OPEC+: Giá dầu cần thêm thời gian để hồi phục

OPEC+ liên tiếp nâng sản lượng dù giá dầu chưa có dấu hiệu tăng trở lại và chương trình cắt giảm không còn phát huy hiệu quả. Arab Saudi, quốc gia chịu phần lớn gánh nặng cắt giảm, tỏ ra không hài lòng khi nhiều thành viên trong Khối khai thác vượt hạn ngạch, khiến mục tiêu hỗ trợ giá dầu không đạt được như kỳ vọng, theo Financial Times.

Việc OPEC+ liên tục quyết định tăng sản lượng dầu cho thấy Arab Saudi đang chấp nhận thực tế rằng không thể đẩy giá dầu lên cao hơn trong khi quốc gia này không hài lòng với các thành viên khác trong Khối và ngay trước chuyến thăm quan trọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Đông.

Trong vài tháng qua, nhóm các quốc gia thành viên OPEC do Arab Saudi dẫn đầu đã 3 lần gây bất ngờ cho thị trường dầu mỏ với việc tăng sản lượng nhanh hơn dự kiến dù trước đó từng trì hoãn việc nới lỏng các đợt cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu.

Dù giới các chuyên gia vẫn tranh luận về việc liệu Arab Saudi muốn khôi phục toàn bộ hay chỉ một phần sản lượng đã cắt giảm, nhưng phần lớn đều nhất trí rằng việc cắt giảm sản lượng rõ ràng ngày càng kém hiệu quả.

Ông Bill Farren-Price, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Năng lượng Oxford, cho biết, những lo ngại về tác động của chính sách thuế quan Mỹ đối với tăng trưởng toàn cầu sẽ khiến giá dầu giảm hơn nữa ngay cả khi OPEC+ tiếp tục chương trình cắt giảm sản lượng.

OPEC+ có thể rất giỏi điều chỉnh cung dầu, nhưng không thể chống lại "cơn lốc" vĩ mô như suy thoái kinh tế toàn cầu, ông Bill Farren-Price cho biết thêm.

OPEC+ lý giải việc nới lỏng chương trình cắt giảm sản lượng là dựa trên "các yếu tố cơ bản tương đối tích cực của thị trường ", bất chấp giá dầu chạm mức thấp nhất 4 năm trong những tuần gần đây, thậm chí ngay cả trước khi Khối này quyết định tiếp tục tăng sản lượng.

Tuy nhiên, theo các nguồn thạo tin, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Abdulaziz bin Salman phàn nàn rằng một số thành viên OPEC+ liên tục bơm dầu vượt hạn ngạch cho phép, làm giảm tác dụng của chương trình cắt giảm sản lượng - chương trình mà Arab Saudi gánh trách nhiệm nặng nhất.

Theo đó, 3 năm qua, Arab Saudi đã giảm 20% sản lượng dầu xuống còn 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ năm 2011, không tính thời kỳ đại dịch COVID-19.

Ông Natasha Kaneva, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại JPMorgan, cho biết, việc giữ lại 2 triệu thùng/ngày không còn hợp lý về mặt kinh tế với Arab Saudi. Theo mô hình tính toán của vị chuyên gia này, trong năm 2023-2024, cắt giảm 1 triệu thùng/ngày có thể đẩy giá dầu tăng thêm 8-10 USD/thùng, nhưng mức tăng thêm này chỉ còn 4 USD/thùng trong năm 2025-2026.

Hồi tháng 3 vừa qua, sau nhiều lần trì hoãn, OPEC+ đã khiến thị trường bất ngờ khi công bố kế hoạch nới lỏng lộ trình cắt giảm 2 triệu thùng/ngày của 8 quốc gia thành viên, kể cả Arab Saudi và Nga.

Các quốc gia thành viên nhất trí tăng mục tiêu sản lượng của Khối mỗi tháng thêm khoảng 130.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 4. Tuy nhiên, một lần nữa tháng trước, OPEC+ lại khiến thị trường ngạc nhiên khi tuyên bố tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày cho tháng 5 và mức tăng tương tự cho tháng 6.

