Trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao kỳ hạn tháng 9/2025 tiếp tục lao dốc phiên thứ 3 liên tiếp, với mức giảm 3,13% (104 USD/tấn) so với phiên trước đó, xuống còn mức 3.216 USD/tấn. Hợp đồng giao kỳ hạn tháng 11/2025 giảm 3,18% (104 USD/tấn), đạt 3.170 USD/tấn.
Giá cà phê robusta trên Sàn London trong phiên giao dịch ngày 12/7. (Nguồn: giacaphe.com)
Trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 9/2025 giảm nhẹ 0,45% (1,3 US cent/pound), còn 286,5 US cent/pound. Hợp đồng giao kỳ hạn tháng 11/2025 giảm 0,58% (1,65 US cent/pound), đạt 280,45 US cent/pound.
Giá cà phê arabica trên Sàn New York trong phiên giao dịch ngày 12/7. (Nguồn: giacaphe.com)
Theo Barchart, giá cà phê trong phiên giao dịch cuối tuần giảm trên cả hai sàn giao dịch, trong đó robusta rơi xuống mức thấp nhất trong 14 tháng do tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil diễn ra thuận lợi, gây áp lực lên giá.
Hãng tư vấn Safras & Mercado cho biết, tính đến ngày 9/7, vụ thu hoạch cà phê 2025-2026 của Brazil đã hoàn thành 69%, cao hơn mức 66% cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình 5 năm là 62%. Phân tích cho thấy 88% sản lượng robusta đã được thu hoạch và 58% vụ thu hoạch arabica đã hoàn thành.
Đồng thời, thị trường robusta cũng chịu áp lực trước nguồn cung xuất khẩu tăng mạnh từ Việt Nam.
Trong khi đó, theo Reuters, giá cà phê arabica đầu phiên tăng mạnh khi các nhà đầu tư tập trung vào lời đe dọa trả đũa của Brazil nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald tiến hành áp thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ Brazil, tuy nhiên giá đã giảm vào cuối phiên giao dịch và kết thúc ở mức thấp hơn.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho biết ông muốn tìm giải pháp ngoại giao cho mối đe dọa áp thuế từ Mỹ, nhưng cũng tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng nếu mức thuế này chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8.
Brazil là quốc gia trồng và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ là khách hàng lớn nhất của nước này và cũng là nước tiêu thụ cà phê nhiều nhất toàn cầu. Trong tổng lượng cà phê mà quốc gia này tiêu thụ, không dưới 33% đến từ Brazil.
Các nguồn tin trong ngành cà phê cho biết nếu mức thuế mới được xác nhận và áp dụng vào ngày 1/8, gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu cà phê của Brazil sang Mỹ sẽ bị đình trệ. Đồng thời, Mỹ sẽ khó có thể tìm được nguồn thay thế với khối lượng và mức giá tương đương.
Ngoài tác động đến giá nội địa Mỹ, các chuyên gia nhận định mức thuế này có tác động tích cực ngắn hạn đối với giá cà phê giao dịch trên sàn ICE – vốn được xem là chuẩn giá toàn cầu – do làm gia tăng nhu cầu đối với các kho dự trữ được chứng nhận của ICE tại Mỹ.
Giá cà phê trên sàn ICE thường có xu hướng tăng khi lượng tồn kho giảm, vì đó là dấu hiệu cho thấy nguồn cung đang thắt chặt.
Theo các nhà giao dịch, tiến độ thu hoạch nhanh chóng tại Brazil là một trong những nguyên nhân khiến giá quay đầu giảm.
Ông Alberto Peixoto – Giám đốc công ty môi giới và tư vấn AP Commodities – nhận định: "Thị trường New York đang phản ánh nhu cầu gia tăng trong việc nắm giữ tồn kho cà phê tại Mỹ. Đợt bật giá này tuy nhỏ nhưng có thể còn tăng mạnh hơn".
Tuy nhiên, về dài hạn, các chuyên gia cho rằng thuế quan của Mỹ đối với Brazil có thể là yếu tố tiêu cực đối với giá cà phê toàn cầu, khiến lượng cà phê không xuất sang Mỹ được chuyển hướng sang các thị trường khác, làm tăng nguồn cung trên thị trường quốc tế.
Mỗi lượng vàng miếng tăng nửa triệu đồng lên mức cao nhất hai tháng, đồng thời giá bạc miếng cũng xác lập kỷ lục mới.
Giá cao su Trung Quốc tăng vọt hơn 2% trong tuần qua. Tương tự, Nhật Bản cũng ghi nhận tăng hai phiên liên tiếp do lo ngại nguồn cung từ Thái Lan và tín hiệu tiêu thụ khả quan từ Mỹ.
Trưa 12/7, giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh trên diện rộng, nối dài đà tăng từ phiên trước. Vàng miếng SJC bật lên mức 121,5 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn trơn và vàng nữ trang ghi nhận mức tăng ấn tượng, có nơi lên tới 1 triệu đồng/lượng.
Tháng 6/2025, khu vực miền Bắc ghi nhận mức tiêu thụ điện cao nhất kể từ đầu năm, tạo áp lực lớn cho việc vận hành.