Đáng lẽ đàn heo giống của bác sĩ thú y Mike Lemmon – mỗi con trị giá từ 2.500 đến 5.000 USD – đã có mặt trên chuyến bay từ St. Louis đến Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 4 vừa rồi. Thế nhưng thực tế lại khác xa kỳ vọng. Sau khi phía Trung Quốc bất ngờ hủy đơn hàng chỉ trong vòng một tuần kể từ khi Bắc Kinh áp thuế trả đũa Mỹ vào tháng 4, nhiều con heo giống đã bị đưa thẳng đến lò mổ tại bang Indiana với giá bán chưa tới 200 USD mỗi con, theo Reuters.
Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất của Mỹ về heo giống và các vật liệu di truyền khác như tinh bò. Đây là phân khúc xuất khẩu ngách mang lại lợi nhuận cao và từng tăng trưởng mạnh mẽ – cho đến khi Tổng thống Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Nhiều nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ cho biết tranh chấp này đã khiến họ thiệt hại hàng triệu USD và làm lung lay những mối quan hệ thương mại quý giá mà họ phải mất nhiều năm mới xây dựng được.
Dù Washington và Bắc Kinh vừa đạt được thỏa thuận “đình chiến thuế quan” tạm thời vào tuần trước, các nhà xuất khẩu vẫn cho rằng chính sách thương mại đầy bất ngờ của ông Trump đã gây ra tổn hại lâu dài, đồng thời có thể khiến Trung Quốc và các thị trường lớn khác quay sang các đối thủ như Đan Mạch.
“Danh tiếng của chúng tôi đã bị ảnh hưởng. Tuần nào cũng có khách hỏi chuyện gì đang xảy ra với nước Mỹ”, ông Tony Clayton, chủ công ty xuất khẩu gia súc Clayton Agri-Marketing (Missouri) nói.
“Tôi thật sự không biết làm sao để hàn gắn lại chuyện này. Đây là tổn thất lâu dài.”
Người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai cho biết chính quyền đang “làm việc suốt ngày đêm” để mở rộng cơ hội xuất khẩu sang các đối tác khác.
Việc nuôi heo giống là một phân khúc nhỏ nhưng sinh lợi trong ngành chăn nuôi heo trị giá 37 tỷ USD của Mỹ. Nông dân sẵn sàng chi số tiền lớn để sở hữu những con heo có gen tốt, có khả năng sinh sản cao và cho ra đời những lứa heo con khỏe mạnh – sau đó sẽ được nuôi lấy thịt chất lượng cao.
Bác sĩ Mike Lemmon – chủ một trang trại ở bang Indiana – đã có hơn 30 năm kinh nghiệm xuất khẩu heo giống. Ông cho biết mình đã mất hơn một năm chuẩn bị cho thương vụ trị giá 2,4 triệu USD với đối tác Trung Quốc, chọn lọc những con heo có gen tốt, khỏe mạnh, đẻ mắn và nhiều mỡ – yếu tố giúp thịt mềm và đậm đà sau khi chế biến.
“Mất đơn hàng như vậy thật sự là cú sốc,” ông Lemmon chia sẻ.
Ông nói vẫn sẽ tiếp tục công việc và đang tìm cách khôi phục lại thỏa thuận với phía Trung Quốc trong thời gian tạm dừng đánh thuế.
Trung Quốc hiện chiếm một nửa đàn heo trên toàn cầu. Sau đợt dịch tả heo châu Phi năm 2018 khiến hàng triệu con heo bị tiêu hủy, Trung Quốc đã tăng mạnh nhập khẩu heo giống từ Mỹ để tái đàn.
Việc vận chuyển động vật sống ra nước ngoài vừa tốn công, vừa tốn kém. Các công ty thường phải cử người đi cùng trên chuyến bay hoặc thuê tiếp viên đặc biệt để chăm sóc những hành khách “đắt đỏ” này, đảm bảo chúng được ăn uống và giữ ấm suốt hành trình dài. Khi không làm việc, tiếp viên có thể trò chuyện với phi hành đoàn hoặc chợp mắt trong túi ngủ ngay cạnh những chú heo trong khoang lạnh, theo chia sẻ của các nhà xuất khẩu và nông dân.
Không chỉ có heo giống, Trung Quốc còn là nước nhập khẩu lớn nhất đối với tinh bò của Mỹ – giống bò nổi tiếng cho ra sữa giàu đạm. Thế nhưng hiện tại, “không có một đơn vị tinh bò nào được xuất sang Trung Quốc”, ông Jay Weiker – Chủ tịch Hiệp hội Nhân giống Gia súc Quốc gia – xác nhận. Ông cho biết Trung Quốc từng nhập tới 25% lượng tinh bò Mỹ, chủ yếu để thụ tinh nhân tạo cho đàn bò sữa trong nước.
Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh nhập khẩu tinh bò sau vụ bê bối sữa nhiễm melamine năm 2008 khiến ít nhất 6 trẻ em tử vong và gần 300.000 người mắc bệnh. Giới chức hy vọng cải thiện chất lượng bò sữa trong nước bằng cách nâng cấp nguồn gen.
Công ty SMART Reproduction Services (bang Arkansas), chuyên cung cấp vật liệu di truyền cho dê và cừu, cũng gặp cảnh tương tự. Chủ công ty – bà Brittany Scott – cho biết nhiều khách quốc tế đã hủy đơn, khiến hàng loạt lọ tinh trùng nằm bất động trong các bồn nitơ lỏng, chưa biết đến tay ai.
Bà cho biết mọi thứ đã sẵn sàng. Thế nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm lại trở nên khó khăn hơn sau khi ông Trump công bố gói thuế hồi tháng 4, kéo theo đòn đáp trả từ Trung Quốc.
“Việc mất đơn hàng giống như một cú đấm vào bụng vậy”, bà Scott chia sẻ.
Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhiều chuyên gia dự báo giá heo hơi sẽ tiếp tục giữ ổn định trong phiên cuối tuần do tình hình cung cầu vẫn duy trì cân bằng.
Giá sầu riêng hôm nay (23/5) tương đối ổn định tại các vựa thu mua trên cả nước. Trong khi đó, Indonesia đang giải quyết các thách thức về logistics để chuẩn bị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Giá lúa gạo hôm nay (23/5) tại thị trường trong nước diễn biến trái chiều, giảm nhẹ đối với gạo nguyên liệu nhưng tăng đối với cám. Trên thị trường thế giới, giá gạo Ấn Độ và Thái Lan đều giảm nhẹ trong tuần qua do nhu cầu yếu.
Tân Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản ngày 17/5 cam kết sẽ nhanh chóng đưa gạo từ kho dự trữ quốc gia ra các kệ hàng siêu thị với mức giá thấp đáng kể so với hiện tại, nhằm ngăn chặn xu hướng người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại gạo nhập khẩu rẻ hơn, theo Reuters.