Những quyết định trên của OPEC+ làm dấy lên lo ngại rằng Arab Saudi có thể đang chuẩn bị cho một chiến giá dầu với việc ồ ạt bơm dầu ra thị trường như đã làm trong năm 2014 khi đối đầu với ngành dầu đá phiến của Mỹ và năm 2020 khi đối đầu với Nga.

Ông Ilia Bouchouev, cựu Chủ tịch hãng giao dịch hàng hóa Koch Global Partners và tác giả một nghiên cứu về thị trường dầu do Cơ quan nghiên cứu năng lượng của Arab Saudi phát hành, nhận định, cuộc chiến giá dầu rất khó xảy ra. Theo nhà phân tích này, mục đích chính của OPEC+ là muốn nhanh chóng gỡ bỏ mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày và quan sát phản ứng của thị trường.

Sự thay đổi chính sách của OPEC+ diễn ra vào thời điểm thuận lợi về ngoại giao đối với Arab Saudi, giúp kéo giảm giá dầu ngay trước thềm chuyến thăm Riyadh của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thứ Ba 13/5.

OPEC+ phủ nhận việc Washington can thiệp vào quyết định tăng sản lượng của Khối.

Ông Helima Croft, Phụ trách bộ phận chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Markets, cho biết, chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump rõ ràng rất quan trọng đối với các nước vùng Vịnh với các cuộc thảo luận về hợp tác hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Arab Saudi cũng như việc triển khai công nghệ AI ở vùng Vịnh sử dụng sản phẩm chip của Mỹ.

Tính chung, trong 3 năm qua, các thành viên OPEC+ đã cắt giảm gần 6 triệu thùng/ngày, bao gồm cả cam kết chính thức lẫn cắt giảm tự nguyện.

Tuy nhiên, theo ông Bill Farren-Price, Riyadh có thể vẫn chưa đưa ra quyết định chắc chắn về nguồn cung dầu trong tương lai.

Arab Saudi vẫn đang xử lý mọi việc theo hướng ngắn hạn và mang tính chiến thuật. Điều khác biệt hiện nay là Arab Saudi dường như không còn "quá đắn đo" về việc tăng sản lượng dầu khi thị trường suy yếu. Giờ đây Riyadh có vẻ nghiêng hẳn về chiến lược tăng sản lượng hơn là hỗ trợ giá, ông Farren-Prince nhận định.

 

HT
CÙNG CHUYÊN MỤC
Dự báo giá heo hơi ngày 14/5: Thị trường đang có dấu hiệu trở lại đà tăng

Theo các chuyên gia, giá heo hơi ngày mai có thể đi lên tại một số địa phương do diễn biến thị trường những ngày qua đã cho thấy đà tăng đang dần trở lại.

Giá sầu riêng hôm nay 13/5: Có nơi còn 25.000 đồng/kg

Giá sầu riêng hôm nay neo ở mức thấp, dao động trong khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, đối với loại mua xô. Trong khi đó, Thái Lan đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc, vì mùa sầu riêng hiện đang vào vụ.

Giá điện tăng tác động thế nào đến ngành thép và xi măng?

Giá điện bán lẻ bình quân tại Việt Nam tăng 4,8% từ ngày 10/5, đánh dấu lần điều chỉnh thứ tư kể từ tháng 5/2023, gây áp lực lên các ngành sản xuất, đặc biệt là xi măng và thép. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp buộc phải tối ưu hóa sản xuất và tiết kiệm năng lượng.

Brazil nối lại nhập khẩu cá rô phi, đàm phán tăng cường nhập khẩu cá tra Việt Nam

Cá tra Việt Nam đứng trước cơ hội bứt phá tại thị trường Brazil khi quốc gia này đẩy nhanh đàm phán mở cửa nhập khẩu.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO