Giá cao su hôm nay 12/7: Trung Quốc tăng mạnh tuần qua

Giá cao su Trung Quốc tăng vọt hơn 2% trong tuần qua. Tương tự, Nhật Bản cũng ghi nhận tăng hai phiên liên tiếp do lo ngại nguồn cung từ Thái Lan và tín hiệu tiêu thụ khả quan từ Mỹ.

Cập nhật giá cao su thế giới

Kết thúc phiên giao dịch 11/7, giá cao su kỳ hạn tháng 7 trên Sàn OSE ở Nhật Bản tăng 0,5% (1,6 yen) lên mức 313,2 yen/kg. Ở Trung Quốc, giá cao su kỳ hạn tháng 8 trên Sàn Thượng Hải (SHFE) tăng 0,7% (100 nhân dân tệ) lên mức 14.325 nhân dân tệ/tấn. Tại Thái Lan, giá cao su kỳ hạn tháng 8 đi ngang mức 72,26 baht/kg.

So với cuối tuần trước, giá cao su ở Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan thay đổi tương ứng (+0,4%), (+2%) và (-1,2%).

  Nguồn: Lan Hương tổng hợp từ Sở giao dịch Osaka và Hiệp hội cao su Thái Lan 

Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản tiếp tục đà tăng khi những lo ngại về nguồn cung từ Thái Lan có thể ảnh hưởng do mưa lớn. Đồng thời, các tín hiệu tích cực từ thị trường nhập khẩu lốp xe tại Mỹ cũng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư, theo Business Recorder.

Cục Khí tượng Thái Lan cảnh báo sẽ có mưa lớn kéo dài từ ngày 10 - 13/7, với lượng mưa tích lũy đủ để gây ra lũ quét và ngập úng tại nhiều khu vực trồng cao su chủ chốt. Diễn biến thời tiết bất lợi này có thể làm gián đoạn quá trình thu hoạch và vận chuyển mủ cao su, từ đó đẩy giá tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung ngắn hạn.

Trong khi đó, nhu cầu cao su cũng đang được hỗ trợ bởi sự phục hồi của ngành công nghiệp ô tô tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ lốp xe lớn nhất thế giới. Theo báo cáo từ công ty môi giới Galaxy Futures, khối lượng lốp xe nhập khẩu của Mỹ trong tháng gần nhất đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, số lượng đơn đặt hàng mới đối với ô tô và linh kiện tại Mỹ trong tháng 5 cũng tăng so với tháng trước, cho thấy đà phục hồi sản xuất đang tiếp diễn. Khi sản lượng xe tăng lên, nhu cầu cao su, đặc biệt cho sản xuất lốp xe cũng theo đó tăng mạnh.

Ở một diễn biến liên quan khác, Chính phủ Brazil vừa ra quyết định gia hạn thuế chống bán phá giá đối với lốp xe Trung Quốc thêm 5 năm, sau khi hoàn tất đợt rà soát lần thứ ba, theo European Rubber Journal.

Biện pháp này được áp dụng lần đầu vào năm 2009 và gia hạn gần nhất vào năm 2019, nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi tình trạng bán phá giá. Theo công bố ngày 4/7 từ Phòng Thương mại đối ngoại Brazil, mức thuế tiếp tục áp dụng dao động từ 1,25 - 1,77 USD/kg đối với các loại lốp xe hơi mới thuộc dòng 65 và 70, có kích thước mâm 13–14 inch và bề rộng 165mm–185mm.

Việc duy trì các hàng rào thuế quan này có thể làm thay đổi dòng chảy thương mại lốp xe toàn cầu, qua đó tác động gián tiếp đến thị trường cao su tự nhiên – nguyên liệu đầu vào chủ lực. Việc Trung Quốc gặp khó khăn hơn khi xuất khẩu lốp sang Brazil có thể khiến họ điều chỉnh sản lượng hoặc tìm thị trường khác, trong khi các nhà sản xuất lốp khác tại Mỹ Latin hoặc Đông Nam Á có thể hưởng lợi.

Cập nhật giá cao su trong nước

Trong nước, các doanh nghiệp bình ổn giá cao su. Cụ thể, Công ty Phú Riềng chào giá thu mua mủ tạp ở mức 380 đồng/DRC, giá thu mua mủ nước 410 đồng/TSC.

Tương tự, Công ty MangYang báo giá thu mua mủ nước khoảng 389 – 393 đồng/TSC (loại 2-loại 1); còn mủ đông tạp khoảng  340 – 388 đồng/DRC (loại 2-loại 1).

Tại Công ty Cao su Bà Rịa, giá thu mua mủ nước ở mức 390 đồng/độ TSC/kg (áp dụng cho độ TSC từ 25 đến dưới 30); mủ đông DRC (35 - 44%) ở mức 12.700 đồng/kg, mủ nguyên liệu ghi nhận 15.800 – 17.000 đồng/kg.

Lan Hương
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá vàng miếng vượt 121 triệu đồng

Mỗi lượng vàng miếng tăng nửa triệu đồng lên mức cao nhất hai tháng, đồng thời giá bạc miếng cũng xác lập kỷ lục mới.

Bảng giá vàng ngày 12/7: Vàng SJC vọt lên 121,5 triệu, nhẫn trơn và nữ trang tăng tới 1 triệu đồng/lượng

Trưa 12/7, giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh trên diện rộng, nối dài đà tăng từ phiên trước. Vàng miếng SJC bật lên mức 121,5 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn trơn và vàng nữ trang ghi nhận mức tăng ấn tượng, có nơi lên tới 1 triệu đồng/lượng.

Tiêu thụ điện tăng kỷ lục giữa nắng nóng

Tháng 6/2025, khu vực miền Bắc ghi nhận mức tiêu thụ điện cao nhất kể từ đầu năm, tạo áp lực lớn cho việc vận hành.

Doanh nghiệp Việt xoay xở tìm nguồn cung thép HRC mới

Sau khi Việt Nam áp thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời với HRC Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước đang phải tìm kiếm nguồn cung thay thế, trong đó ưu tiên hàng nội địa.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO