Đình công tại các cảng của Mỹ sẽ ít ảnh hưởng tới giá cước container

Giá cước vận tải container được đánh giá là không ảnh hưởng nhiều ngay cả khi cuộc đình công quy mô lớn xảy ra tại các cảng của Mỹ do các nhà nhập khẩu đã mua hàng từ sớm.

 Sự kiện đã được lường trước

Theo Financial Times, Hiệp hội Công nhân Bốc xếp Quốc tế (ILA) cho biết 25.000 thành viên của họ sẽ nghỉ việc nếu không đạt được thỏa thuận mới với Liên minh Hàng hải Mỹ - tổ chức đại diện cho các hãng vận tải và nhà khai thác cảng biển - trước khi hợp đồng giữa hai bên hết hạn vào ngày 30/9.

Hợp đồng này bao gồm tất cả các cảng giữa hai bang Maine và Texas, bao gồm New York, Savannah, Houston, Miami và New Orleans. Do những cơ sở này xử lý đến 41% khối lượng hàng hóa cập cảng tại Mỹ, một liên minh gồm 177 nhóm thương mại cảnh báo việc các cảng đóng cửa sẽ gây ra “tác động tàn khốc” lên nền kinh tế.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu các cảng ở Mỹ có đối mặt với tình trạng tắc nghẽn, dẫn đến việc cước vận tải container tăng trở lại, nhất là trong bối cảnh căng thẳng khu vực Biển Đỏ vẫn chưa được giải quyết triệt để?

Tính đến thời điểm cuối tháng 9, chỉ số cược vận tải container toàn cầu WCI ở mức 3.970 USD/FEU (container loại 40 feet), giảm 6,8% so với mức đỉnh một năm thiết lập hồi cuối tháng 7. Trong đó, giá cước từ châu Á đến New York là hơn 6.300 USD/FEU, giảm khoảng 6,5%.

 Cước vận tải container đi các tuyến từ năm 2012 đến tháng 9/2024 (Đơn vị: USD/FEU, nguồn: MacroMicro)

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Giang, Trưởng phòng phân tích cổ phiếu, phụ trách chính nhóm ngành Vận tải thuộc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư của Chứng khoán SSI, cho rằng sự kiện này sẽ không có tác động nhiều đến giá cước vận chuyển container trong thời gian từ nay đến cuối năm bởi hiện đang là giai đoạn thấp điểm. 

Ngoài ra, những ro về việc các công nhân tại cảng sẽ đình công đã được các doanh nghiệp lường trước và có sự chuẩn bị. Theo đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh việc nhập hàng cho cuối năm từ những tháng trước đó. Điều này một phần phản ánh vào giá cước tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7. 

“Như vậy, đến ngày 30/9, ngay cả khi xảy ra việc đình công tại các cảng thì những nhà nhập khẩu cũng đã mua đủ hàng và ít có hàng cập bến như giai đoạn quý II. Các doanh nghiệp đẩy sớm việc nhập hàng nên năm nay giai đoạn thấp điểm của vận chuyển hàng container cũng đến sớm hơn. Do vậy ảnh hưởng của sự kiện này đối với giá cước vận tải container là không nhiều”, ông Giang nhận định.

Giá cước khó lòng giảm sâu

Như vậy, năm nay mùa thấp điểm đến sớm hơn đang gây áp lực lên giá cước vận tải container. Theo ông Giang, thông thường, vào giai đoạn thấp điểm, giá cước giảm khoảng 30% từ đỉnh của năm. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn giá cước khó giảm về mức trước khi dịch COVID-19 là khoảng 1.500 USD/FEU nhờ một số yếu tố hỗ trợ như tình hình căng thẳng Biển Đỏ hay động thái liên minh của một số hãng tàu nhằm ứng phó với tình trạng dư cung tàu và vỏ container. 

“Mặc dù những yếu tố hỗ trợ này không quá lớn nhưng cũng đủ để duy trì giá cước tàu ở mức cao. Để giá cước giảm mạnh thì cần có một yếu tố nào tác động rất lớn vào cung hoặc cầu. Điển hình như năm 2023, khi các nhập khẩu không có nhu cầu mua hàng mà thay vào đó là đẩy hàng tồn đi. Điều này khiến giá cước giảm về mức trước khi xảy ra COVID-19.”, ông Giang nhận định

Còn hiện tại, theo ông bối cảnh kinh tế đã khác, điển hình như câu chuyện Fed giảm lãi suất có thể giúp tăng nhu cầu hàng hoá. Quá trình giảm hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhập khẩu cũng đã kết thúc và hiện đang trong quá trình xây dựng lại hàng tồn kho.

Thông thường quá trình này kéo dài khoảng ba năm bởi còn phụ thuộc vào niềm tin của các nhà nhập khẩu vào quá trình phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, các hãng tàu cũng đang nỗ lực kiểm soát nguồn cung đội tàu, container ra thị trường để không bị quá dư thừa.

Trong báo cáo mới đây, công ty chứng khoán Shinhan Securities, nhận định kể từ cuối tháng 4, giá cước vận tải biển tăng vọt trên hầu hết tuyến thương mại, cao hơn đỉnh điểm khủng hoảng Biển Đỏ hồi đầu năm. Mùa vận chuyển cao điểm của Mỹ và Châu Âu cùng với thời gian vận chuyển dài hơn để tránh Biển Đỏ và thời tiết xấu ở châu Á đã ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại trên các tuyến giao thương hàng hải chính của thế giới.

Ngoài ra, những lo ngại về sự gián đạo và mức thuế cao đối với hàng hoá Trung Quốc cũng là động lực đẩy giá cước tăng cao. Do vậy, Shinhan Securities cho rằng giá cước nhiều nhiều khả năng tiếp tục neo cao trong những tháng còn lại của năm 2024. Giá cước của năm nay cũng sẽ cao hơn đáng kể so với 2023 do tình hình căng thẳng Biển Đỏ và nhu cầu hàng hoá phục hồi. 

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Dự báo giá heo hơi ngày 25/9: Có thể tăng nhẹ trên toàn quốc

Thị trường heo hơi hôm nay vẫn giữ đà tăng trên cả nước. Một số chuyên gia dự báo thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh nhẹ vào ngày mai do tình hình nguồn cung tại khu vực miền Bắc vẫn chưa ổn định.

Giá thép xây dựng hôm nay 24/9: Thép Trung Quốc, quặng sắt giảm mạnh vì triển vọng nhu cầu yếu

Khảo sát thị trường quốc tế, giá thép thanh Trung Quốc và giá quặng đồng loạt giảm vì các nhà đầu tư cân nhắc triển vọng nhu cầu yếu từ Trung Quốc giữa quá trình phục hồi kinh tế không đồng đều và nguồn cung tăng mạnh.

Giá lúa gạo hôm nay 24/9: Trong nước ổn định, giá xuất khẩu duy trì ở mức cao

Giá lúa gạo hôm nay ngày 24/9 lặng sóng. Trên thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung của thị trường. Trong khi đó, nhu cầu của Trung Quốc giảm nên nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang các thị trường khác.

Giá sầu riêng hôm nay 24/9: Nguồn cung dồi dào giúp giá ổn định

Giá sầu riêng hôm nay 24/9 duy trì xu hướng đi ngang tại các khu vực được trồng chính trên cả nước nhờ nguồn cung dồi dào, với trên 3.500 ha sầu riêng tại Bình Phước đang cho thu hoạch.