Kinh tế Quốc tế 06/07/2025 14:47

Du khách mang tiền, người dân mang nỗi bất bình: Mặt trái của ngành du lịch Tây Ban Nha

Ngành du lịch Tây Ban Nha bùng nổ mạnh mẽ trong những năm qua, tạo ra hàng triệu việc làm và giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, khách du lịch quá đông cũng gây áp lực lên đời sống của người dân địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở.

"Du lịch cũng được, nhưng không phải theo cách này" – một cuộc biểu tình phản đối tình trạng quá tải du lịch ở thành phố Palma de Mallorca, Tây Ban Nha, tháng 7/2024. (Ảnh: AFP). 

Người Tây Ban Nha biểu tình

Tây Ban Nha là một trong những quốc gia thu hút nhiều khách du lịch nhất thế giới. Từ những bãi biển đẹp đến các thành phố cổ kính, du khách nước ngoài có rất nhiều địa điểm để khám phá.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế còn chú ý đến một khía cạnh khác của Tây Ban Nha, đó là làn sóng biểu tình nhắm vào khách du lịch.

Vào mùa hè năm 2024, những người biểu tình ở Barcelona đã bắn nước vào các du khách đang ăn tối dọc theo con đường dạo bộ nổi tiếng Las Ramblas để thu hút sự chú ý về vấn nạn quá tải du lịch.

Họ đã đạt được mục đích. Vụ việc nhanh chóng gây bão dư luận và súng bắn nước gần như trở thành biểu tượng cho cuộc chiến chống nạn quá tải du lịch ở Barcelona.

Trong tháng 4 năm nay, người biểu tình đã chặn một xe buýt du lịch và bắn súng nước vào du khách. Họ hô to: “Du khách về nhà đi”.

Căng thẳng tiếp tục bùng lên trong mùa hè - khoảng thời gian du lịch cao điểm. Tuần trước, một số người dân địa phương lại dùng súng nước để đuổi du khách, BBC cho hay. 

Đóng góp của ngành du lịch tới nền kinh tế

Ngành du lịch có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Tây Ban Nha. Số liệu chính thức cho thấy trong quý IV/2024, ngành du lịch cung cấp việc làm cho hơn 2,9 triệu người, chiếm 13,4% tổng số việc làm ở Tây Ban Nha.

Con số 2,9 triệu việc làm nói trên phản ánh mức tăng 9,7% so với một năm trước đó, cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của ngành du lịch với sinh kế của người Tây Ban Nha.

2024 đánh dấu năm bùng nổ nhất của ngành du lịch Tây Ban Nha kể từ năm 2019. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) tính toán rằng ngành du lịch đóng góp 248,7 tỷ euro cho nền kinh tế, tương ứng 15,6% GDP. Trong đó, chi tiêu của khách du lịch đạt 107,1 tỷ euro, cao hơn 10,9% so với năm trước.

 

Trong một giai đoạn dài, Tây Ban Nha là một trong những nền kinh tế lớn “trì trệ” nhất châu Âu, nhưng sức bật của ngành du lịch đã giúp nước này vươn lên vị trí dẫn đầu. Tính trong cả năm 2024, GDP Tây Ban Nha tăng trưởng 3,2%, cao hơn hẳn mức bình quân của khu vực đồng euro là 0,9%.

Các chuyên gia dự đoán rằng trong năm 2025, ngành du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và Tây Ban Nha vẫn sẽ là một trong những đầu tàu kinh tế của khu vực đồng euro.

OECD ước tính tốc độ tăng trưởng GDP của Tây Ban Nha vào năm 2025 sẽ đạt khoảng 2,6%, còn Đức, Pháp và Italy lần lượt là 0,4%, 0,8% và 0,7%. 

 

Mặt trái của thành công

Những số liệu trên là lý do các nhà lãnh đạo Tây Ban Nha đánh giá cao và muốn thúc đẩy ngành du lịch. Những doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ du khách cũng vậy, ví dụ như khách sạn, quán bar hay các nhà bán lẻ.

Song, nhiều người địa phương không thấy họ được chia sẻ lợi ích và thậm chí còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Năm ngoái, Tây Ban Nha đón 134 triệu du khách nước ngoài, gần gấp ba dân số 48 triệu người của quốc gia này. Trên thế giới, duy chỉ có Pháp và Mỹ là thu hút được nhiều khách quốc tế hơn.

Lượng du khách quá đông đảo gây áp lực lớn lên nguồn lực của Tây Ban Nha, đặc biệt là tại những vùng du lịch trọng điểm. Tại hòn đảo du lịch trứ danh Mallorca, ngay cả những dịch vụ công cơ bản như điện và nước cũng gặp vấn đề.

 

Tuy nhiên, vấn đề chính khiến nhiều người biểu tình giận dữ là khủng hoảng nhà ở. Năm ngoái, người biểu tình ở Tenerife - hòn đảo đông dân nhất của Tây Ban Nha, đã tổ chức sự kiện tuyệt thực trước hai dự án khách sạn mới.

Một số dân địa phương cho biết giá thuê nhà đã trở nên đắt đỏ đến mức họ không còn tiền thuê, phải ngủ trong ô tô hoặc các hang động.

