Giá xăng dầu hôm nay 4/4: Giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm

Giá dầu lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2022 sau khi OPEC+ bất ngờ tăng sản lượng và Mỹ áp thuế nhập khẩu mới, theo Reuters.

Giá dầu thô thế giới

Giá dầu đã lao dốc vào thứ Năm, ghi nhận mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ năm 2022, sau khi OPEC+ bất ngờ đồng ý tăng sản lượng chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt thuế nhập khẩu mới.

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent giảm 4,81 USD/thùng (tương đương 6,42%) xuống còn 70,14 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ cũng giảm 4,76 USD/thùng (tương đương 6,64%) xuống mức 66,95 USD/thùng.
Đây là mức giảm theo phần trăm lớn nhất của Brent kể từ ngày 1/8/2022 và của WTI kể từ ngày 11/7/2022.

Tại cuộc họp các bộ trưởng hôm thứ Năm, các nước thuộc OPEC+ đã thống nhất đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng, với mục tiêu đưa thêm 411.000 thùng dầu/ngày ra thị trường trong tháng 5, so với kế hoạch ban đầu chỉ là 135.000 thùng/ngày.

“Nền kinh tế và nhu cầu dầu mỏ có mối liên hệ chặt chẽ,” bà Angie Gildea – trưởng bộ phận năng lượng của KPMG tại Mỹ – nhận định.
“Thị trường vẫn đang phản ứng với thông tin về thuế quan, nhưng việc sản lượng dầu tăng trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu yếu đi đang tạo áp lực giảm lên giá dầu – có thể mở ra một chương mới đầy biến động của thị trường.”

Ngay trước khi cuộc họp diễn ra, giá dầu đã giảm khoảng 4% do lo ngại rằng các mức thuế mới của Trump sẽ làm leo thang chiến tranh thương mại toàn cầu, cản trở tăng trưởng kinh tế và hạn chế nhu cầu nhiên liệu.

Hôm thứ Tư, Trump công bố mức thuế tối thiểu 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ – quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới – và mức thuế cao hơn đối với sản phẩm từ hàng chục quốc gia khác.

Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết dầu, khí đốt và các sản phẩm tinh chế sẽ không nằm trong danh sách chịu thuế mới.

Cùng ngày, các nhà phân tích tại UBS đã hạ dự báo giá dầu cho giai đoạn 2025-2026 xuống còn 72 USD/thùng, giảm 3 USD do triển vọng thị trường yếu đi.

Các nhà giao dịch và chuyên gia phân tích hiện kỳ vọng giá dầu sẽ biến động mạnh trong ngắn hạn, do các mức thuế có thể thay đổi khi các quốc gia cố gắng đàm phán giảm thuế hoặc đưa ra các biện pháp trả đũa.

“Các biện pháp đối phó là điều chắc chắn và dựa vào phản ứng ban đầu của thị trường, nguy cơ suy thoái và lạm phát đình trệ đang trở nên rất đáng lo ngại,” chuyên gia Tamas Varga của PVM nhận định.
“Cuối cùng, thuế quan sẽ do người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước gánh chịu, khiến chi phí tăng và cản trở sự gia tăng của cải kinh tế,” ông nói thêm.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Tư cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng mạnh 6,2 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 2,1 triệu thùng từ các nhà phân tích. Điều này làm trầm trọng thêm tâm lý tiêu cực của thị trường.

Giá xăng dầu trong nước

Chiều 3/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu.

Giá bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Xăng/dầu

Thay đổi

Giá không cao hơn

E5RON92

+ 341 đồng/lít

20.373 đồng/lít

RON95-III

+ 495 đồng/lít

20.919 đồng/lít

Dầu diesel 0.05S

+ 261 đồng/lít

18.478 đồng/lít

Dầu hỏa

+ 211 đồng/lít

18.735 đồng/lít

Dầu mazut 180CST 3.5S

+ 124 đồng/kg

17.026 đồng/kg

Mức giá này có hiệu lực từ 15h ngày 3/4.

 

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
VASEP đề xuất giảm thuế nhập khẩu thủy sản Mỹ về 0%

VASEP đề nghị Chính phủ đàm phán với Mỹ điều chỉnh thuế đối ứng cho thủy sản, đồng thời muốn Việt Nam giảm thuế nhập hàng Mỹ xuống 0% thay vì 3-10% như hiện nay.

Dự báo giá heo hơi ngày 5/4: Đà giảm vẫn kéo dài tại khu vực miền Nam

Một số chuyên gia dự báo giá heo hơi có thể điều chỉnh vào sáng mai. Trong đó, thị trường miền Nam sẽ tiếp tục đi xuống do đà giảm vẫn đang kéo dài tại khu vực này.

Giá hàng hóa giảm mạnh nhất kể từ năm 2022 do thuế suất mới của Mỹ

Chỉ số Hàng hóa Bloomberg, gồm 22 nguyên liệu thô khác nhau, hôm 3/4 đã giảm 2,5%, ghi nhận mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ 5/12/2022, theo Bloomberg.

Bộ Công Thương: Có thể đàm phán FTA với Mỹ trong thời gian tới

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành cho biết trong cuộc đàm phán tiếp theo có thể phải sử dụng đến công cụ thuế nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có FTA nào với Mỹ nên có thể tính đến việc đàm phán hiệp định này.