Kinh doanh & Thị trường 26/11/2024 21:40

Hơn một nửa doanh nghiệp xuất khẩu online qua thương mại điện tử

Hơn 50% số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tuyến qua sàn thương mại điện tử, còn lại sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây dựng.

Thông tin được bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ tại hội nghị về thương mại điện tử xuyên biên giới, ngày 26/11.

Theo kết quả khảo sát của Cục này, 60% doanh nghiệp nghiệp được hỏi cho biết giá trị hàng xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử chiếm 10-30%. Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là các thị trường xuất khẩu trực tuyến lớn nhất của doanh nghiệp, lần lượt chiếm tỷ trọng 45%, 40% và 38%.

Khoảng 53% doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tuyến (online) qua sàn thương mại điện tử. Còn lại, 47% sử dụng website hoặc ứng dụng do họ tự xây dựng.

Thương mại điện tử xuyên biên giới có tốc độ phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Số liệu từ Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy năm 2023, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt được xuất khẩu qua nền tảng này. Số này tăng 50% về giá trị so với năm trước đó. Số đối tác bán hàng qua kênh này cũng tăng 40%.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ tại sự kiện, ngày 26/11. Ảnh: Hồng Hạnh

Riêng trên nền tảng Alibaba.com, số người mua các sản phẩm Việt Nam trung bình tăng 55%. Trong khi đó, lượng sản phẩm của doanh nghiệp nội có mặt trên nền tảng này tăng 24%.

Thực tế, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng 28,5% mỗi năm. Theo bà Hoàng Oanh, thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng doanh số. Họ cũng dễ nắm bắt, phản hồi nhanh với nhu cầu, nâng nhận diện thương hiệu ở thị trường nước ngoài, tạo lợi thế cạnh tranh.

Vân Nam (Trung Quốc) là cầu nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Tỉnh này cũng là mắt xích quan trọng trong hợp tác thương mại điện tử giữa Việt Nam - Trung Quốc. Ông Liu Liang, đại diện Sở Thương mại Vân Nam, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Vân Nam nhìn nhận nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo và giày dép là những sản phẩm Việt có tiềm năng lớn tại thị trường Trung Quốc.

Ông ví dụ, thanh long, hạt điều và cà phê Việt Nam bán qua các nền tảng xuyên biên giới đã xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng nước này. "Tương lai, cùng với việc tối ưu hóa logistics và chính sách, thị phần những sản phẩm này tiếp tục tăng", ông Liu Liang nói.

Dù vậy, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh thừa nhận các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam gặp nhiều thách thức trong tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới. Chẳng hạn, họ thiếu thông tin thị trường, gặp rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, hạn chế về kiến thức và kỹ năng số... Ngoài ra, căng thẳng thương mại, yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng cũng đòi hỏi nỗ lực lớn từ doanh nghiệp.

Để thúc đẩy kênh bán lẻ xuyên biên giới, ông Liu Liang cho rằng hệ sinh thái thương mại điện tử cần được xây dựng hoàn chỉnh hơn, gồm mạng lưới logistics, kho bãi, trung tâm phân loại. Việc này giúp đảm bảo hàng hóa Việt Nam thông quan sang Trung Quốc nhanh chóng.

Ông cũng cho rằng những hỗ trợ từ công nghệ, qua dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo cần được ứng dụng. Việc này giúp doanh nghiệp Việt phân tích thị trường chính xác, hiểu rõ hơn nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc. Đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Vân Nam cho biết họ sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước giao lưu và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Về phía cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin cơ quan này đang nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex). Kênh này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua thương mại điện tử. Bộ Công Thương cũng tổ chức các chương trình đào tạo nâng năng lực, cập nhật quy định, thủ tục và kiến thức mới cho doanh nghiệp khi bán hàng qua các nền tảng xuyên biên giới.

Phương Dung
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 26/11/2024 22:55
Việt Nam xây dựng chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho rằng giai đoạn tới Việt Nam tập trung cải thiện hệ thống quy định pháp lý để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đúng với bản chất.

Kinh doanh & Thị trường 26/11/2024 22:25
Ông Trump có thể cứu TikTok khỏi lệnh cấm của Mỹ như đã hứa?

Hạn chót để ByteDance bán TikTok hoặc đối mặt với lệnh cấm là ngày 19/1/2025 - một ngày trước lễ nhậm chức của ông Donald Trump. Câu hỏi hiện nay là Tổng thống đắc cử Mỹ làm sao để có thể cứu TikTok như đã hứa khi tranh cử?

Kinh doanh & Thị trường 26/11/2024 21:20
Huawei ra Mate 70, sẵn sàng từ bỏ Android

Huawei ra dòng Mate 70 với giá khởi điểm rẻ hơn iPhone 16, chạy hệ điều hành HarmonyOS Next, nhưng vẫn giấu thông tin về chip.

Kinh doanh & Thị trường 26/11/2024 19:52
VinFast đạt doanh số kỷ lục tại Mỹ, xây nhà máy công suất 300.000 xe/năm ở Hà Tĩnh

Dự kiến nhà máy VinFast tại Hà Tĩnh chuyên sản xuất các mẫu xe điện phổ thông VF 3 và VF 5.