự này đóng góp lớn vào thâm hụt tài khóa. Về kinh tế, Mỹ duy trì thuế nhập khẩu thấp nhất so với các nền kinh tế lớn, trung bình 2,5% để hỗ trợ các đồng minh từ thập nhiên 80s trong chiến tranh lạnh.

Mức thuế trung bình của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật và Đức giai đoạn 1988 - 2022. (Nguồn: Our World Data Tariff rate across all products, 1988 to 2022).

Đây cũng là một trong những nguyên nhân của thâm hụt thương mại của Mỹ nói ở trên. Do vậy, dù không có ông Trump, Mỹ cũng sẽ buộc phải thu hẹp chính sách can thiệp kinh tế cũng như quân sự để giảm thâm hụt ngân sách. Trên thực tế, vai trò của Mỹ đã và đang suy giảm. Mỹ đã không thể ngăn chặn Trung Quốc thành lập Ngân Hàng Phát triển hạ tầng Châu Á (AIIB) - có vai trò và phạm vi hoạt động gần như Ngân Hàng Thế giới. Mỹ cũng không đủ sức cạnh tranh về đầu tư với sáng kiến Một Vành Đai - Một Con đường của Trung Quốc, và mất dần ảnh hưởng ở Châu Á, Châu Phi.

Đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về thâm hụt thương mại, tài khóa, nợ thì những liệu pháp sốc như áp thuế, và các chính sách khác đã và vẫn sẽ được Mỹ thực hiện để cải thiện tình hình, kể cả không phải Trump làm Tổng thống Mỹ.

Trên thực tế, Tổng thống Joe Biden đã mở rộng các biện pháp áp thuế lên Trung Quốc được khởi xướng bởi Trump-1. Mặc dù ban đầu Biden chỉ trích các biện pháp áp thuế của Trump, chính quyền của ông lại áp thêm thuế lên hàng hóa từ Trung Quốc, mở rộng đến 14 danh mục khác nhau, bao gồm các ngành công nghiệp chiến lược như xe điện, chất bán dẫn, thiết bị năng lượng mặt trời và vật tư y tế. Các mức thuế dao động từ 25% đến 100%, tùy thuộc vào loại sản phẩm.

Tác động và đối sách của Việt Nam

Hệ thống kinh tế - thương mại toàn cầu với trọng tâm là Mỹ và các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Châu Âu đã và đang trong quá trình điều chỉnh dưới sức ép của các mất cân đối kinh tế nghiêm trọng và các yếu tố địa chính trị. Một hệ thống thương mại chỉ tập trung vào hai cực Mỹ - Trung sẽ không bền vững, dễ đổ vỡ và gây ra những khủng hoảng kinh tế tài chính như năm 2008.

Do vậy, dòng chảy thương mại và đầu tư thế giới đã bắt đầu xuất hiện sự điều chỉnh theo hướng đa cực hơn trước và sau COVID-19. Các biện pháp thuế quan của Trump-1 và Trump-2 chỉ thúc đẩy quá trình tất yếu này chứ không tạo ra nó.

Trong giai đoạn 2019 – 2024, tổng FDI của Trung Quốc trên thế giới là 1.200 tỷ USD, gấp đôi của Nhật, sau Mỹ 7.000 tỷ USD, và EU 2.500 tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc dẫn đầu với đầu tư FDI cao nhất vào châu Á, tổng cộng 200 tỷ USD, tiếp theo là EU với 180 tỷ USD, Mỹ với 150 tỷ USD và sau đó là Nhật Bản với 100 tỷ USD. Cùng giai đoạn, Trung Quốc dẫn đầu với FDI vào Châu Phi, tổng cộng 187,5 tỷ USD, tiếp theo là EU với 70 tỷ USD, Mỹ với 50 tỷ USD và sau đó là Nhật Bản với 10 tỷ USD. FDI của Trung Quốc vào Châu Mỹ La Tinh gần 190 tỷ, gần gấp 4 lần của Nhật Bản.

Tất cả cho thấy, sự dịch chuyển mạnh mẽ chuỗi sản xuất và thương mại của Trung Quốc sang các khu vực trên thế giới, tương tự sự dịch chuyển FDI và cơ sở sản xuất của Nhật những năm 1980s. Sự gia tăng hàng rào bảo hộ mậu dịch, gia tăng thuế quan, cạnh tranh địa chính trị phần nào kích thích sự dịch chuyển đầu tư và cơ sở sản xuất.

Bên cạnh đó, các cải cách chính sách trong nước, các yếu tố vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tỷ giá và vấn đề địa chính trị, biến đổi khí hậu đóng vai trò không nhỏ trong quá trình cơ cấu lại hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu. Gần đây nhất, sự phát triển của công nghệ cao như AI cũng là yếu tố quan trọng trong định vị lại hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu.

