Giữa cơn sốt sầu riêng ở Trung Quốc, Việt Nam có thể xuất khẩu 80.000 tấn trong nửa đầu năm 2023

Tính đến ngày 30/5, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch 60.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. Dự kiến, Trung Quốc sẽ nhập thêm 20.000 tấn sầu riêng trong tháng 6, nâng tổng sản lượng nửa đầu năm 2023 lên 80.000 tấn.

Theo số liệu từ đầu năm 2023 đến ngày 30/5, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã làm thủ tục thông quan cho 1.601 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60.000 tấn, theo báo Chính phủ.

Trong đó, sản lượng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã đạt hơn 17.500 tấn trong tháng 5 và tiếp tục gia tăng trong tháng 6, có thể đạt tới 20.000 tấn.

Hiện nay, tại các tỉnh phía nam, sầu riêng đang vào chính vụ thu hoạch và mặt hàng này chỉ thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế. Trong đó, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chiếm hơn 50% tổng số lượng xe.

Không chỉ sầu riêng, các loại trái cây khác như thanh long, vải thiều, mít, xoài… cũng đang vào vụ thu hoạch chính. Các phương tiện chở trái cây từ các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ tiếp tục dồn lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để xuất khẩu, gây nên tình trạng ùn tắc kéo dài.

Hiện nay, lực lượng chức năng của Trung Quốc quan tâm đặc biệt đến chất lượng sầu riêng của Việt Nam. Theo đó, tất cả lô hàng sầu riêng khi nhập khẩu vào Trung Quốc được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ…

Do vậy, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã gửi văn bản đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các hiệp hội ngành hàng trên cả nước khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng hoa quả tươi nên cân nhắc, chủ động tính toán trước khi đưa xe chở hàng lên khu vực Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tránh phát sinh thêm chi phí lưu kho bãi, tránh trường hợp hàng hóa phải nằm chờ lâu, ảnh hưởng đến chất lượng hoa quả xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp cũng cần tính toán chuyển đổi phương thức vận tải (xuất khẩu qua cửa khẩu đường sắt quốc tế) hoặc đưa hàng hóa qua các cửa khẩu của địa bàn khác để giảm thiểu tình trạng chờ, đỗ dài ngày.

Ngoài ra, Ban quản lý khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Sở Công Thương tiếp tục trao đổi với phía Ban Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường (Trung Quốc) để thống nhất cho phép mặt hàng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 2 tháng đầu năm, xuất khẩu các loại quả đạt 377 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sầu riêng là loại trái cây có trị giá xuất khẩu tăng mạnh nhất, đạt 57 triệu USD, tăng 291% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 15,1% kim ngạch xuất khẩu trái cây.

Sầu riêng chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 83% tổng trị giá xuất khẩu loại trái cây này của cả nước. 

Hoàng Anh
CÙNG CHUYÊN MỤC
VDSC: Yếu tố dài hạn đang ủng hộ vàng trở lại đà tăng giá

Theo VDSC, kịch bản dự báo giá vàng thế giới tăng đến mốc 2.700 - 3.000 USD/ounce của một số tổ chức tài chính có xác suất xảy ra tương đối cao.

Đồng baht mạnh đưa giá gạo Thái Lan chạm đỉnh của gần hai tháng

BNEWS Giá gạo tại các nước xuất khẩu hàng đầu châu Á đã tăng trong tuần này do nhu cầu tăng, trong khi đồng baht mạnh lên đẩy giá gạo Thái Lan chạm mức cao nhất trong gần hai tháng.

Những dấu hiệu đáng lo ngại về sản lượng ngũ cốc của thế giới

Sàn giao dịch Rosario (BCR) dự báo sản lượng ngô của nước này trong niên vụ 2023/2024 chỉ đạt 47,5 triệu tấn, giảm mạnh so với ước tính 59 triệu tấn đưa ra vào tháng 1/2024.

Giá vàng thế giới tăng hơn 14% tính từ đầu năm tới nay

Giá vàng thế giới tăng mạnh trong phiên 10/5, lên chốt phiên cao nhất trong ba tuần, khi số liệu kinh tế của Mỹ gây thất vọng đã làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong năm nay.