Hôm 27/11, chỉ vài giờ trước khi Bộ Thương mại Mỹ công bố một báo cáo lạm phát quan trọng, cơ quan này đã phát hành số liệu GDP quý III bản cập nhật.
Báo cáo mới cho thấy nền kinh tế số một thế giới vẫn bền bỉ một cách đáng ngạc nhiên với tốc độ tăng trưởng đã chuẩn hoá theo năm là 2,8%. Đáng vui là tăng trưởng đã vượt mức 2% trong 8 trên 9 quý gần nhất.
Chi tiêu của người tiêu dùng - hiện chiếm khoảng 70% hoạt động kinh tế - tăng tốc 3,5% trong quý III. Con số này cao hơn mức 2,8% ghi nhận vào quý II và là kết quả tốt nhất kể từ quý IV/2023.
Đằng sau sức mạnh của người tiêu dùng là một thị trường lao động không kém phần vững chắc, trái ngược với lo ngại của một số chuyên gia rằng lãi suất cao đang đè nặng lên bức tranh việc làm.
Hồi tháng 10, thị trường lao động hầu như không tăng trưởng khi các doanh nghiệp chỉ tạo thêm 12.000 việc làm. “Cỗ xe” khựng lại một phần do ảnh hưởng của hai cơn bão lớn và cuộc đình công của 33.000 công nhân Boeing.
Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2024, nền kinh tế vẫn tạo ra trung bình 170.000 việc làm mỗi tháng. Thị trường lao động không chỉ lấy lại gần 22 triệu việc làm bị mất trong đại dịch COVID-19 mà còn có thêm 6,5 triệu việc làm khác.
Bên cạnh đó, ở mức 4,1%, tỷ lệ thất nghiệp quả thực khó có thể khiến nhiều chuyên gia mất ăn mất ngủ.
Ông Rob Haworth, Giám đốc chiến lược đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Asset Management, đánh giá: “Khi so sánh với tỷ lệ thất nghiệp trong quá khứ, con số quanh mức thấp 4% là khá thuận lợi [cho nền kinh tế]”.
Nếu nhà đầu tư nào đó vẫn còn băn khoăn, vậy hãy thử xem xét một trong những thước đo tốt nhất về sức mạnh của thị trường lao động là tỷ lệ có việc làm của nhóm dân số vàng.
Đây là thước đo tập trung vào tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 25 đến 54 có việc làm, thay vì những người có khả năng đang còn đi học hoặc đã nghỉ hưu. Theo biểu đồ bên dưới, tỷ lệ này đạt 80,9% vào tháng 8, mức cao nhất kể từ đầu năm 2001.
Không chỉ nhiều người lao động có việc làm hơn mà trung bình tiền lương cũng đi lên. Tốc độ tăng trưởng tiền lương hàng năm đã nhanh hơn lạm phát trong 16 tháng liên tiếp do áp lực giá giảm đáng kể so với mức đỉnh vào mùa hè năm 2022.
Tiền lương thực tế (đã điều chỉnh cho lạm phát) khởi sắc ở cả ba nhóm thu nhập, trong đó tăng mạnh nhất đối với những người lao động thu nhập thấp và tăng vừa phải đối với nhóm trung lưu.
Nhìn chung, tăng trưởng việc làm chậm lại không có nghĩa là thị trường lao động không còn mạnh mẽ. Trên thực tế, thị trường lao động vẫn tiếp tục tạo thêm việc làm, dù với tốc độ thấp hơn một chút.
Điều này không có gì đáng lo, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Khi nền kinh tế tiến sát trạng thái toàn dụng việc làm, tăng trưởng việc làm thường có xu hướng chững lại do số lượng lao động phải “ngồi bên lề” giảm dần.
Sau khi tăng lãi suất từ gần 0% lên 5,5% và duy trì chi phí đi vay ở mức cao trong hơn một năm, Fed vừa hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) vào tháng 9. Sau đó, ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục giảm thêm 25 bps vào tháng 11.
Trong các tuyên bố chính sách, giới chức Fed bày tỏ rằng sức khoẻ của thị trường lao động bây giờ quan trọng không kém cuộc chiến chống lạm phát. Vì vậy, họ dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn trong một năm tới.
Tuy nhiên, với một thị trường lao động vững vàng và chi tiêu của người tiêu dùng tương đối ổn định, các nhà hoạch định chính sách dường như không có đủ lý lẽ để tiếp tục hạ lãi suất, ít nhất là tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 17 - 18/12.
Thay vào đó, trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu nóng trở lại, Fed nên xem xét tạm dừng lại để quan sát toàn cảnh trước khi đẩy chi phí đi vay liên ngân hàng xuống mức thấp hơn.
Như đã đề cập, vào ngày 27/11, Bộ Thương mại Mỹ còn công bố thêm báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI, thước đo lạm phát ưa thích của các quan chức ngân hàng trung ương).