Tong bối cảnh rộng như vậy, kể cả tính bất định của yếu tố “Trump” cũng sẽ không làm thay đổi được quá trình tái cơ cấu không thể tránh khỏi của thương mại toàn cầu.

Với thặng dư thương mại đáng kể của Việt Nam với Mỹ, đạt mức cao kỷ lục 123 tỷ USD vào năm 2024 và đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu, khả năng Việt Nam bị Trump áp thuế là lớn, mặc dù tầm quan trọng địa chính trị của Việt Nam cũng có thể ảnh hưởng phần nào đến cân nhắc của Mỹ. Các chính sách thuế mới của chính quyền Trump có thể ảnh hưởng đến một số lĩnh vực chính của nền kinh tế Việt Nam như: Dệt may, giày dép, sản phẩm điện tử và điện, và sản phẩm nông nghiệp.

Trong giai đoạn trước mắt, cần tận dụng các biện pháp ứng phó qua kênh ngoại giao, trên cơ sở quan hệ chiến lược toàn diện Việt – Mỹ và vai trò địa chính trị của Việt Nam. Đồng thời, điểm thuận lợi có thể khai thác là “Trump 2.0” để ngỏ khả năng đàm phán song phương theo nguyên tắc có đi có lại với các đối tác thương mại. Ngoài ra, việc tuân thủ các quy tắc xuất xứ là rất quan trọng để bảo đảm Việt Nam không bị lợi dụng là điểm trung chuyển hàng của nước thứ ba vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên về lâu dài, dù có hay không có chính sách của ông Trump, Việt Nam cần chuyển đổi các động lực tăng trưởng chủ yếu dựa vào các lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, giày dép, và những lĩnh vực mà Việt Nam đóng góp rất ít giá trị gia tăng mà chỉ lắp ráp gia công như sản xuất điện tử, sang các động lực có hàm lượng công nghệ cao, kỹ năng cao. Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế thương mại thế giới như đã nói ở trên càng làm tăng tính cấp bách của quá trình chuyển đổi kinh tế trong nước của Việt Nam và yếu tố “Trump” chỉ thúc đẩy thêm quá trình này.

Trọng tâm của quá trình chuyển đổi này chính là cải cách thể chế, không chỉ tập trung vào nguyên tắc về ngân sách như tập trung giảm chi thường xuyên, mà cần xuất phát từ quan điểm lớn hơn đó chính là giảm bớt sự quản lý của nhà nước với nền kinh tế, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả của quản trị nhà nước với mục đích ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân, từ đó mới có thể nâng cao hiệu quả nền kinh tế, năng suất lao động, tạo động lực để Việt Nam bước vào kỷ nguyên tăng trưởng mới.

Tóm lại, các đối sách của Việt Nam hiện nay ngoài những giải pháp tình thế, ngắn hạn, trong dài hạn cần dựa trên các xu hướng rộng lớn của quá trình tái cơ cấu hệ thống thương mại, đầu tư toàn cầu, cũng như tái cơ cấu nền kinh tế trong nước với trọng tâm là cải cách thế chế, hơn là chỉ ứng phó với các chính sách của Trump trong ngắn hạn, theo đó sẽ khó định hướng, bị động với các chính sách đầy biến động của ông Trump.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 24/02/2025 14:24
Ông Nguyễn Thanh Phong giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

Ông Nguyễn Thanh Phong, Bí thư Thành uỷ Rạch Giá vừa được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Vĩ Mô 24/02/2025 13:32
Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có Khu khoa học và công nghệ biển gần 400 tỷ đồng

Khu khoa học và công nghệ biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án công nghệ cao thuộc các lĩnh vực như: Năng lượng gió ngoài khơi, hydrogen, hoá dầu, công nghiệp bán dẫn,...

Vĩ Mô 24/02/2025 11:56
Tâm điểm vĩ mô tháng 2: Thương chiến 2.0, tỷ giá và thêm 84.000 tỷ đồng tư công được bơm vào nền kinh tế

Bên ngoài, cuộc chiến thương mại lần thứ 2 đang tác động nghiêm trọng đến nhiều nền kinh tế trong đó có Việt Nam còn ở trong nước, Chính phủ đang nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo...Đây sẽ là những yếu tố vĩ mô mà nhà đầu tư cần chú ý trong tháng 2.

Vĩ Mô 24/02/2025 11:26
Trung Nam Group đề xuất đầu tư cầu Cần Giờ và Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT

Hai công trình cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng được Tập đoàn Trung Nam đề xuất đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.