Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/2, giá thép thanh kỳ hạn tháng 4 trên Sở Giao dịch Thượng Hải (SHFE) giảm 0,7% (23 CNY) về mức 3.288 CNY/tấn. Tương tự, giá quặng sắt trên Sàn Đại Liên (DCE) giảm nhẹ về 825 CNY/tấn và trên Sàn Singapore giảm 0,08% xuống mức 106,2 USD/tấn.
Hôm qua, ngày 10/2 theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh tăng mức thuế lên 25% đối với nhập khẩu thép và nhôm vào Mỹ mà không có ngoại lệ hoặc miễn trừ nào. Mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3. Theo Hiệp hội Sắt thép Mỹ, quốc gia này nhập khẩu thép nhiều nhất từ Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam.
Giá thép thanh kỳ hạn tháng 4 trên Sàn SHFE. Nguồn: Barchart
Theo CNBC, dữ liệu chính thức cho thấy nhập khẩu thép của Mỹ đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, giảm 35% trong giai đoạn 10 năm từ 2014 - 2024, mặc dù có mức tăng 2,5% lên 26,2 triệu tấn vào năm 2024. Nhiều người cho rằng, điều này là do thuế quan được đưa ra dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, nhập khẩu nhôm của Mỹ đã tăng 14% trong thập kỷ qua, trong khi xuất khẩu kim loại của Mỹ tăng dần kể từ năm 2020.
Đầu tuần này, James Campbell, nhà phân tích tại công ty tư vấn định giá hàng hóa CRU chia sẻ, kể từ làn sóng thuế quan đầu tiên của Ông Trump vào năm 2018, Mỹ đã chứng kiến đầu tư tăng lên ở cả lĩnh vực thép và nhôm.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông đã áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và Liên minh Châu Âu. Chính quyền dưới thời ông cũng đặt ra hạn ngạch đối với hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác, bao gồm Hàn Quốc, Argentina và Australia.
Năm 2024, Mỹ nhập khẩu thép từ 79 quốc gia và nhôm từ 89 quốc gia. Theo dữ liệu của chính phủ, những hàng nhập khẩu này có tổng giá trị hơn 49 tỷ đô la.
Giá trị nhập khẩu thép và nhôm vào Mỹ (tỷ USD). Nguồn: CNBC/Cục Quản lý Thương mại Mỹ - Lan Hương việt hóa
Canada và Mexico - Hai quốc gia này nằm trong số những nước xuất khẩu thép và nhôm lớn nhất sang Mỹ, vì vậy có khả năng sẽ bị tổn hại bởi thuế quan khi có hiệu lực. Đức cũng là một nước xuất khẩu thép lớn sang Mỹ và có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thuế quan.
Tuy nhiên, Thyssenkrupp, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu nói với CNBC hôm thứ Hai rằng, họ dự báo "tác động rất hạn chế" đến hoạt động kinh doanh của mình nếu Mỹ áp dụng thêm thuế đối với thép và nhôm. Công ty Đức cho biết châu Âu vẫn là thị trường chính của họ về thép, chỉ có các sản phẩm "chất lượng cao" phù hợp mới được xuất khẩu sang Mỹ, nơi họ duy trì "vị thế thị trường tốt". Người phát ngôn cho biết qua email: “Phần lớn doanh số bán hàng của Thyssenkrupp ở Mỹ đến từ hoạt động kinh doanh thương mại và cung cấp ô tô.
Ngoài ra, các nhà xuất khẩu châu Á gồm Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản cũng nằm trong số các quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu mới nếu Tổng thống Donald Trump tiến hành chính sách này.
Theo phân tích của CNBC về dữ liệu thương mại của Mỹ, nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng hơn 140% so với năm trước. Đài Loan cũng xuất khẩu thép sang Mỹ vào năm 2024 nhiều hơn 75% so với năm 2023.
Trong nước, giá thép thanh của các doanh nghiệp lớn vẫn ghi nhận bình ổn. Cụ thể, giá thép CB240 giao dịch khoảng 13.640-13.800đ/kg, trong khi thép D10 CB300 có giá khoảng 13.700-13.840đ/kg.
Giá thép ghi nhận tới ngày 11/2/2025. Nguồn: SteelOnline
Giá lúa gạo hôm nay (11/2) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ 100 đồng/kg đối với lúa IR 50404 và ổn định ở các chủng loại khác. Tương tự, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường châu Á cũng giảm 2 USD/tấn so với tuần trước.
Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố vào thứ Ba rằng sẽ có các biện pháp đáp trả “cứng rắn và tương xứng” đối với thuế quan mà Mỹ áp đặt lên xuất khẩu thép và nhôm của châu Âu, theo Financial Times.
Giá sầu riêng hôm nay duy trì ổn định tại các vùng trồng chính trên cả nước. Trong khi đó, Indonesia đang nhắm tới tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi thị trường này từ chối nguồn cung từ Thái Lan.
Mỹ đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam với tỷ trọng chiếm hơn 39%. Chính vì thế, các doanh nghiệp đang lo ngại về những chính sách thương mại, đặc biệt là các mức thuế quan mà chính quyền Trump có thể áp dụng với các quốc gia đang có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.