Vào tháng 10, PCEPI đã bật tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn 0,2 điểm % so với kết quả ghi nhận vào tháng 9 và cũng cao hơn mức mục tiêu 2% của giới chức Fed.
Loại trừ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, PCEPI lõi còn tăng mạnh hơn. Thước đo này tăng 2,8% so với một năm trước, cao hơn 0,1 điểm % so với tháng 9. Fed thường tập trung vào chỉ số lõi để đánh giá xu hướng lạm phát dài hạn.
Biểu đồ bên dưới cho thấy tỷ lệ lạm phát lõi đã dao động trong khoảng 2,6% đến 2,8% kể từ tháng 2. Giá cả nhìn chung vẫn tăng cao trong lĩnh vực dịch vụ, ở các khoản mục như tiền thuê nhà, bữa ăn tại nhà hàng, bảo hiểm xe hơi.
Ở diễn biến khác, trong bối cảnh ông Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào đầu năm 2025, chương trình nghị sự kinh tế của vị tổng thống đắc cử được dự đoán sẽ kích thích lạm phát đi lên.
Cho nên, bên cạnh các số liệu lạm phát nóng gần đây, các quan chức Fed cũng nên tính toán đến tác động từ loạt chính sách của ông Trump.
Hồi đầu tuần trước, ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social rằng ông sẽ áp thuế bổ sung 10% lên hàng hoá Trung Quốc và đánh thuế 25% đối với toàn bộ sản phẩm của Mexico và Canada.
Hiện tại, các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn đang phụ thuộc vào nguồn sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nếu họ không thể tìm được sản phẩm thay thế phải chăng, giá cả sẽ tăng.
Ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, cảnh báo trong một lưu ý mới rằng các mức thuế quan mà ông Trump đề cập sẽ khiến giá tiêu dùng ở Mỹ tăng đáng kể.
“....thuế quan thực tế tăng 1% thì PCEPI lõi sẽ nhích thêm 0,1%. Chúng tôi ước tính nếu đề xuất áp thuế quan được triển khai, PCEPI lõi sẽ tăng khoảng 0,9%”, vị chuyên gia cho hay.
Chủ nhân Nhà Trắng tương lai cũng muốn giảm mạnh thuế suất cho người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình tranh cử, ông đề xuất giảm thuế suất doanh nghiệp từ mức 21% hiện nay xuống 15%.
Các chính sách tài khoá mở rộng thường giúp kích thích tăng trưởng, song cũng tồn tại rủi ro thúc đẩy áp lực lạm phát.
Chưa kể, chi phí nhân công sẽ tăng lên khi doanh nghiệp cạnh tranh nhau để thay thế những người lao động giá rẻ nếu chính quyền mới của ông Trump tìm cách trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp.
Trong một nghiên cứu vào cuối tháng 11, nhà kinh tế Brett Ryan của Deutsche Bank nhấn mạnh: “Các dữ liệu gần đây cho thấy đà giảm của lạm phát đã chậm lại. Các chính sách của ông Trump sẽ củng cố những tín hiệu đó”.
Ông Ryan dự đoán lạm phát tính theo PCEPI lõi sẽ “chững lại” quanh mức 2,5% hoặc cao hơn trong suốt năm 2026, ngay cả khi các quan chức Fed đã thể hiện ý định tiếp tục hạ lãi suất.
Trong những ngày gần đây, các nhà đầu tư đã trở nên hoài nghi hơn về khả năng giảm lãi suất của Fed. Theo công cụ FedWatch của CME Group, xác suất cho đợt giảm vào tháng 12 hiện còn 66% - tụt so với mức 82,7% một tháng trước.
Đồng thời, các nhà đầu tư kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ chỉ hạ lãi suất thêm 75 điểm cơ bản từ nay cho đến cuối năm 2025, giảm đáng kể so với trước.
Mỹ sử dụng kênh đào Panama nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đồng thời cũng là nước dành phần lớn nguồn lực để xây dựng kênh đào và quản lý lãnh thổ xung quanh trong nhiều thập kỷ.
Thành viên Hội đồng Thống đốc ECB, ông Boris Vujcic, cho biết: “Định hướng đã rõ ràng, đó là sự tiếp nối định hướng từ năm 2024, và đó là việc tiếp tục giảm lãi suất."
Tổng thống Mỹ đã phê chuẩn dự luật cấp ngân sách cho chính phủ liên bang đến giữa tháng 3/2025, giúp chính phủ nước này tránh được nguy cơ đóng cửa một phần chỉ vài ngày trước lễ Giáng sinh.
Thomas Rowe Price là nhà sáng lập của một trong những công ty đầu tư nổi tiếng nhất thế giới mang tên ông và là người được mệnh danh “cha đẻ” của phương pháp đầu tư tăng trưởng.