Doanh nghiệp xoay xở ra sao khi giá điện tăng?

Doanh nghiệp sản xuất cho biết việc giá điện tăng 4,8% buộc họ tìm cách tiếp tục tiết giảm và đầu tư thêm hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự chủ năng lượng.

Từ 10/11, giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8%, lên 2.103,11 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Điện là nguyên liệu sản xuất đầu vào, nên khi giá tăng ảnh hưởng tới chi phí của các doanh nghiệp.

Tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, chi phí tăng thêm bình quân mỗi tháng của nhóm khách hàng dùng điện kinh doanh dịch vụ là 247.000 đồng; sản xuất 499.000 đồng và hành chính sự nghiệp 91.000 đồng.

Secoin có 9 nhà máy sản xuất gạch men ở ba miền, chi phí điện chiếm tỷ trọng khá lớn trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này. "Việc điều chỉnh giá điện lần này ảnh hưởng đáng kể, chi phí sản xuất tăng theo", ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Secoin nói.

Đại diện một doanh nghiệp hàng tiêu dùng tại TP HCM cũng cho biết nguyên liệu đầu vào đã tăng giá những tháng đầu năm. Sức mua trên thị trường hiện khá yếu, họ phải giảm nhiều chi phí để hạ giá thành, kích cầu tiêu dùng. Vì thế, theo ông, với mức điều chỉnh điện 4,8%, họ buộc tiết giảm thêm các chi phí để không ảnh hưởng nhiều tới giá bán sản phẩm.

Thực tế, điện thường chiếm 4-10% trong cơ cấu giá vốn hàng bán của doanh nghiệp, tùy quy mô, lĩnh vực. Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Chứng khoán Thành Công, cho biết tỷ lệ này trong ngành sản xuất thép là 10%, hóa chất 9%, giấy 4-5%, xi măng 14-15%.

Công nhân sản xuất tại một nhà máy thiết bị điện tại Bình Dương, tháng 8/2024. (Ảnh: Lưu Quý).

Nhìn nhận giá điện, mức tiêu thụ sẽ tăng, giới chuyên môn cho rằng các doanh nghiệp cần có giải pháp để giữ hoặc giảm giá thành. Việc này cũng giúp các đơn vị sản xuất tăng cạnh tranh cho sản phẩm.

Theo ông Mạc Đình Khoa, Giám đốc Phát triển Chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại của Schneider Electric, tiết kiệm năng lượng sẽ giúp duy trì lợi nhuận, tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững hơn. "Doanh nghiệp nên bắt đầu xây dựng hệ thống đo đếm, tiết kiệm năng lượng một cách độc lập.

Họ cũng cần có chiến lược toàn diện, áp dụng tiết kiệm điện trong mọi công đoạn, từng tổ máy, dây chuyền sản xuất", ông Khoa nói thêm.

Dệt may là ngành gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh, đơn hàng thiếu hụt và bắt đầu tín hiệu hồi phục từ cuối quý I. Để thích ứng, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, một số doanh nghiệp đã sử dụng điện mặt trời mái nhà để giảm bớt khó khăn về chi phí điện. Các đơn vị trong ngành cũng thắt chặt các khoản đầu tư vào chi phí. Việc này giúp họ cân bằng được giá thành, đảm bảo cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực.

Chủ tịch Secoin Đinh Hồng Kỳ cho hay doanh nghiệp này cũng tính phương án đầu tư, tăng sử dụng điện mặt trời mái nhà vào sản xuất để tự chủ năng lượng, giảm chi phí. Tuy nhiên, hai năm qua, EVN ngừng đấu nối nguồn điện mặt trời mái nhà, khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có Secoin, phải chờ đợi các cơ chế hỗ trợ. Ông Kỳ cho rằng, nếu Bộ Công Thương, EVN giải quyết triệt để các vướng mắc, doanh nghiệp có thể tự đầu tư hệ thống này, giảm đáng kể chi phí điện.

Ngoài ra, CEO Secoin góp ý nhà chức trách cần có giải pháp, lộ trình đầu tư các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, gió ngoài khơi, khí LNG, thậm chí điện hạt nhân. "Việc đẩy mạnh năng lượng tái tạo có thể giúp đáp ứng nhu cầu điện trong tương lai", ông nói.

Ở chiều ngược lại, không phải doanh nghiệp nào cũng ảnh hưởng tiêu cực khi điện tăng giá. Theo chuyên gia của Chứng khoán Thành Công, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối điện sẽ hưởng lợi từ điều chỉnh này. Bởi khi EVN cải thiện tài chính sẽ giúp họ có tiền chi trả các đơn vị phát điện.

Dòng tiền thanh toán của các nhà máy, nhất là nhóm nhiệt điện như Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower, POW), Công ty Điện lực Dầu khí Nhơn trạch (NT2), hay Tổng công ty Phát điện 3 (PGV)... được cải thiện.

Năm ngoái, EVN lỗ hơn 34.245 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện, nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm về 21.822 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, "ông lớn" ngành điện cũng lỗ gần 36.300 tỷ đồng từ hoạt động này. Nếu cộng khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá treo từ năm 2029 (hơn 18.000 tỷ đồng), EVN lỗ hơn 76.000 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD) trong hai năm.

Trong bối cảnh ngành điện thua lỗ do bán dưới giá thành, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc điều chỉnh là khó tránh. Đại diện một doanh nghiệp phụ trợ chia sẻ, giá điện tăng lần này nằm trong dự tính. "Điện chiếm khoảng 20-30% trong cơ cấu giá thành phẩm. Với mức tăng 4,8%, giá thành điều chỉnh dưới 2%", ông nói, cho rằng mức tác động không nhiều và có thể chấp nhận.

Dù vậy, trong thời điểm đơn hàng, cầu tiêu dùng trong nước chưa phục hồi hoàn toàn, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, giá năng lượng điều chỉnh khiến "doanh nghiệp sẽ phải co kéo để giữ lợi nhuận".

Phương Dung - Thi Hà
CÙNG CHUYÊN MỤC
Nỗ lực đặc biệt giúp Nga giữ hàng trăm tỷ USD ngoài tầm với của phương Tây

Lệnh trừng phạt do các nước phương Tây áp đặt vào năm 2022 đã hạn chế khả năng tiếp cận một số tài sản tài chính của Nga, nhưng dự trữ vàng của nước này thì nằm ngoài tầm với của lệnh cấm.

Xem xét giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm cho khoản vay đề án 1 triệu ha lúa ĐBSCL

Các tổ chức tín dụng xem xét cân đối nguồn vốn và tiết giảm chi phí để áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay cùng kỳ hạn đang áp dụng cho khách hàng tương tự. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia liên kết.

Vàng vẫn là trụ cột trong chiến lược dự trữ của các ngân hàng trung ương

Các ngân hàng trung ương tiếp tục coi vàng là thành phần quan trọng trong chiến lược dự trữ, nhấn mạnh vai trò của kim loại quý này như một tài sản đa dạng hóa đầu tư và đảm bảo an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và kinh tế.

Giá sầu riêng hôm nay 15/10: Duy trì ở mức tốt

Giá sầu riêng hôm nay 15/10 không có nhiều biến động trên cả nước, với giá tại Thái Nguyên vẫn ở mức tốt nhất, đạt 100.000 đồng/kg.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO