Kinh tế Quốc tế 22/03/2023 15:57

Fed có thể vừa chống lạm phát, vừa ngăn khủng hoảng ngân hàng

Ngân hàng trung ương của Mỹ không cần phải hy sinh mục tiêu chính sách tiền tệ để ổn định cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính hiện nay.

Chủ tịch Fed Jerome Powell điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 8/3/2023. (Ảnh: Reuters)

Sau nhiều vụ sụp đổ của các ngân hàng trong thời gian gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn buộc cơ quan này hy sinh mục tiêu lạm phát để giữ ổn định cho nền tài chính.

Tuy nhiên, trong bài viết trên Bloomberg, Cựu Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông Bill Dudley cho rằng Fed vừa có thể chiến đấu chống lạm phát, vừa ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng lan rộng. 

Những ký ức về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 lại trở về khi hết ngân hàng này đến ngân hàng khác gặp khó khăn. Các nhà đầu tư và người gửi tiền ồ ạt tháo chạy với những biến động nhỏ, khiến những cú sốc như vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) có tác động to lớn.

Các ngân hàng lớn, có tình hình tài chính lành mạnh hơn không sẵn sàng lao vào giải cứu, nản lòng trước những trách nhiệm pháp lý khó lường đi kèm với những vụ mua lại khẩn cấp năm 2008 cũng như yêu cầu về vốn cao hơn mà tổ chức sau sáp nhập phải đáp ứng. 

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay khác với năm 2008. Các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã trở nên linh hoạt hơn, với khả năng chống chịu tốt hơn và đang thu hút dòng tiền gửi.

Tương tự, hộ gia đình và doanh nghiệp cũng trong tình trạng tài chính tốt hơn, một phần nhờ vào những gói kích thích tài khóa khổng lồ trong đại dịch COVID. Mỹ cũng không có bong bóng nhà đất do các công cụ tài chính phức tạp và mong manh gây nên.

Những khác biệt trên đồng nghĩa nếu các nhà chức trách Mỹ có thể khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng thì tình trạng hỗn loạn gần đây sẽ không gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế.

Các ngân hàng nói chung chỉ chiếm một phần nhỏ trong hoạt động trung gian tài chính ở Mỹ. Những tổ chức gặp khó khăn cũng chỉ chiếm một vài phần trăm tổng tài sản của các ngân hàng. 

Do vậy, không có lý do gì để tín dụng trở nên thắt chặt như năm 2008. Vấn đề chính - thua lỗ do nắm giữ trái phiếu dài hạn - có thể được giải quyết bằng cách chấp nhận ít rủi ro lãi suất hơn.

SVB và Signature Bank chỉ chiếm một phần nhỏ trong ngành ngân hàng của Mỹ.

Fed cần làm gì?

Vậy, Fed cần làm gì trong tình huống này. Ông Dudley gợi ý rằng Fed nên cung cấp thanh khoản cần thiết để hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng - tương tự như đã làm vào tuần trước: chấp nhận trái phiếu chất lượng cao tính theo mệnh giá để làm tài sản thế chấp cho việc bơm thanh khoản.

Hạn chế rủi ro và sự không chắc chắn sẽ cho phép Fed theo đuổi chính sách tiền tệ phù hợp nhất cho nền kinh tế. Cơ quan này cũng cần chứng minh rằng có thể đạt cả hai mục tiêu: đảm bảo sự ổn định tài chính với tư cách là người cho vay cuối cùng và giảm lạm phát thông qua điều chỉnh lãi suất ngắn hạn.

Việc nâng nhẹ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản sẽ đưa giới hạn trên trong khoảng lãi suất mục tiêu của Fed lên 5%.

Tất nhiên, việc nâng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tuần này sẽ là một hành động liều lĩnh do tình hình vẫn chưa ổn định. 

Như các quan chức Fed đã gợi ý, điểm đến quan trọng hơn tốc độ. Việc nâng lãi suất chậm hơn sẽ giúp ngân hàng trung ương có nhiều thời gian để đánh giá tác động của những động thái trước đó. Mặt khác, việc cắt giảm lãi suất khi lạm phát vẫn còn cao sẽ gây nhiều biến động hơn là bình ổn thị trường. 

Fed đang phải lựa chọn giữa tạm dừng nâng lãi suất và tăng 25 điểm cơ bản. Việc tạm dừng thực sự có thể làm xáo trộn thị trường bằng cách chỉ ra rằng sức khỏe của hệ thống ngân hàng là một mối lo ngại. Tất nhiên, các quan chức có thể giảm thiểu sự lo lắng bằng cách báo hiệu khả năng tăng lãi suất thêm trong các tuyên bố của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hay các dự đoán lãi suất.

Mặt khác, nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản có thể tiếp tục siết chặt biên lãi ròng của ngân hàng cũng như tạo thêm rắc rối nếu tình trạng bất ổn trở nên tồi tệ hơn.

Bất kể đưa ra quyết định gì trong tuần này, Fed cần phải ổn định tình hình tài chính càng sớm càng tốt để sau đó có thể theo đuổi chính sách tiền tệ một cách đúng đắn và an toàn. Ông Dudley cho rằng rắc rối về vốn tại một số ít ngân hàng không nên cản trở cuộc chiến chống lạm phát.

Minh Quang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 24/04/2024 14:42
Nếu Mỹ cấm TikTok, chuyện gì sẽ xảy ra với ứng dụng này và ai có thể hưởng lợi?

Trong ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ ký thông qua dự luật buộc TikTok phải bán hoạt động ở Mỹ nếu công ty mẹ ở Trung Quốc không chịu thoái vốn trong vòng một năm.

Kinh tế Quốc tế 24/04/2024 14:09
Giáo dục cản trở giấc mơ siêu cường của Ấn Độ, người dân có thể chưa kịp giàu đã già

Ấn Độ có thể trở thành đất nước chưa giàu đã già nếu chính phủ và khu vực tư nhân không giải quyết được bài toán lao động.

Kinh tế Quốc tế 24/04/2024 10:31
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine

Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm 61 tỷ USD dành cho Ukraine, 13 tỷ USD cho Israel và hơn 9 tỷ USD dành cho viện trợ nhân đạo tới Gaza, Sudan và Haiti...

Kinh tế Quốc tế 24/04/2024 09:56
CEO JPMorgan cảnh báo tình trạng 'lạm phát đình trệ' có thể tái diễn ở Mỹ

CEO Jamie Dimon của JPMorgan cảnh báo Mỹ có nguy cơ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ như những năm 1970. Ông cho biết gã khổng lồ ngành ngân hàng Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với kịch bản này.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO