Giá tiêu sẽ tăng trở lại vào cuối năm?

Giá hồ tiêu trong nước sau khi chạm đáy vào giữa tháng 6 đã bật tăng trở lại và đang duy trì ở mức ổn định. Mức tồn kho thấp, nguồn cung sụt giảm cùng với triển vọng nhu cầu nhập khẩu hồi phục vào cuối năm đang tạo kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Giá tiêu nội địa liên tục giảm trong quý II

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia Vị (VPSA), giá hồ tiêu trong nước đã trải qua nhiều biến động đáng kể trong quý II.

Trong tháng 4, giá tiêu duy trì ở mức cao, dao động từ 153.000–155.000 đồng/kg, có lúc đạt đỉnh 157.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ tháng 5 trở đi, giá bắt đầu giảm nhẹ, và đến tuần thứ ba của tháng 6, giá tiêu rơi xuống mức 123.000 đồng/kg – mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 ngày 24/7, ông Lê Việt Anh – Tổng Thư ký VPSA, cho biết nguyên nhân chính đến từ tâm lý e ngại sau thông tin Mỹ có thể áp thuế nhập khẩu với hồ tiêu Việt Nam. Cùng với đó, Luật Thuế giá trị gia tăng mới có hiệu lực từ ngày 1/7 nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến các doanh nghiệp trì hoãn giao dịch.

Dù vậy, ngay sau đó, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục. Trong tuần cuối tháng 6, giá tiêu bật tăng trở lại lên khoảng 140.000 đồng/kg và duy trì ổn định đến thời điểm hiện tại. 

Mặc dù giá hồ tiêu nhìn chung vẫn giữ được mức cao và ổn định so với cùng kỳ năm trước, ông Việt Anh nhận định sức hút đầu tư vào ngành hồ tiêu đang giảm rõ rệt do sự cạnh tranh từ các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như sầu riêng và cà phê, vốn đang ghi nhận mức giá hấp dẫn và ổn định hơn trên thị trường.

 

Trong khi đó, giá tiêu xuất khẩu vẫn duy trì ổn định khoảng 6.800 - 69.000 USD/tấn trong quý II, theo số liệu công bố trong báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu xuất bản ngày 21/7/2025.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2025, giá bình quân xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam tăng mạnh 54,8% so với cùng kỳ 2024, đạt 6.881 USD/tấn. 

Nguồn: Cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu

Trong nửa đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 123.000 tấn hồ tiêu, khiến lượng tồn kho trong nước giảm mạnh.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết mức tồn kho được dự báo ở mức thấp nhất trong vòng 5–6 năm. Nguyên nhân đến từ sản lượng vụ mùa năm 2025 có thể ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo VPSA, vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2025 tại Việt Nam đã chính thức kết thúc với sản lượng ước đạt 180.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với năm 2024. Mức giảm này phần lớn đến từ việc không có sự mở rộng diện tích trồng mới trong niên vụ vừa qua.  

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu cho biết dù nguồn cung đang thấp, nhưng sức mua yếu khiến đà tăng giá của hạt tiêu chưa thể bứt phá.

Triển vọng tích cực cho giá tiêu cuối năm 

Mặc dù giá tiêu trong quý II có xu hướng giảm mạnh, triển vọng thị trường cuối năm được đánh giá có nhiều điểm tích cực.

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn thận trọng mua vào và chờ đợi thêm tín hiệu từ các thị trường quan trọng như Trung Quốc và châu Âu. Cơ quan này dự báo nếu các nhà nhập khẩu lớn sớm quay lại trong quý IV, giá hạt tiêu được kỳ vọng sẽ tăng trở lại. 

Nhận định này cũng trùng khớp với quan điểm của bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, khi cho rằng thị trường nửa cuối năm sẽ khởi sắc trở lại, sau giai đoạn trầm lắng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 do ảnh hưởng của thuế quan và chính sách thương mại.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Liên cho biết nhu cầu dùng bị nén trong nửa đầu năm sẽ sớm được "giải phóng", tạo điều kiện cho thị trường phục hồi.

Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ: “Nhu cầu tiêu dùng bị nén trong nửa đầu năm sẽ không thể bị kìm hãm lâu hơn nữa. Các nhà nhập khẩu buộc phải quay lại thị trường để bổ sung nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng như tiêu dùng cuối năm”.

Theo Chủ tịch Hiệp hội, thị trường đã bắt đầu xuất hiện tín hiệu tích cực trở lại: “Hiệp hội dự báo nửa cuối năm thị trường sẽ tốt lên và thực tế hiện tại thị trường cũng bắt đầu tốt dần”.

Chia sẻ bên lề hội nghị, một doanh nghiệp lớn trong ngành nhận định rằng trong ngắn hạn, giá hồ tiêu sẽ chưa có nhiều biến động lớn do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố địa chính trị, thương mại và lượng tồn kho tại một số thị trường lớn.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, mặc dù tổng tồn kho toàn cầu đã giảm so với năm trước, một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, vẫn còn dự trữ đáng kể, góp phần khiến giá tiếp tục đi ngang trong thời gian tới.

Vị lãnh đạo chia sẻ: “Giá hồ tiêu trong thời gian ngắn có thể chưa biến động quá lớn nhưng kỳ vọng năm sau giá sẽ tốt lên do hiện tượng thiếu cung. Lượng hồ tiêu được đầu cơ mua vào trong năm ngoái hiện đang dần được đưa ra thị trường, giúp duy trì nguồn cung ngắn hạn".

Theo ông, điều này khiến giá chưa thể tăng mạnh ngay, nhưng lại đóng vai trò điều chỉnh lại trạng thái cung cầu. Nếu đến cuối năm sản lượng tiếp tục giảm, giá có thể bắt đầu xu hướng đi lên.

Anh Tuấn
CÙNG CHUYÊN MỤC
Đề xuất nâng công suất Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt lên 2 - 3 lần

Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt kiến nghị Chính phủ cho phép chủ trương nghiên cứu nâng công suất Lò phản ứng khoảng 2 - 3 lần so với công suất 500 kWt hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu gỡ vướng khi thanh long, hồ tiêu 'tắc đường' sang EU

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ vướng mắc khi hàng trăm tấn thanh long và hồ tiêu đang bị ùn ứ tại các kho lạnh, không thể xuất sang EU do vướng thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Giá sầu riêng hôm nay 25/7: Trung Quốc hướng tới giống sầu nội địa

Giá sầu riêng hôm nay (25/7) ổn định ở mức thấp, dao động trong khoảng 20.000 - 80.000 đồng/kg. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đang chú ý tới một giống mới - sầu riêng được trồng trong nước tại tỉnh Hải Nam.

Dự báo giá heo hơi ngày 26/7: Đà giảm chưa chính thức dừng lại

Theo dự báo của các chuyên gia, giá heo hơi vẫn sẽ biến động nhẹ vào cuối tuần do đà giảm chưa chính thức dừng lại.