Ông Ivan Cerdena Molina, người giúp tổ chức các cuộc biểu tình, chia sẻ với tờ báo địa phương The Olive Press: “Chúng tôi không ghét khách du lịch, nhưng ngành du lịch đã trở nên quá lớn, chiếm quá nhiều nguồn lực và hòn đảo này không còn xoay xở nổi”.

Những điểm du lịch nổi tiếng khác như Barcelona và Madrid cũng gặp vấn đề với giá thuê nhà tăng vọt, vượt quá tầm với của nhiều người dân địa phương.

Nguyên nhân là sự gia tăng chóng mặt của các căn hộ cho thuê ngắn hạn phục vụ khách du lịch - thường quảng cáo trên Airbnb hay Booking.com. Một số quỹ đầu cơ quốc tế cũng gia nhập làn sóng này, họ mua gom các căn hộ, nhà ở với mục đích sẽ cho khách du lịch thuê lại.

Tình hình đã trở nên nghiêm tọng đến mức năm ngoái chính quyền thành phố Barcelona phải hứa sẽ dần hủy bỏ giấy phép của 10.000 căn hộ được phê duyệt cho thuê ngắn hạn. 

Nỗ lực của các nhà lãnh đạo

Các cuộc biểu tình chống du khách đang khiến khách du lịch ngần ngại tới Tây Ban Nha. Ông Steve Heapy, CEO hãng hàng không và công ty lữ hành Jet2 của Anh, cảnh báo rằng các khách hàng của ông ngày càng lo ngại vì họ “cảm thấy” rằng một bộ phận người Tây Ban Nha oán giận làn sóng khách du lịch.

Phái biểu tại một sự kiện ở Đại sứ quán Tây Ban Nha ở London, ông Heapy cảnh báo: “Đáng tiếc là nỗi lo này đang trở thành vấn đề lớn và nhiều người có thể nghĩ ‘cảm nhận’ của họ là sự thật”.

Anh là nước có nhiều du khách đến Tây Ban Nha nhất năm 2024, chiếm 20%. Theo sau là Pháp và Đức với tỷ lệ lần lượt là 14% và 13%. 

Nếu khách du lịch quay lưng với Tây Ban Nha, điều đó chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Các nhà chức trách Tây Ban Nha đang chịu áp lực phải xoa dịu nỗi lo của du khách và giải quyết sự bất bình của người dân trong nước.

Ông José Pascual Marco Martínez, Đại sứ Tây Ban Nha ở Anh, nhấn mạnh rằng các cuộc biểu tình chỉ có quy mô nhỏ và không đại diện cho quan điểm của người Tây Bân Nha.

Ông khẳng định: “Người Tây Ban Nha thích du khách… Bầu không khí ở Tây Ban Nha hoàn toàn không mang tính thù địch, mà trái lại vẫn thân thiện hơn bao giờ hết”.

Nhưng ông cũng lưu ý: “Chúng tôi không tập trung vào việc tăng lượng du khách. Chúng tôi muốn tăng độ hài lòng của các bạn”.

Về vấn đề trong nước, chính phủ Tây Ban Nha đang nỗ lực kiềm chế chi phí nhà ở bằng cơ chế giới hạn tiền thuê nhà tại các địa phương, dựa trên chỉ số giá do Bộ Nhà ở xây dựng. Các quan chức cho biết biện pháp này đã giúp giá nhà ở Barcelona giảm nhẹ.  

Tuy nhiên, các biện pháp của chính phủ vẫn chưa đủ để ngăn người biểu tình đổ xuống đường trong hai năm qua. Giới chuyên gia nhận định tình hình khó có thể sớm cải thiện. 

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 06/07/2025 22:39
Căng thẳng thương mại EU - Trung Quốc lại tăng nhiệt

Những căng thẳng mới này diễn ra trong bối cảnh hai bên dự kiến sẽ tiến hành Hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này tại Trung Quốc.

Kinh tế Quốc tế 06/07/2025 21:25
Lỗ hổng thuế khiến Nhật Bản thất thu gần 100 tỷ yen

Cơ quan thuế Nhật Bản cho biết, các nhà đầu tư chuyển tiền vào Nhật Bản thông qua Singapore đã tránh được khoảng 690 triệu USD tiền thuế của Nhật Bản trong giai đoạn 2020-2022 do lỗ hổng thuế.

Kinh tế Quốc tế 06/07/2025 17:16
Nước đi xứng danh huyền thoại của Warren Buffett khi bán 39% cổ phần Bank of America và gom mua cổ phiếu này

Gần khoảng thời gian bán tháo cổ phiếu Bank of America, huyền thoại Warren Buffett đã đổ xô mua vào một cổ phiếu giá hời.

Kinh tế Quốc tế 06/07/2025 15:10
Nhóm BRICS lần đầu thông qua đề xuất chung về cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Đây là lần đầu tiên nhóm BRICS - hiện đã mở rộng từ 5 lên 11 quốc gia thành viên - đạt đồng thuận về lập trường thống nhất chung trong vấn đề cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO