Ngày 15/4, Sendo – một trong những nền tảng thương mại điện tử nội địa của Việt Nam – chính thức đóng cửa sàn giao dịch chính. Trước đây, Sendo từng được kỳ vọng sẽ là đối trọng với các đối thủ nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn như Shopee, Lazada hay TikTok Shop.
Dù rút khỏi mảng thương mại điện tử tổng hợp, Sendo vẫn chưa biến mất hoàn toàn. Công ty đổi tên thành Sendo Farm và tập trung vào mảng thực phẩm trực tuyến. Đây là lĩnh vực được ước tính sẽ đạt giá trị 2,8 tỷ USD trong năm 2024.
Rời thương mại điện tử, Sendo tham gia vào thị trường ngách, cung ứng thực phẩm tươi sống. (Ảnh: Linh Pham/Rest of World).
Mô hình mới của Sendo dựa vào mạng lưới gồm các bà nội trợ, người làm việc tại nhà và chủ tiệm tạp hóa nhỏ. Những người này sử dụng không gian tủ lạnh còn trống để làm điểm lưu trữ và phát hàng. Người dùng đặt hàng trước một ngày qua ứng dụng. Sáng hôm sau, hàng được giao đến các cộng tác viên, sau đó được chia nhỏ và giao cho khách hoặc để khách đến lấy trực tiếp.
Theo đại diện công ty nghiên cứu thị trường Kantar, việc Sendo thu hẹp quy mô và chỉ tập trung vào một thị trường ngách cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành. Những nền tảng nhỏ hơn buộc phải thay đổi nếu muốn tồn tại giữa bối cảnh thị trường đang dần bị thống trị bởi các “ông lớn”.
Từ năm 2012 đến 2021, Sendo phục vụ khoảng 12,5 triệu người dùng. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 61 triệu người mua sắm online vào năm 2023. Sendo từng có lợi thế là đơn vị đi trước và được hậu thuẫn bởi tập đoàn công nghệ FPT.
Tuy nhiên, đến năm 2024, thị phần của Sendo giảm xuống dưới 1%. Đây là kết quả phản ánh xu hướng chung trong khu vực Đông Nam Á, nơi nhiều nền tảng nội địa đã phải đóng cửa do không đủ sức cạnh tranh, dù thương mại điện tử toàn khu vực vẫn tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm.
Sự phát triển nhanh của các nền tảng lớn như Shopee hay Lazada đến từ chính sách giảm giá và miễn phí giao hàng. Các ưu đãi này giúp họ bán được nhiều loại hàng hóa với số lượng lớn, tạo lợi thế quy mô mà Sendo không thể theo kịp.
Một cựu nhân viên của Sendo chia sẻ với Rest of World rằng, nếu không còn các chương trình khuyến mãi như giao hàng miễn phí hay giảm giá, người dùng sẽ ngừng mua hàng. Người này cũng cho rằng các nền tảng đều bán sản phẩm tương tự và nhắm đến cùng một nhóm khách hàng, nên việc tạo sự khác biệt là điều bắt buộc.
Mô hình mới của Sendo có nét giống với cách làm của Pinduoduo – một nền tảng thương mại điện tử tại Trung Quốc, công ty mẹ của Temu. Pinduoduo khuyến khích người mua cùng đặt hàng để nhận mức giá tốt hơn. Trong năm 2021, khi TP HCM thực hiện giãn cách vì COVID-19, Sendo Farm đã mở kho hàng đầu tiên để bắt đầu thử nghiệm mô hình này.
Bà Thảo Lê, Giám đốc marketing Sendo, cho biết Sendo Farm nhanh chóng trở thành hoạt động kinh doanh chính của công ty.
Cuối năm 2022, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, CEO Trần Hải Linh và phó CEO Nguyễn Phương Hoàng của Sendo đã sang Trung Quốc. Họ muốn tìm hiểu kỹ hơn về mô hình bán thực phẩm trực tuyến.
Ông Hoàng chia sẻ rằng họ muốn làm điều mà chưa ai làm. Trong chuyến đi, họ gặp đối tác, người quản lý điểm giao hàng và khách mua. Ông Hoàng thậm chí đã giả làm ứng viên xin việc để vào tham quan một kho hàng của một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực này.
“Tất cả thông tin thu thập được đã được áp dụng ngay sau khi chuyến đi kết thúc”, ông Hoàng viết trong một bài blog.
Theo bà Thảo, Sendo Farm hiện có khoảng 1 triệu khách hàng. Nền tảng này hợp tác với hàng chục nghìn cộng tác viên giao hàng và hàng trăm nhà cung cấp rau củ, thực phẩm và nhu yếu phẩm. Công ty mua hàng trực tiếp từ nơi sản xuất để giảm chi phí trung gian và giữ giá bán hợp lý.
Ông Nguyễn Duy Lư, từng làm việc tại Sendo và Tiki, cho biết Việt Nam và Trung Quốc có điểm giống nhau trong cách các khu dân cư cùng nhau mua thực phẩm. Tuy nhiên, ông cho rằng hạ tầng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.
“Việc sản xuất ở Việt Nam phân tán hơn. Nguyên liệu đầu vào khó kiểm soát. Người dùng của Sendo cũng chưa đủ đông”, ông Lư nói. “Sendo Farm cần thêm thời gian”.
Ông Peem Benjasiriwan, quản lý tại công ty dữ liệu thị trường Cube Asia, cho biết thương mại điện tử ở Đông Nam Á trước đây chủ yếu dựa vào các mặt hàng như mỹ phẩm và đồ điện tử.
Nhưng tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng này đang chậm lại. Thực phẩm trực tuyến có thể là một hướng phát triển mới. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực khó vì cần đầu tư lớn để giữ cho thực phẩm luôn tươi.
Ông Đặng Nguyễn, nhà nghiên cứu tại Trung tâm ARC ở Melbourne, cho biết thành công của Sendo Farm phụ thuộc vào khả năng kết nối. Nền tảng này cần gắn kết những người không có thời gian đi chợ với những người có thời gian rảnh và có sẵn tủ lạnh để trữ hàng.
Tuy nhiên, thị trường đang trở nên cạnh tranh hơn. Nhiều siêu thị bắt đầu triển khai dịch vụ mua hàng trực tuyến. Các nền tảng lớn như Shopee và TikTok Shop cũng đang mở rộng sang lĩnh vực thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng bộ phận phát triển nhân lực tại Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), mô hình tiết kiệm chi phí của Sendo Farm có thể gặp khó khi muốn mở rộng. Hiện tại, Sendo Farm để đối tác tự xử lý khâu lưu trữ và giao hàng cuối cùng.
“Muốn phát triển ở quy mô lớn, họ cần có trung tâm trung chuyển hàng hóa”, ông Minh nói. “Khác với các bà nội trợ, trung tâm như vậy có thể hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm”.
Dữ liệu cho thấy đang có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất tại châu Á và Việt Nam được định vị là trung tâm sản xuất của khu vực.
Trong năm nay, VinFast tiếp tục ra mắt nhiều mẫu xe chuyên dụng khác như xe chở khách, xe chở hàng thuần điện.
Khu công nghiệp số 1 có diện tích gần 259 ha, được quy hoạch là khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao
Hệ thống nhà thuốc Pharmacity thu hồi 4 sản phẩm do Herbitech, công ty đang bị cơ quan công an điều tra do liên quan hàng giả, sản xuất.