Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters).
Đối với những nước lo ngại rằng thặng dư thương mại hàng hoá với Mỹ có thể khiến họ phải chịu thuế quan cao, Tổng thống Donald Trump đã gợi ý về một giải pháp, đó là mua nhiên liệu của Mỹ.
Hồi đầu tháng 4, ông Trump tuyên bố thâm hụt thương mại của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) sẽ “biến mất nhanh chóng và dễ dàng” nếu họ mua năng lượng của Mỹ. Nhà Trắng cũng thúc đẩy các nước như Ấn Độ tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent cố gắng thuyết phục Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đầu tư vào một dự án LNG ở Alaska và cam kết mua “lượng lớn” sản phẩm đầu ra.
Thoạt nhìn, kế hoạch của ông Trump có vẻ rất có tiềm năng, bởi Mỹ là nhà sản xuất và xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tham vọng năng lượng của Mỹ có nguy cơ bị các chính sách kinh tế và ngoại giao của ông cản trở.
Các công ty khí đốt Mỹ hiển nhiên cũng nhận thấy cơ hội cho họ trong cuộc chiến thương mại. Ông Mike Sabel, CEO Venture Global, cho rằng việc mở rộng xuất khẩu LNG là một trong những cách hiệu quả nhất để Mỹ thu hẹp thâm hụt.
Nhiều nhà đầu tư có thể cũng nghĩ vậy. Venture Global có màn IPO đáng thất vọng vào tháng 1. Nhưng sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng và công thức tính thuế, một công ty con của Venture Global đã huy động thành công 2,5 tỷ USD từ việc bán trái phiếu trả lợi suất cao vào ngày 15/4.
Nhiều đồng minh của Mỹ cũng phát tín hiệu tích cực. Một số nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ thay thế khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng hàng Mỹ. Ấn Độ đang cân nhắc gỡ bỏ thuế quan với LNG Mỹ. Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru ẩn ý Tokyo có thể đầu tư vào siêu dự án ở Alaska.
Song, thực tế là Mỹ sẽ không thể dễ dàng đẩy mạnh xuất khẩu LNG. Nguyên nhân thứ nhất là Mỹ thiếu hạ tầng để nhanh chóng tăng cường vận chuyển khí đốt.
Ông Toby Rice, CEO công ty khí đốt lớn của Mỹ có tên EQT, chỉ ra: “Mỹ có khí đốt, nhưng chúng ta không có đủ đường ống để đưa chúng đến những nơi cần”. Các cơ sở xuất khẩu LNG ở Mỹ đang hoạt động ở gần công suất tối đa, tờ Economist cho hay.
Thứ hai là thuế quan chính ông Trump đặt ra sẽ làm giảm năng lực cung cấp LNG của doanh nghiệp Mỹ và nhu cầu của những nước khác với mặt hàng này.
Tại Mỹ, cuộc chiến thuế quan đã khiến giá thép và những vật liệu đầu vào để xây dựng các dự án LNG mới tăng vọt. Còn ở nước ngoài, ông Raushal Ramesh, Phó Giám đốc công ty tư vấn Rystad Energy, bình luận: “Chúng tôi không thấy có làn sóng khí đốt lớn nào sắp đổ bộ thị trường”.
Ngoài siêu dự án ở Alaska, Mỹ cũng có đề xuất xây dựng dự án LNG ở những khu vực khác. Tuy nhiên, các nhà phát triển cần cam kết mua khí đốt dài hạn từ khách hàng tiềm năng để có thể vay vốn. Trong khi đó, rất ít người mua sẵn sàng cam kết như vậy.
Nhu cầu dành cho khí đốt dự kiến sẽ đi xuống bởi nhiều nền kinh tế sẽ chịu tổn thương vì cuộc chiến thương mại của ông Trump. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán tốc độ tăng trưởng dành cho khí đốt ở châu Á sẽ giảm từ mức 5,5% trong năm 2024 xuống còn 2% trong năm nay.
Triển vọng ở châu Âu có vẻ sáng sủa hơn, bởi khu vực này đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt khí đốt sau khi Nga cắt giảm xuất khẩu. IEA dự đoán châu Âu sẽ nhập khẩu thêm 25% LNG trong năm nay.
Song, ngay cả những người mua ở châu Âu cũng ngần ngại ký hợp đồng dài hạn với Mỹ. Một số lo ngại rằng một lúc nào đó, các quy định khí hậu sẽ cấm họ sử dụng khí đốt. Số khác dự kiến trong vài năm tới, nguồn cung khí đốt toàn cầu sẽ tăng vọt, khiến giá giảm mạnh.
Ngoài ra còn phải nhắc đến khả năng một lượng lớn khí đốt Nga sẽ quay trở lại châu Âu sau khi Nga và Ukraine đạt thỏa thuận hòa bình. Nếu điều này thành sự thật, châu Âu sẽ có rất ít động lực để mua thêm LNG từ Mỹ.
Các nhà lãnh đạo EU khẳng định họ sẽ không cho phép việc đó, nhưng một số công ty công nghiệp Đức đã khẩn thiết kêu gọi nước này quay trở lại sử dụng khí đốt giá rẻ từ Nga.
Và dù châu Âu có nhập khẩu toàn bộ khí đốt cần thiết từ Mỹ thì vấn đề thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng không “biến mất nhanh chóng” như tuyên bố của ông Trump.
Công ty tư vấn Wood Mackenzie ước tính trong kịch bản EU chỉ mua LNG, dầu diesel và dầu thô nhẹ từ Mỹ, thặng dư thương mại hàng hóa của khối này với Mỹ cũng chỉ giảm một nửa.
Nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phân mảnh – xu hướng rủi ro lớn nhất đối với thị trường hiện nay, khi kéo theo tăng trưởng thấp và lạm phát cao hơn.
Đồng euro đã bất ngờ tăng giá mạnh kể từ sau thông báo áp thuế quan quy mô lớn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các công ty dệt may Trung Quốc đang đổ xô đến những quốc gia như Indonesia để tìm kiếm thị trường mới thay thế cho Mỹ.
Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ thứ hai, có thể nói Tổng thống Donald Trump đã tạo ra tác động sâu rộng hơn hầu hết người tiền nhiệm nào gần đây.